|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vắc xin Sinopharm của Trung Quốc vừa được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp có điểm gì đặc biệt?

11:03 | 19/06/2021
Chia sẻ
Vắc xin Sinopharm được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 3/6, trở thành vắc xin thứ ba được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V.

Sáng 19/6, Bộ Y tế thông tin về vắc xin Sinopharm phòng COVID-19 của Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 3/6, vắc xin này đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trở thành vắc xin thứ ba được Việt Nam phê duyệt sau vắc xin của AstraZeneca và Sputnik V, TTXVN đưa tin.

Bộ Y tế thông tin chi tiết về vắc xin Sinopharm của Trung Quốc - Ảnh 1.

Vắc xin phòng COVID-19 Sinopharm. (Ảnh: The Associated Press).

Theo Bộ Y tế, Sinopharm tên đầy đủ là Tập đoàn Y Dược Trung Quốc, là doanh nghiệp trung ương và là tập đoàn lớn nhất tại Trung Quốc trong ngành dược phẩm, y tế, sức khỏe, với chuỗi các ngành công nghiệp hoàn chỉnh và có quy mô lớn nhất tại Trung Quốc.

Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, vào tháng 2 năm ngoái, Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm CNBG đã tiến hành nghiên cứu vắc xin COVID-19 bằng công nghệ bất hoạt.

Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thành công trên động vật, cuối tháng 4/2020 vắc xin này đã được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn tiến hành thử nghiệm trên người.

Ngày 23/6/2020, vắc xin này bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.

Ngày 9/12/2020, Bộ Y tế UAE chấp thuận cấp phép đăng ký chính thức vắc xin COVID-19 của Sinopharm, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 86%.

Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với vắc xin này, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79.34%. Tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%.

Ngày 1/4/2021, Bộ Y tế Hungary giấy chứng nhận GMP EU, Sinopharm là doanh nghiệp vắc xin đầu tiên của Trung Quốc được cấp chứng nhận này.

Ngày 7/5/2021, vắc xin Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78.2%, trở thành vắc xin thử ở 6 nước trên thế giới được xét vào danh sách này. Đây cũng là vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được lọt vào danh sách EUL của WHO.

Ngày 31/5/2021, Sinopharm đã bắt đầu cung cấp vắc xin cho chương trình COVAX, giúp các nước có thể tiếp cận với vắc xin một cách công bằng.

Gần đây nhất là vào ngày 3/6, vắc xin Sinopharm đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

Vắc xin Sinopharm được bảo quản trong điều kiện từ 2-8 độ C, thời hạn sử dụng là hai năm. Điều kiện bảo quản và vận chuyển dễ dàng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và lưu kho của vắc xin này.

Hiện tại, Sinopharm đã sản xuất được hơn 450 triệu liều vắc xin, trong đó 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp. Vắc xin Sinopharm đã cung cấp tới 70 quốc gia và hiện đã có hơn 100 quốc gia có nhu cầu đặt mua loại vắc xin này.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, Sinopharm đang tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất vắc xin COVID-19, mục tiêu trở thành nhà cung cấp vắc xin COVID-19 lớn nhất thế giới, để vắc xin này được phổ cập rộng rãi hơn tới người tiêu dùng.

Tại buổi họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng 18/6, Bộ Y tế cho biết, trong những ngày tới đây, Việt Nam sẽ tiếp nhận lô vắc xin do Trung Quốc tài trợ.

Trước đó hôm 15/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với hơn 150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19. Kế hoạch quy mô này có sự phối hợp của nhiều bộ, cơ quan và ban ngành, đặc biệt quân đội tham gia bảo quản, vận chuyển vắc xin.

Phương Trang