|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ứng xử ra sao với các doanh nghiệp không lên sàn

18:00 | 07/06/2020
Chia sẻ
Việc “lên sàn” hay "không niêm yết" luôn là bài toán khó mà mỗi doanh nghiệp phải cân nhắc kĩ lưỡng, bởi điều này chứa đựng cả cơ hội lẫn thách thức đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm sự minh bạch cho thị trường chứng khoán, thiết nghĩ đã đến lúc cần nhiều biện pháp ứng xử phù hợp đối với doanh nghiệp lẩn tránh việc lên sàn.
Ứng xử ra sao với các doanh nghiệp không lên sàn - Ảnh 1.

Việc thiếu minh bạch cũng tạo cơ hội cho một số nhóm nhà đầu tư tiến hành gây ảnh hưởng và thao túng giá cổ phiếu. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Tại Việt Nam, hiện có 2 hệ thống sàn giao dịch chứng khoán tập trung là Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) dành cho các chứng khoán đã niêm yết và hệ thống giao dịch UPCOM dành cho các chứng khoán chưa đủ điều kiện niêm yết.

Mặc dù vậy, thực tiễn còn có thị trường giao dịch chứng khoán phi tập trung và không chính thức (Over the counter – OTC) không kém phần sôi động. Việc giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa được niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán tập trung thường được gọi là các “giao dịch dưới sàn” hay “giao dịch ngoài sàn”.

Về cơ bản, các giao dịch dưới sàn được tiến hành theo cơ chế thỏa thuận thương lượng, chào giá cạnh tranh và mua bán trực tiếp. Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường OTC thường tìm đến các diễn đàn trên Internet, mạng xã hội hay thậm chí các môi giới chứng khoán để tra cứu, tìm hiểu thông tin, đăng tin mua bán và sau đó trực tiếp gặp mặt để giao dịch.

Câu hỏi về sự minh bạch

Tính minh bạch luôn là một câu hỏi lớn đối với thị trường OTC.

Điều này có thể gây rủi ro cho các nhà đầu tư khi họ thường khó tiếp cận hoặc tiếp cận không kịp thời với những thông tin có thể gây ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp và giá trị cổ phiếu.

Để được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp phải thỏa mãn những điều kiện khắt khe như: về vốn điều lệ (ví dụ, phải trên 30 tỉ đồng với sàn HNX hoặc trên 120 tỉ đồng với sàn HOSE tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán); về hiệu quả kinh doanh (ví dụ, tỷ lệ ROE - tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5%).

Ngoài ra, còn có các yêu cầu như tình hình tài chính (ví dụ, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm, không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký niêm yết); cơ cấu quản trị (ví dụ, tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ)... theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải luôn tuân thủ chặt chẽ quy chế về công bố thông tin định kỳ và bất thường quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC. Theo đó, hàng năm các công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong thời hạn không vượt quá 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Ngoài ra các công ty còn phải công bố định kỳ các thông tin về cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ); thông tin về hoạt động chào bán; báo cáo sử dụng vốn; hay các thông tin về tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài...

Đặc biệt, họ còn phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ kể từ lúc phát sinh các sự kiện như tài khoản của công ty tại ngân hàng bị phong tỏa, bổ sung hoặc rút bớt ngành nghề kinh doanh, thông qua nghị quyết của cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường hoặc thường niên…

Những quy định pháp lý này nhằm đảm bảo tình trạng hoạt động tốt của các công ty niêm yết, đồng thời duy trì tính minh bạch thông tin về các công ty, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cổ phiếu trên sàn.

Tuy nhiên, đối với giao dịch dưới sàn và các công ty chưa niêm yết thì lại không phải tuân thủ các quy định trên.

Chính vì vậy, tính minh bạch luôn là một câu hỏi lớn đối với thị trường OTC. Điều này có thể gây rủi ro cho các nhà đầu tư khi họ thường khó tiếp cận hoặc tiếp cận không kịp thời với những thông tin có thể gây ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp và giá trị cổ phiếu.

Ở một khía cạnh khác, việc thiếu minh bạch cũng tạo cơ hội cho một số nhóm nhà đầu tư tiến hành gây ảnh hưởng và thao túng giá cổ phiếu, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư riêng lẻ khác.

