|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ước tính hơn 10,3 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

21:20 | 21/04/2020
Chia sẻ
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính đến cuối quí II, dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 - 10,3 triệu lao động Việt Nam, do giảm số giờ làm, giảm lương, mất việc.
Ước tính hơn 10,3 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh 1.

ILO ước tính hơn 10,3 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh T.Hằng

Đây là là dự báo trong Báo cáo nhanh về tác động của COVID-19 tới thị trường lao động Việt Nam, vừa được Văn phòng ILO tại Việt Nam công bố chiều nay, 21.4.

2 kịch bản cho thị trường lao động Việt

Theo ILO, số liệu thống kê quốc gia trong quý 1 thể hiện khủng hoảng COVID-19 chỉ tạo nên tác động nhỏ đối với thị trường lao động Việt Nam. Phân tích các chỉ số thị trường lao động từ các số liệu mới nhất cho thấy, việc làm, tình trạng thất nghiệp và số giờ làm việc trong quý 1 vẫn chưa bị tác động nhiều.

Báo cáo của ILO nhận định: “Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy, thị trường lao động phản ứng với suy thoái kinh tế có độ trễ. 

Điều này là bởi các doanh nghiệp trước tiên luôn cố duy trì lực lượng lao động của mình lâu nhất có thể bằng cách cắt giảm sản lượng cho đến khi không còn tiếp tục duy trì được nữa. Sự tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động có thể sẽ rõ rệt hơn trong quý 2”.

Các chuyên gia của ILO cũng đưa ra 2 kịch bản tác động đến thị trường lao động Việt Nam gồm: kịch bản có mức độ tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý 2; và kịch bản còn lại là mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng.

Với 2 kịch bản tác động được xây dựng, ILO ước tính đến cuối quý 2, khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 - 10,3 triệu lao động, do giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc.

Cụ thể, nếu theo kịch bản có mức tác động lớn, sẽ có 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất; 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe gắn máy, xe máy; và 1,4 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng...

Ở kịch bản có mức tác động thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến 1,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất; 0,9 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ; và 0,9 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp hiện đang sử dụng tổng cộng 18,9 triệu lao động được đánh giá có nguy cơ thấp nhưng các phân ngành phục vụ xuất khẩu cũng có thể phải đối diện với nhiều thách thức.

Trong 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19, việc làm phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt là trong những ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, lao động phi chính thức chiếm tới hơn 81%.

Lao động khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo ILO, Việt Nam đã nới lỏng biện pháp cách ly xã hội ở một số khu vực trên toàn quốc được khoảng 1 tuần. 

Việc nới lỏng chưa được áp dụng đối với một số địa phương cũng như Hà Nội và TP.HCM, là 2 trung tâm kinh tế đô thị chính của Việt Nam, và các quy tắc giãn cách xã hội vẫn chưa được gỡ bỏ. Động thái này sẽ giảm nhẹ đôi chút tác động kinh tế từ kênh trực tiếp.

Tuy nhiên, các nước đối tác thương mại của Việt Nam vẫn đang trong tâm điểm cuộc chiến chống COVID-19. Một số đối tác xuất khẩu hàng đầu đã gia tăng mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kể từ đầu tháng 4.

“Khó có thể dự báo được khi nào tác động kinh tế từ kênh gián tiếp sẽ được giảm nhẹ. Trong trung hạn, ngay cả khi Việt Nam cần lựa chọn gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc, cuộc khủng hoảng (bất kể là trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nền kinh tế) có thể sẽ tác động đến tổng mức tiêu dùng do phương diện tài chính của người dân đã bị suy giảm, từ đó kéo theo tác động đến khả năng của cầu trong nước để duy trì nền kinh tế”, chuyên gia ILO dự báo.

Theo ILO, hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh tạo nên một tác động chưa từng có đối với vấn đề lao động, việc làm của Việt Nam. 

Trong đó, lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do họ không được tiếp cận các mạng lưới bảo trợ xã hội do Nhà nước chi trả, và phần đông trong số họ làm các công việc phi chính thức với mức lương thấp, nhiều khả năng không có tiền tiết kiệm. 

Mức độ tổn thất về sinh kế sẽ phụ thuộc vào diễn tiến của dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh do Chính phủ Việt Nam và các nước khác áp dụng.

“Việt Nam đã giải quyết cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến COVID-19 một cách quyết liệt và mạnh mẽ, quan trọng nhất là với mục tiêu bảo vệ tất cả mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cách tiếp cận đó cần phải được áp dụng để giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. 

Thời điểm khó khăn này tạo cơ hội cho Việt Nam để thiết lập nền tảng cho con đường tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi công cuộc hồi phục bắt đầu được thực hiện”, chuyên gia ILO nhấn mạnh.

Thu Hằng