|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vấn đề thâm hụt ngân sách của Italy dưới ngòi bút báo chí châu Âu

08:09 | 18/06/2019
Chia sẻ
Ủy ban châu Âu (EC) đang muốn thực hiện một trình tự tố tụng đối với vấn đề thâm hụt ngân sách quá mức của Italy.
Vấn đề thâm hụt ngân sách của Italy dưới ngòi bút báo chí châu Âu - Ảnh 1.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi nợ công đã lên tới hơn 130% GDP, Italy vẫn cho thực hiện các chính sách như triển khai “thu nhập công dân” (đảm bảo mỗi công dân có mức thu nhập tối thiểu 780 euro/tháng) và giảm mức tuổi về hưu. Bình luận về vấn đề này, báo chí châu Âu cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải vất vả để đưa nước này trở lại hàng ngũ của mình.

Nhật báo Neue Zürcher Zeitung cho rằng, sáng kiến của EC được đưa ra có độ trễ và không cần thiết. Theo Neue Zürcher Zeitung, nếu một trình tự tố tụng về vấn đề thâm hụt ngân sách của Italy được thực hiện nước này sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt về tài chính.

Tuy nhiên, đây là một tiến trình lâu dài và khả năng người ta sẽ chứng kiến “một trò chơi mèo vờn chuột ”. Đây là "gót chân Asin" của EU. Thỏa ước ổn định, cuối cùng chỉ là một thỏa thuận không chính thức giữa các quốc gia thành viên, còn mỗi nước vẫn duy trì chủ quyền về các vấn đề ngân sách.

Nhật báo Republica của Italy cảnh báo tính chất nghiêm trọng trong xung đột giữa Italy và EU. Republica phân tích, việc tiến hành một trình tự tố tụng về sự vi phạm này là vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa tới mức nguy kịch. Trong lịch sử, nhiều quốc gia, trong đó có Italy, đã gặp phải vấn đề này và theo cách thức của tiến trình này, nó cũng có thể được trì hoãn.

Tuy nhiên, vấn đề là ở triết lý chính trị của đảng Dân túy phong trào 5 sao, họ không có ý định phản kháng lại EU một cách đúng mực, mà trái lại còn thách thức bằng cách nhạo báng những quy định về khuôn khổ của vấn đề nợ và thâm hụt ngân sách, nhằm ít nhất về lý thuyết có được nguồn tài chính để tài trợ cho “mức thuế suất duy nhất” và các chi phí khác.

Còn nhật báo La Libre của Bỉ chỉ trích phản ứng thường thấy của EU đối với các quốc gia thành viên đang bị thâm hụt ngân sách. Theo La Libre, nếu những lời hứa “quá khổ” của những người theo chủ nghĩa dân túy, không thể thực hiện được nếu căn cứ vào tình hình ngân sách và nợ, cũng như tăng trưởng thấp của đất nước, thì đây cũng là thách thức mà nhìn tổng thể châu Âu chưa loại bỏ được nó.

Liệu châu Âu có hài lòng khi cứ đưa ra những lời đả kích về vấn đề nợ công của các nước thành viên mà không có sự suy xét và thiếu tầm nhìn chiến lược giúp các quốc gia thành viên tiến hành cải cách cơ chế của họ?

Tuần báo kinh tế PestiSrácok của Hungary lại đánh giá kế hoạch tài chính của Italy không phải là tính toán lệch lạc. Theo PestiSrácok, việc bơm tiền của Chính phủ Italy giúp thúc đẩy nền kinh tế, điều này cho phép bù nợ về ngắn hạn.

Tuy nhiên, EU lại cho rằng phương pháp này rất nguy hiểm và từ chối việc thực hiện giải pháp này tại các quốc gia thành viên khác. Điều này giải thích cho tình hình kinh tế yếu tại một số quốc gia thành viên. Cũng theo PestiSrácok, người ta có thói quen cho rằng đồng euro quá yếu đối với Đức và quá mạnh đối với các quốc gia khác.

Tại một số quốc gia Bắc Âu và tại Đức, lĩnh vực tư nhân quá mạnh, các ngân hàng và các doanh nghiệp có nhiều tiền, nên việc kích cầu là không cần thiết. Tuy vậy, tại Italy, tại Pháp hay tại Hy Lạp, lực lượng này trong thời gian không lâu nữa sẽ bị lâm vào tình trạng phá sản, nên tình thế hoàn toàn khác.

Tuần qua, một nguồn tin châu Âu trích dẫn tài liệu dự thảo cho biết, một thủ tục kỷ luật của EU đối với Italy về khoản nợ của nước này được xác nhận, tạo tiền đề cho sự leo thang xung đột với Rome.

Tài liệu trên cho thấy đánh giá của EC rằng khoản nợ ngày càng tăng của Italy là vi phạm các quy tắc ngân sách của EU. Quy trình xử lý thâm hụt vượt mức dựa trên mức nợ được xác nhận, điều này có thể dẫn đến các hình phạt tài chính.

Rome và Brussels bất đồng về mức nợ và thâm hụt ngay sau khi liên minh dân túy của Italy lên nắm quyền vào tháng 6/2018. Nếu được phê duyệt, tài liệu về EDP sẽ đánh dấu một sự leo thang xung đột giữa hai bên.

Tại Rome, hai thành viên quan trọng trong liên minh cầm quyền của Italy tuyên bố rằng thâm hụt ngân sáchnăm nay sẽ thấp hơn dự báo của EC là 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và có thể tốt hơn mức 2,04% GDP đã thống nhất với Brussels vào tháng 12 vừa qua.

Italy hồi năm ngoái đã công bố Kế hoạch ngân sách cho năm 2019 theo hướng gia tăng chi tiêu. Tuy nhiên, kế hoạch này cho đến nay hầu như vẫn chưa có tác động đáng kể nào đến tăng trưởng kinh tế, ngoài những ảnh hưởng tiêu cực đối với đồng euro và các thị trường tài chính khác.

Nền kinh tế Italy đã rơi vào tình trạng "suy thoái kỹ thuật” vào cuối năm 2018 và hiện chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Italy là quốc gia có nợ công lớn thứ hai trong Eurozone, chỉ sau Hy Lạp. Nợ công của Italy năm 2018 lên tới 2.300 tỷ euro, tương đương 132,2% GDP, trong khi mức trần quy định nợ công của EU là 60% GDP.

Theo dự báo của EC, nợ công của Italy sẽ tăng lên 133,7% GDP trong năm nay và 135,2% GDP vào năm 2020, sau khi đứng ở các mức 132,2% GDP và 131,4% GDP trong năm 2018 và 2017.

Đức Hùng