Văn bản chưa có hiệu lực, Bộ Y tế và Bảo hiểm đã bất đồng
Lộ diện gương mặt 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2018 | |
Thị trường bảo hiểm: Cửa mở cho 'người đến sau' |
Thông tư 15 quy định mức giá mới của trên 1.800 dịch vụ y tế. Trong đó, lần đầu tiên kể từ 2012 giảm giá 88 dịch vụ y tế, đặc biệt trong số này có nhiều dịch vụ có số lượng sử dụng lớn: tiền khám bệnh, tiền giường bệnh, giá dịch vụ chụp X quang, chụp cộng hưởng từ...
Tuy nhiên tại cuộc họp ngày 29-6 với báo chí, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên lại thừa nhận thông tư này còn một số "hạt sạn". Tuy nhiên, ông Liên cho rằng Bộ Y tế xây dựng thông tư theo đúng quy trình.
"Có ý kiến cho rằng Bộ Y tế sử dụng định mức kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên để áp vào định mức chung. Chúng tôi khẳng định đã tham khảo 30 bệnh viện và rà soát báo cáo của khoảng 200 bệnh viện tất cả các tuyến. Về giá khám bệnh, không phải lấy giá T.Ư để áp cho địa phương"- ông Liên nói.
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Y tế công bố ban hành Thông tư 15, Bảo hiểm xã hội VN đã có văn bản gửi Chính phủ, cho biết họ có bốn điểm chưa đồng thuận với Thông tư.
Trong đó, Bảo hiểm xã hội VN cho rằng quy định cũ mỗi bàn khám tối đa 50 người bệnh/ngày, quy định mới giảm phí khám (mức giảm khoảng 20%), nhưng lại cho phép mỗi bàn khám 65 bệnh nhân/ngày (từ bệnh nhân thứ 66 trở đi vẫn được khám nhưng giá khám giảm).
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội VN, cho biết trong quá trình Bộ Y tế xây dựng Thông tư 15, Bảo hiểm Xã hội VN đã gửi 12 công văn góp ý, nhưng nhiều ý kiến chưa được xem xét.
Ông Sơn cũng cho rằng việc tính phí vật tư cho người bệnh phải trên cơ sở tính theo số lượng vật tư sử dụng thực tế và không vượt quá định mức, không được tính các vật tư không sử dụng.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc giá khám bệnh giảm nhưng cho phép số lượt khám tăng thì có ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, ông Liên cho rằng mong muốn của Bộ Y tế là mỗi bàn khám 35 bệnh nhân/ngày.
Nhưng do nhận thấy số lượng bệnh nhân vẫn đông và nếu quy định số lượt khám/ngày tối đa là 50 bệnh nhân/bàn thì nhiều nguy cơ là bệnh nhân phải chờ đến hôm sau.
"Việc điều chỉnh để hỗ trợ cho một số cơ sở chưa mở thêm được bàn khám và chưa có thêm bác sĩ ra phòng khám" - ông Liên cho biết.
Ngày 15-7 tới thông tư 15 bắt đầu có hiệu lực, giá 88 dịch vụ y tế sẽ giảm. Nhưng từ nay đến đó, Bộ Y tế lại phải điều chỉnh một số điểm mà Bảo hiểm cho rằng đó là "sai sót đã được phát hiện".