|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sự rút lui của Ủy ban quản lí vốn Nhà nước có giúp các dự án ngàn tỉ hết tắc nghẽn?

20:49 | 06/01/2020
Chia sẻ
Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước (UBQLVNN) là đơn vị đại diện quản lí vốn chủ sở hữu Nhà nước tại 9 tập đoàn kinh tế và 21 tổng công ty (TCT) lớn với tổng số tiền lên đến 5 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, từ ngày các doanh nghiệp được đưa về cho ủy ban quản lí, các dự án đều bị "tắc nghẽn" về vốn và có nguy cơ quay lại cơ chế cũ.
Sự rút lui của Ủy ban quản lí vốn Nhà nước có giúp các dự án ngàn tỉ hết tắc nghẽn? - Ảnh 1.

Trên thực tế, nhiều dự án hạ tầng giao thông nay đã quay trở lại thời kỳ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm phê duyệt, do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước không đủ thẩm quyền về luật để phê duyệt các dự án này. Ảnh minh họa đoạn tuyến cao tốc Long Thành được đưa vào khai thác. Nguồn: TTXVN

Quản lý nhưng không thể phê duyệt chủ trương đầu tư

Trong thời gian qua, một số tập đoàn, TCT nhà nước nộp hồ sơ cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (những đơn vị đã được chuyển về cho Ủy ban này quản lý) đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư, kinh doanh có mức vốn dưới 5.000 tỉ đồng. 

Đơn cử như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân; TCT Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC) đề nghị xử lý vướng mắc đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Thế nhưng, UBQLVNN không thể phê duyệt được do vướng mắc về quy định pháp luật, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) gửi Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2019 cho biết.

Như vậy, hoạt động đầu tư của các tập đoàn, TCT trong hơn một năm nay, tính từ ngày chuyển giao quyền quản lý vốn chủ sở hữu về UBQLVNN đang gặp vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư. 

Vẫn báo cáo của Bộ KHĐT cho biết thêm, tại dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân, do tính chất đặc thù của dự án là thực hiện qua nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ tướng đã giao cho UBQLVNN xem xét, quyết định chủ trương đầu tư với dự án.

Nhưng cơ quan này không thể ra quyết định được vì: Luật Đầu tư 2014 (gọi tắt là Luật số 67) cũng như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) đều không quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBQLVNN đối với các dự án nói trên.

Luật Đầu tư cũng quy định UBND cấp tỉnh nơi nhà đầu tư đề nghị giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án. 

Nhưng dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân lại thực hiện trên nhiều địa phương khác nhau (bổi tính chất của hoạt động truyền tải điện) nên UBND các tỉnh và UBQLVNN đều khó thực hiện nhiệm vụ xem cơ quan nào đứng ra phê duyệt.

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) còn quy định khác là đối với dự án có quy mô nhất định thì UBQLVNN có trách nhiệm “phê duyệt” để Hội đồng thành viên ra quyết định đầu tư. 

Song Luật 69 cũng như các văn bản hướng dẫn đều không quy định nội dung “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Bộ KHĐT nhận định rằng: đúng là có sự trái nhau trong việc ban hành luật. Luật 67 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng và UBND các tỉnh. 

Trong đó Luật 69 quy định thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc “phê duyệt dự án” của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Căn cứ vào các quy định nêu trên thì thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư” (Luật 67) và “phê duyệt dự án” (Luật 69) hoàn toàn khác nhau.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật 67 là nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Còn việc phê duyệt dự án theo Luật 69 là nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ quan đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Hội đồng thành viên doanh nghiệp quyết định.

“Như vậy việc giao UBQLVNN quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh của tập đoàn, TCT nhà nước là không phù hợp với cả hai luật nêu trên”, Bộ KHĐT bày tỏ quan điểm.

Theo Bộ KHĐT, với chức năng của mình, UBQLVNN chỉ có thể có trách nhiệm phê duyệt dự án để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật 69 và Nghị định 131/2018 hướng dẫn luật này. 

Riêng dự án mà doanh nghiệp đầu tư đi qua nhiều tỉnh thì xin phê duyệt tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Ví dụ như dự án xây dựng đường ống dẫn nước sông Đà có địa điểm sử dụng đất ở cả Hòa Bình và Hà Nội cũng đã xin ý kiến của các địa phương này.

Quay lại thời các bộ quyết định dự án đầu tư công?