Lên sàn có phải là nghĩa vụ?

Theo quy định tại Thông tư số 180/2015/TT-BTC, các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1-1-2016 mà không niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCOM trước ngày 1-1-2017.

Đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 1-1-2016, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCOM.

Các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa bằng hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, sau này là Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP có nghĩa vụ phải “lên sàn”.

Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM.

Ngoài ra, nếu đủ điều kiện theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP thì công ty đại chúng có quyền (không phải nghĩa vụ bắt buộc) đăng ký niêm yết chứng khoán của mình lên các sở giao dịch chứng khoán tại Hà Nội và TPHCM.

Vì sao một số doanh nghiệp lớn chưa mặn mà với việc lên sàn?

Nhiều doanh nghiệp không lên sàn nhằm muốn bảo vệ kết cấu vốn chặt chẽ, không muốn tự suy giảm quyền chủ động điều hành và tự quyết với doanh nghiệp, hoặc hạn chế rủi ro bị thâu tóm hay chi phối bởi đối thủ cạnh tranh qua thị trường chứng khoán.

Về lý thuyết, lên sàn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể tiếp cận với một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả qua thị trường chứng khoán. 

Đồng thời, các doanh nghiệp còn có thêm cơ hội để quảng bá hình ảnh và uy tín của mình, do niêm yết được xem là một thước đo chuẩn mực cho tính hiệu quả và minh bạch trong hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với việc niêm yết cổ phiếu của mình, thậm chí không ít trường hợp doanh nghiệp tìm cách trốn lên sàn.

Một số nguyên nhân khách quan khiến doanh nghiệp chưa niêm yết thành công như doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện trở thành công ty đại chúng hay không đủ điều kiện để được niêm yết, như trường hợp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, mất khả năng thanh toán…

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng vẫn chủ định không niêm yết nhằm tránh phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ áp dụng đối với doanh nghiệp niêm yết, như việc phải công khai tình hình hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không lên sàn nhằm muốn bảo vệ kết cấu vốn chặt chẽ, không muốn tự suy giảm quyền chủ động điều hành và tự quyết với doanh nghiệp, hoặc hạn chế rủi ro bị thâu tóm hay chi phối bởi đối thủ cạnh tranh qua thị trường chứng khoán.

Việc lên sàn hay không niêm yết luôn là bài toán khó mà mỗi doanh nghiệp phải cân nhắc kĩ lưỡng, bởi nó chứa đựng cả cơ hội lẫn thách thức đối với doanh nghiệp.

Rủi ro gì đối với giao dịch cổ phiếu dưới sàn?

Cổ đông của doanh nghiệp dưới sàn, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ, có thể không được bảo đảm đầy đủ quyền lợi do sự hạn chế về tiếp cận thông tin doanh nghiệp, tính thiếu minh bạch của chính doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu dưới sàn.

Giao dịch mua bán cổ phiếu dưới sàn về cơ bản có bản chất là quan hệ dân sự, thương mại về chuyển nhượng cổ phiếu, do đó phải tuân thủ các quy định của Luật Thương mại, Luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, giao dịch dưới sàn luôn tiềm ẩn rủi ro pháp lý như tranh chấp quyền sở hữu cổ phiếu, quyền mua - bán cổ phiếu phát hành thêm hay quyền hưởng cổ tức.

Cổ đông của doanh nghiệp dưới sàn, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ, có thể không được bảo đảm đầy đủ quyền lợi do sự hạn chế về tiếp cận thông tin doanh nghiệp, tính thiếu minh bạch của chính doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu dưới sàn.

Dưới góc độ bảo đảm sự minh bạch cho thị trường chứng khoán và quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư, thiết nghĩ việc cơ quan quản lý nhà nước áp dụng biện pháp nghiêm khắc hơn đối với doanh nghiệp lẩn tránh việc lên sàn cũng là điều cần thiết.

Mặc dù vậy, về phía doanh nghiệp, các quy định về điều kiện, thủ tục niêm yết cũng nên được xem xét nới lỏng và hướng dẫn rõ ràng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc doanh nghiệp được niêm yết cổ phiếu của mình.

(*) Cố vấn cấp cao của Công ty luật Rajah & Tann LCT

LS. Cao Đăng Duy (*)