Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước muốn bán một số nhà máy điện
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang gửi các bộ lấy ý kiến để hoàn thiện Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Văn bản này do EVN và UBQLVNN trình Chính phủ phê duyệt.
Trong các phương án để đảm bảo thu xếp vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện, dự thảo nhấn mạnh việc đảm bảo tỷ lệ sở hữu phù hợp của công ty mẹ EVN tại các khối phát điện, kinh doanh bán lẻ điện (đặc biệt đối với các công ty cổ phần khối phát điện) để có cơ sở tái cấu trúc các khoản tài chính, bằng hình thức: nghiên cứu phương án bán toàn bộ nhà máy đối với các nhà máy phát điện sau khi đi vào hoạt động cho các nhà đầu tư bên ngoài để huy động vốn cho các dự án đầu tư mới nhằm đảm bảo phù hợp với kế hoạch giảm nợ công của Chính phủ và EVN có nguồn vốn thực hiện các dự án mới.
Tập đoàn EVN cũng dự kiến từng bước thoái vốn tại các công ty cổ phần phát điện đã hoạt động ổn định, không bắt buộc phải nắm cổ phần chi phối để huy động trả nợ vay hoặc đầu tư các dự án mới.
Kiến nghị bán toàn bộ một số dự án do Nhà nước đã thông qua EVN đầu tư cho tư nhân vận hành để lấy tiền đầu tư dự án mới là đề nghị đột phá nhất trong dự thảo chiến lược của EVN đến 2030.
Như vậy bên cạnh hình thức cổ phần hóa, thoái vốn từng phần ở một số dự án phát điện, EVN sẽ thực hiện vai trò nhà đầu tư, bán lại toàn bộ dự án để lấy tiền đầu tư dự án mới.
Dù đây mới chỉ là đề xuất trên giấy, chưa có lộ trình thực hiện cụ thể nhưng thể hiện hướng đi mới của EVN trong bối cảnh cần giảm dần sự phụ thuộc vào Nhà nước, nhất là trong điều kiện ngân sách ngày càng thắt chặt.
Đã nhiều năm nay, Chính phủ chỉ bảo lãnh cho EVN đầu tư vào dự án truyền tải điện, không còn cấp vốn ngân sách cho các dự án đầu tư vào nguồn phát điện nữa. Hiện nay, thị trường phát điện cạnh tranh cũng đang thực hiện đúng theo lộ trình, ở giai đoạn thí điểm cạnh tranh bán buôn.
Tính đến hết năm 2017, tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc là 45.253 MW, trong đó các nguồn điện do EVN và ba tổng công ty phát điện thuộc EVN sở hữu là 28.167 MW, chiếm 62,24% công suất đặt của hệ thống. Phần còn lại thuộc sở hữu các nhà đầu tư điện độc lập (IPP) và nhà đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu nguồn cung điện do nhiều dự án chậm tiến độ, Chính phủ một mặt tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh các dự án đi vào vận hành, một mặt nâng cao tính tự chủ của EVN để giảm gánh nặng đầu tư ngân sách.
Việc nhà nước bán toàn bộ các dự án do nhà nước đầu tư là đề xuất chưa được thực hiện trong ngành điện nhưng đã từng được đề xuất thực hiện ở một số dự án hạ tầng giao thông.