|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vấn đề an ninh lương thực ở khu vực Đông Nam Á - thực trạng và thách thức

13:58 | 21/11/2017
Chia sẻ
An ninh lương thực được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Trong vài thập kỷ qua, khu vực Đông Nam Á đã có những thành tựu có ý nghĩa trong việc xóa bỏ dần nạn đói và suy dinh dưỡng, cùng với đó là sự góp sức từ các nền kinh tế nông nghiệp phát triển trên thế giới.
van de an ninh luong thuc o khu vuc dong nam a thuc trang va thach thuc
An ninh lương thực là mối quan tâm của toàn cầu (Ảnh: Food Security)

Là nơi ở của hơn 600 triệu người, khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng nhu cầu lương thực đến 40% vào năm 2050. Cũng theo lộ trình này, khu vực Đông Nam Á sẽ tăng 15% lượng lương thực xuất khẩu và tạo ra 4,5 triệu việc làm mới trong ngành nông nghiệp vào năm 2025.

Thực tế hiện nay cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức bao gồm tình trạng đói nghèo, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, đây là một mối đe dọa chưa được giải quyết đối với an ninh lương thực. Bên cạnh đó, những thách thức đe dọa tiến trình này còn bao gồm nhu cầu gia tăng, đa dạng hóa chế độ dinh dưỡng, sự khan hiếm đất và nước và các tác động của sự biến đổi khí hậu đối với các vùng sản xuất lương thực chủ yếu.

Bốn khía cạnh của an ninh lương thực là sự sẵn có, sự tiếp cận, sự sử dụng và sự ổn định đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Thay đổi khí hậu có thể góp phần làm giảm tăng trưởng năng suất, cây trồng trong điều kiện khí hậu nóng hơn dễ gặp rủi ro hơn. Những điều này có thể dẫn đến giá lương thực cao, ảnh hưởng đến khả năng chi trả cho lương thực của người dân. Thay đổi điều kiện khí hậu cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng lương thực để chế biến thực phẩm, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ thực phẩm. Ví dụ như trái cây và hoa màu thu hoạch trong nhiệt độ cao hơn sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để làm mát. Hơn nữa, nhiệt độ và độ ẩm cao thường làm tăng mầm bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

van de an ninh luong thuc o khu vuc dong nam a thuc trang va thach thuc

Các quốc gia ASEAN đề ra những chiến lược về an ninh lương thực (Ảnh: AEC)

Các quốc gia trong khu vực đã đề ra những chiến lược để đối phó với tình trạng này bao gồm: Chiến lược sản xuất đủ lương thực để duy trì nhu cầu lương thực trong nước; Chiến lược hỗ trợ mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận lương thực đầy đủ mọi lúc, mọi nơi; Chiến lược thúc đẩy chất lượng lương thực, giảm lãng phí và sử dụng lương thực hợp lý; Chiến lược duy trì sản xuất lương thực bền vững và Chiến lược hỗ trợ phát triển an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Các nước ASEAN đã nêu lên những lo ngại của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 năm 2012, với tuyên bố rằng an ninh lương thực vẫn là một thách thức lớn trong khối ASEAN vào thời điểm giá cả hàng hóa tăng cao và bất ổn kinh tế. ASEAN đã bắt đầu giải quyết những thách thức về an ninh lương thực thông qua việc thiết lập các cơ chế, thể chế như “Khung An ninh lương thực tổng hợp ASEAN” (AIFS) thành lập năm 2011. AIFS cung cấp cách tiếp cận thực tế đối với an ninh lương thực trong khu vực, ổn định giá lương thực và nguồn cung cấp trong nước và khu vực với các cơ chế cải tiến để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về lương thực. AIFS được thành lập để phù hợp với Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực (SPA-FS) nhằm đưa ra các hướng dẫn để giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực trong khu vực.

van de an ninh luong thuc o khu vuc dong nam a thuc trang va thach thuc
Thúc đẩy sản xuất lương thực bền vững là chiến lược mũi nhọn (Ảnh: GODAN)

Khuôn khổ AIFS và SPA-FS cho giai đoạn 2015-2020 đã liệt kê 9 mũi nhọn chiến lược bao gồm: (1) tăng cường an ninh lương thực trong đó có việc cứu trợ thiếu lương thực; (2) thúc đẩy thị trường lương thực thuận lợi; (3) củng cố hệ thống thông tin an ninh lương thực tổng hợp; (4) thúc đẩy sản xuất lương thực bền vững; (5) khuyến khích đầu tư vào ngành lương thực và nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực; (6) xác định các vấn đề mới nổi liên quan đến an ninh lương thực; (7) sử dụng thông tin dinh dưỡng để hỗ trợ các chính sách liên quan đến an ninh lương thực; (8) cải thiện cơ chế quản lý và quản trị trong phát triển nông nghiệp và (9) xây dựng năng lực thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách nông nghiệp.

