USDA: Xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể đạt kỷ lục mới 17 triệu tấn trong năm 2021
Xuất khẩu gạo Ấn Độ có thể đạt kỷ lục mới
Trong báo cáo tháng 6/2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã nâng dự báo xuất khẩu gạo năm 2021 của Ấn Độ lên mức kỷ lục mới là 17,0 triệu tấn, tăng 16,8% (2,44 triệu tấn) so với năm 2020 và cao hơn gần 3 lần nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới là Việt Nam.
Vào tháng 3/2021, Ấn Độ cũng ghi nhận kỷ lục xuất khẩu hàng tháng mới với gần 2,5 triệu tấn, kết quả là đã có hơn 6 triệu tấn gạo đã được Ấn Độ xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong quý đầu tiên của năm 2021.
Tăng trưởng xuất khẩu của Ấn Độ đến từ nhu cầu mạnh mẽ hơn từ các nước láng giềng và các nước ở châu Phi cận Sahara, cũng như sự xuất hiện của những người mua mới như Trung Quốc và Việt Nam.
Trong đó, Bangladesh đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ, với khối lượng nhập khẩu gần 900.000 tấn trong quý đầu tiên của năm 2021.
Chính phủ Bangladesh đã giảm thuế nhập khẩu gạo để hạn chế mức giá tăng cao tại thị trường trong nước. Nhập khẩu gạo của Bangladesh được dự báo sẽ đạt 1,5 triệu tấn vào năm 2021, tăng rất mạnh so với mức chỉ 20.000 tấn vào năm 2020.
Nhập khẩu gạo của nước láng giềng Nepal cũng được cho là sẽ cao hơn do nhu cầu đang gia tăng.
Nguồn: Số liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ. (Biểu đồ: Ngọc Bảo)
Xuất khẩu của Ấn Độ cũng đã mở rộng sang Senegal và một số nước châu Phi khác với giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, Trung Quốc gần đây đã tiếp cận gạo Ấn Độ đối với gạo non basmati. Theo đó, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu gạo từ Ấn Độ lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, với gần 300.000 tấn trong quý đầu tiên của năm 2021.
Cũng trong quý đầu tiên của năm 2021, Ấn Độ thậm chí còn xuất khẩu gần 250.000 tấn gạo đến Việt Nam, nhà cung cấp gạo lớn thứ hai thế giới.
Theo USDA, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào với các vụ mùa bội thu liên tiếp. Bởi vậy, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới luôn duy trì giá cả cạnh tranh và cơ sở hạ tầng xuất khẩu được cải thiện có khả năng vận chuyển gạo với số lượng lớn.
Trong khi đó, các nhà cung cấp lớn khác như Việt Nam và Thái Lan phải đối mặt với sự sụt giảm nguồn cung và nhu cầu trong nước tăng mạnh. Các quốc gia này cũng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu container trên toàn thế giới, gây ra sự chậm trễ và tăng chi phí.
Ấn Độ đã tăng năng lực xuất khẩu bằng cách sử dụng các cảng nước sâu, nơi các nhà xuất khẩu có thể tận dụng vận chuyển với số lượng lớn.
Về triển vọng năm 2022, USDA dự báo Ấn Độ sẽ vẫn duy trì nguồn cung dồi dào nhưng xuất khẩu của nước này dự kiến sẽ giảm xuống mức vừa phải là 15,5 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu thấp hơn từ Bangladesh.
Cơ hội để Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Philippines
Cũng trong báo cáo của USDA, Philippines nhà nhập khẩu lớn gạo thứ hai thế giới trong năm 2021 gần đây đã sửa đổi thuế nhập khẩu nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp.
Trước đó vào tháng 2/2019, Chính phủ Philippines đã dỡ bỏ cơ chế hạn ngạch nhập khẩu và thay thế bằng thuế quan, đưa ra mức thuế suất thấp hơn cho các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Do đó, các nước ASEAN chẳng hạn như Việt Nam đã mở rộng thị phần gạo tại Philippines, nhưng Ấn Độ và các nước ngoài ASEAN mất dần thị phần.
Tuy nhiên, trong tháng 5/2021, Tổng thống Philippines đã ban hành chính sách mới với việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) từ mức thuế ban đầu 40% trong hạn ngạch và 50% ngoài hạn ngạch xuống còn 35%. Qua đó tất cả các nước xuất khẩu gạo vào Philippines đều sẽ chịu mức thuế như các nước ASEAN.
Theo truyền thống, các thành viên ASEAN, nổi bật là Việt Nam và Thái Lan là những nhà xuất khẩu hàng đầu cho Philippines do sự tương đồng, các mối quan hệ thương mại đã được thiết lập và khả năng của các quốc gia này trong việc cung cấp các thỏa thuận giữa Chính phủ với Chính phủ trong thời kỳ hạn áp đặt hạn ngạch.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp gạo chính cho Philippines do giá thấp hơn.
Theo nhận định của USDA, chính sách mới về thuế quan MFN của Philippines có thể sẽ ít tác động hơn đến các nhà cung cấp ở Tây Bán cầu so với các các nhà xuất khẩu ngoài ASEAN ở châu Á.
Xuất khẩu từ Tây Bán cầu dự kiến sẽ vẫn còn hạn chế, vì kết hợp giá cả, thuế quan và chi phí vận chuyển cao hơn giá nội địa của Philippines.
Trong khi các nước không thuộc ASEAN ở châu Á như Ấn Độ và Pakistan, có giá cả cạnh tranh hơn và thuế quan giảm sẽ dẫn đến giá đất thấp hơn. Tuy nhiên, các nước châu Á không thuộc ASEAN này sẽ cần phải tăng cường thu hút người tiêu dùng và xây dựng các mối quan hệ kinh doanh để đạt được thị phần đáng kể ở Philippines.
Trong đó Ấn Độ có tiềm năng lớn nhất trong việc mở rộng thị phần gạo tại Philippines với tư cách là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với giá cả cạnh tranh, nhưng Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục là nhà cung cấp chính cho Philippines trong thời gian tới.