Trên thực tế, Chính phủ thành lập UBQLVNN tại doanh nghiệp để chuyển giao quyền đại diện vốn về cho tổ chức này, nhằm tách chức năng đại diện vốn về UBQLVNN, còn các bộ chuyên ngành chỉ quản lý về mặt hình thức. 

Sự tách bạch đó là cần thiết nhưng vấp phải thực tế là hiện nay các dự án đang được bộ, ngành quản lý và chuyển giao về UBQLVNN có số lượng rất lớn. Nhất là các dự án của Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn hóa chất, TCT Hàng không (Vietnam Airlines), VEC... 

Những việc chưa được xử lý dứt điểm trong quá trình thực hiện các dự án còn khá nhiều, phức tạp và tồn đọng. Việc kéo dài thời gian xử lý do thủ tục hành chính ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

UBQLVNN thay vì tự quyết định như quy chế, quyền hạn, trách nhiệm được giao đã đề nghị giao các bộ tiếp tục xử lý một số dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho đến khi hoàn thành nghiệm thu, quyết toán.

Bộ KHĐT cũng nhận thấy theo quy định của Luật 69 và nghị định 131 hướng dẫn luật thì UBQLVNN thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn. Nhưng nhiệm vụ này không bao gồm hoạt động quản lý nhà nước (thuộc trách nhiệm các bộ, như nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư hình thành tài sản công).

Vì vậy, Bộ KHĐT đề nghị xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư và phân định trách nhiệm giữa các bên nhằm giúp doanh nghiệp triển khai dự án theo nguyên tắc sau: các dự án đầu tư công do cơ quan chủ quản các bộ, ngành, địa phương được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công, người đứng đàu cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án (Luật Đầu tư công). 

Do đó, theo kế hoạch, các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương do các tập đoàn, TCT đã chuyển về UBQLVNN sẽ tiếp tục giao cho các bộ trong trường hợp nguồn vốn này không hình thành tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. 

Các bộ được giao chịu trách nhiệm thực hiện chức năng của cơ quan chủ quản/cấp quyết định đầu tư cho đến khi hoàn thành nghiệm thu, quyết toán và được tính vào giá trị tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp là phù hợp.

Bộ KHĐT lấy ví dụ như trong quá trình tham gia ý kiến về việc xử lý vướng mắc đối với dự án đường cao tốc Bến Lức- Long Thành và dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, Bộ KHĐT đã đề xuất giao Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư với dự án do VEC làm chủ đầu tư và nay đang thực hiện.

Vì lý do đó, Bộ KHĐT thống nhất với đề xuất của UBQLVNN về việc giao lại các bộ làm cấp quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư và các dự án sắp hoàn thành, đang trong quá trình thanh quyết toán, kiểm toán nhưng chưa tính vào vốn doanh nghiệp. 

Còn đối với các dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của các tập đoàn, TCT đề nghị UBQLVNN tiếp tục giữ quyền đại diện vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để sự chồng chéo giữa các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư của doanh nghiệp/ hay không được phê duyệt, Bộ KHĐT kiến nghị phải sửa đổi, bổ sung các luật nói trên để giải quyết để có lối ra cho tất cả các dự án đầu tư có vốn nhà nước nói chung. 

Nếu không, tình trạng một số quy định thiếu cụ thể hoặc không có sự thống nhất, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện hoặc “tê liệt” vai trò của UBQLVNN sẽ làm cho việc thành lập mô hình tổ chức như cơ quan này tại doanh nghiệp không phát huy hiệu quả.

Điều e ngại "chiếc áo quá chật" đã xảy ra

Khi UBQLVNN được thành lập 1/2018, nhiều ý kiến các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thành lập ủy ban dù với mục đích tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện vốn chủ sở hữu là cần thiết nhưng nếu mô hình tổ chức không rõ ràng, lại giao cho ủy ban quá nhiều quyền vượt quá năng lực là không khả thi.

Bởi theo số liệu được Bộ KH-ĐT công bố tại thời điểm cuối 2017, trước khi các bộ thực hiện chuyển giao quyền quản lý vốn về UBQLVNN tại doanh nghiệp thì có gần 800 DNNN 100% vốn nhà nước, tổng tài sản lên tới 3 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là hơn 1,2 triệu tỉ đồng.

Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn thì con số này đến 5 triệu tỉ đồng.

Với cơ cấu tổ chức như hiện nay, việc thực hiện quyền đại diện vốn và đưa ra các quyết định phê duyệt đầu tư quan trọng cho các tập đoàn, TCT nhà nước ở tất cả các lĩnh vực là “tấm áo rộng” quá sức UBQLVNNN .

Ngọc Lan