UPCoM có tội tình gì?
Mới đây nhất, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán mới đây đã lên tiếng đề xuất nới lỏng với lý do các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UpCom chưa được tính là doanh nghiệp niêm yết, do vậy, quy định trên gây hạn chế cho hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán trên thị trường UpCom – thị trường mà theo cách hiểu của nhà đầu tư thì vẫn là “sàn niêm yết” như HOSE và HNX.
Quy định được ban hành từ năm 2012, thời điểm mà chủ đề đầu tư ngoài ngành không hiệu quả đang rất nóng, có ý nghĩa thời sự nhằm ngăn chặn tình trạng các công ty chứng khoán đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết, tức là những doanh nghiệp được coi là thiếu minh bạch hơn doanh nghiệp đã lên sàn. Biện pháp hạn chế, nhưng cũng là để nhằm đảm bảo an toàn hơn cho các công ty chứng khoán.
Quy định này đang bị đặt lại vấn đề.
Có nhiều lý do để đưa ra đề xuất này, chẳng hạn các doanh nghiệp đăng ký giao dịch tại UpCom cũng phải công bố thông tin nên mức độ minh bạch đã tốt hơn, công ty chứng khoán là các nhà đầu tư chuyên nghiệp nên đều có biện pháp kiểm soát rủi ro cho hoạt động tự doanh,…
Ðó là lý do, còn thực tế, với số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch lên tới hơn 400 tính tới cuối năm 2016, nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn tham gia,… đã tạo sự quan tâm lớn của công chúng đầu tư và công ty chứng khoán.
Sự quan tâm đó được minh họa bằng khối lượng có những phiên lên tới cả trăm tỷ đồng, và cả bằng… “lệnh phạt” tiền 125 triệu đồng với chứng khoán IB năm 2016, khi công ty này đầu tư quá 20% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu GEX.
Việc cho phép các công ty chứng khoán tham gia đầu tư sâu hơn vào thị trường UPCoM còn có ý nghĩa giúp tạo lực cầu, tạo thanh khoản cho thị trường còn non trẻ này.
Kiến nghị trên của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đang chờ được trả lời. Nhưng trước khi quay lại vấn đề này, hãy thử nhìn nhận một quyết định khác “khá sốc” với UpCom cuối tháng 2 vừa qua là việc cơ quan quản lý “nói không” với việc cho phép giao dịch ký quỹ (margin) với cổ phiếu giao dịch trên UpCom, dù trước đó được kỳ vọng lớn từ các nhà đầu tư và các thành viên thị trường. Lý do vẫn là 2 chữ “rủi ro”.
Tại sao UPCoM đang phát triển rất tốt nhưng vẫn được coi là rủi ro cao từ trước tới nay?
Câu trả lời nằm chính ở các chuẩn mực ở thị trường này còn thấp, thấp đến mức những doanh nghiệp bị hủy niêm yết ở 2 sàn HOSE và HNX lại quay lại giao dịch ở đây, chưa nói những “scandal” như tại MTM với nghi vấn lừa đảo chưa được xử lý xong… Việc thận trọng của cơ quan quản lý là dễ hiểu.
Nhìn một cách tổng thể, UpCom là bước đệm quan trọng cho 2 sàn giao dịch chứng khoán, và có ý nghĩa lớn trong việc phát triển thị trường cổ phiếu. UpCom đang phát triển rất tốt và chẳng có tội tình gì, nhưng nếu cứ mang danh “bước đệm” thì hãy để thị trường này thực hiện đúng nhiệm vụ đó. Khuyến khích các doanh nghiệp đáp ứng tốt các chuẩn mực niêm yết để tham gia 2 sàn chính thức nên được ưu tiên hơn.