|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vấn đề mới của Venezuela: Có quá nhiều tiền USD

21:15 | 04/01/2020
Chia sẻ
Hiện tại, đồng USD vẫn nằm ngoài luật pháp. “Chính phủ đã nhắm mắt làm ngơ”, ông Gómez, chủ một cửa hàng ở Venezuela nói. “Bây giờ chúng tôi sống với những sợi dây thừng quanh cổ, như những kẻ chạy trốn”.
Vấn đề mới của Venezuela: Có quá nhiều tiền USD - Ảnh 1.

Đồng bạc xanh đang xuất hiện ngày càng nhiều tại quốc gia bị lạm phát này, nơi một đồng USD có thể mua khoảng 60.000 Bolivar trên thị trường chợ đen. Điều đó tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp địa phương, bởi vì các ngân hàng Venezuela không được cung cấp tài khoản ngoại tệ.

Để giữ an toàn, một nhân viên bán bảo hiểm ở thị trấn phía tây San Cristóbal đã phải cất các đồng USD từ khách hàng vào bồn cầu ở văn phòng của cô. 

Một tổng thầu, không thể chuyển tiền vào tài khoản của anh ta ở Mỹ, đã đưa cho người mẹ già và vợ của anh ta đi từ Caracas đến Miami với 9.900 USD tiền mặt mỗi người, chỉ trong giới hạn cần thiết để báo cáo tiền cho cơ quan hải quan Mỹ.

“Đây hoàn toàn là tiền kiếm được hợp pháp. Đây không phải là rửa tiền”, Luis Godoy, cựu phó giám đốc cảnh sát tư pháp, hiện đang làm tư vấn an ninh nói: “Có bao nhiêu người ngay bây giờ phải cất tiền USD trong nhà”.

Sự sụp đổ của đồng Bolivar, làm giảm 99% giá trị của chúng so với đồng USD vào năm 2019, phản ánh thất bại của nền kinh tế Venezuela, đã chịu đựng 21 quý giảm GDP liên tiếp. 

Cuộc khủng hoảng đã trở nên trầm trọng hơn bởi các lệnh trừng phạt quốc tế cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ và hạn chế quyền truy cập vào hệ thống tài chính bên ngoài.

Mặc dù lạm phát tại đây đã giảm đi phần nào (chủ yếu thông qua các hạn chế nặng nề đối với việc cho vay), nhưng vẫn cao nhất thế giới, với tỷ lệ ước tính là 6.567% trong năm, theo Bloomberg Index. Một năm trước, một tách cà phê có giá 450 Bolivar; vào cuối tháng trước, đó là 30.000 Bolivar.

Giờ đây, đồng Bolivar chủ yếu được sử dụng để thanh toán cho một vài hàng hóa được trợ cấp, chẳng hạn như vé tàu điện ngầm và xăng, những mặt hàng có giá cực kì thấp. Còn đồng USD đã len lỏi vào hầu hết mọi thứ khác. 

Các nhà tạo mẫu tóc và người vệ sinh cửa sổ báo giá của họ bằng đồng USD. Các quầy bán nước trái cây và xúc xích ở Caracas được trang trí bằng các biển hiệu quảng cáo rằng họ chấp nhận thanh toán bằng USD hoặc thông qua Zelle, hệ thống thanh toán ngang hàng của Mỹ.

José Gómez là chủ cửa hàng ở góc một khu dân cư dành cho tầng lớp lao động, nơi mà anh bán các loại kẹo và rượu của Brazil. Khoảng 70% doanh số của anh đều bằng USD; một chai rượu whisky có giá 30 USD. “Chúng tôi không biết cơ quan thuế sẽ bỏ qua chúng tôi bao lâu nữa”, ông nói.

Vấn đề mới của Venezuela: Có quá nhiều tiền USD - Ảnh 2.

Juan Carlos, sở hữu một cửa hàng ở quận Chacao của Venezuela, nơi bán những mặt hàng xa xỉ nhập khẩu như Nutella và bột mì không chứa gluten. Ông luôn duy trì khoảng 3.000 USD trong ví của mình. 

Ông trả tiền cho các nhà cung cấp bằng USD và mang tiền lãi về nhà vào cuối ngày. “Giống như quay trở lại những năm 1920 vậy, chúng tôi phải giữ tiền mặt dưới nệm”, ông nói.

Các ngân hàng ở Venezuela không có dịch vụ cung cấp tài khoản tiết kiệm lưu trữ đồng USD. 

Một số ngân hàng giờ đây cho phép khách hàng cất đồng bạc xanh của họ trong các hộp ký gửi an toàn và một số ngân hàng tính phí 2% khi rút tiền. Cơ quan quản lý ngân hàng Venezuela, Sudeban, đã từ chối bình luận.

Sự lên ngôi của đồng USD đã làm dấy lên lo ngại về một làn sóng tội phạm bắt cóc giống như cuối những năm 1990, khi những tên cướp dùng súng bắn vào xe máy để làm mồi cho các tài xế chở đèn đỏ. Số vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc cũng tăng vọt.

Vấn đề mới của Venezuela: Có quá nhiều tiền USD - Ảnh 3.

Số liệu về các vụ phạm tội hiện không có cụ thể, các vụ trộm cắp và bắt cóc được cho là đã giảm trong những năm gần đây khi đồng Bolivar mất giá, đạn dược tăng giá, và một số người giàu nhất và người nghèo nhất đã rời Venezuela trong một cuộc di cư lên đến 5 triệu người. 

Với nhiều USD hơn trong lưu thông, một lần nữa bắt đầu xuất hiện một thứ gì đó có giá trị để đánh cắp tại đây.

Hiện tại, đồng USD vẫn nằm ngoài luật pháp. “Chính phủ đã nhắm mắt làm ngơ”, ông Gómez, chủ cửa hàng nói. “Bây giờ chúng tôi sống với những sợi dây thừng quanh cổ, như những kẻ chạy trốn”.

Thùy Dung