Ngoài ra, ASEAN còn thiết lập các sáng kiến như Sáng kiến ASEAN về biến đổi khí hậu (ACCI), Khuôn khổ đa ngành của ASEAN về biến đổi khí hậu: Nông nghiệp và Lâm nghiệp đối với an ninh lương thực (AFCC) làm nền tảng trong việc thúc đẩy hợp tác lẫn nhau về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Để đối mặt với những thử thách này các nhà lãnh đạo từ các chính phủ, công ty, tổ chức nông dân, giới học giả và xã hội các quốc gia Đông Nam Á cần hợp tác, cùng chia sẻ mối quan tâm chung, xác định các mục đích và kế hoạch, xem nhau là các đối tác bình đẳng trong việc cải thiện hệ thống phát triển nông nghiệp. Để đảm bảo an ninh lương thực cho những năm tới chúng ta cần sản xuất nhiều lương thực hơn trong khi sử dụng ít tài nguyên môi trường hơn và khôi phục lại nền kinh tế nông thôn.

Gần đây, cam kết về một cộng đồng kinh tế chính thức của ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác về an ninh lương thực giữa các quốc gia thành viên. Diễn đàn Kinh tế Thế giới phối hợp với Ban Thư ký ASEAN đã đưa ra quan hệ đối tác Grow Asia vào năm 2015, cho phép sự hợp tác và cùng nhau hành động.

Grow Asia là sự hợp tác giữa các ban ngành, các bên liên quan cam kết trong việc tiếp cận 10 triệu nhà sản xuất lương thực nhỏ vào năm 2020, giúp họ tiếp thu kiến thức, công nghệ, thông tin tài chính và thị trường nhằm tăng năng suất, lợi nhuận và tính bền vững môi trường.

Tại Indonesia, Chính phủ, các công ty và các tổ chức phi chính phủ đang làm việc với các nông dân trồng ngô để hỗ trợ họ cải thiện năng suất và lợi nhuận bằng cách kết hợp các dịch vụ như tài chính vi mô, bảo hiểm mùa màng… Mỗi người tham gia đóng góp kiến thức chuyên môn của mình và kết quả là lợi ích thu được từ chuỗi giá trị được cải thiện. Người nông dân nhận thấy cây trồng có lợi nhuận cao hơn mà không cần sử dụng nhiều đất và nước, có thể cung cấp lương thực cho gia đình. Do đó, các công ty đã cải thiện được chất lượng sản phẩm và chuỗi cung ứng toàn diện hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ ở Indonesia cũng có nhiều ảnh hưởng tích cực.

van de an ninh luong thuc o khu vuc dong nam a thuc trang va thach thuc
Nông dân trồng cà phê ở Việt Nam tăng sản lượng và thu nhập (Ảnh: Wall Street Journal)

Tại Việt Nam, nông dân trồng cà phê đã tăng được sản lượng lên hơn 30% và thu nhập thuần tăng 14%. Lượng carbon phát thải cũng giảm một nửa, lượng nước sử dụng giảm 40%. Đây là kết quả của sự hợp tác sáng tạo giữa 30 đối tác từ Chính phủ và các tổ chức xã hội dân cư cùng một loạt các công ty đại diện cho sản xuất phân bón, bảo vệ cây trồng, nhà máy xay xát và xuất khẩu.

Sáng kiến Tầm nhìn Mới về Nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang hỗ trợ các nhà lãnh đạo ở 19 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh phát triển các quan hệ đối tác sáng tạo do các quốc gia này sáng lập. Các quốc gia tiên phong sẽ chia sẻ kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo trên thế giới để họ có thể thích nghi với nhu cầu mang tính địa phương, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Xây dựng năng lực cho nông dân là một trong những yêu cầu cần thiết. Theo đó, người nông dân có thể cải thiện được khả năng thông qua chia sẻ kinh nghiệm, cải thiện năng suất thông qua việc quản lý môi trường tốt hơn. Ngoài ra, cần trao quyền cho phụ nữ nông thôn và nữ doanh nhân, giúp đỡ họ thiết lập các doanh nghiệp có khả năng tự cung tự cấp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ trong cộng đồng.

Phổ biến kiến thức và công nghệ, ví dụ như công nghệ di động, có thể giúp cung cấp việc truy cập các thông tin liên quan như dữ liệu thời tiết, nhu cầu về phân bón và mức giá cập nhật. Hơn thế nữa là cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và tìm cách cung cấp giải pháp tài chính mang lại hiệu quả và chi phí thấp cho nông dân.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hồng Nhung

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.