Ứng phó với khủng hoảng năng lượng: Cần chính sách dài hạn và thực tế hơn
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những tác động này và gợi mở những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong đảm bảo an ninh năng lượng.
Phóng viên: Thưa ông, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu hiện nay đang tác động như thế nào đến lạm phát tại châu Âu, đến nền kinh tế châu Âu và các nước khác; trong đó có Việt Nam?
Ông Hà Đăng Sơn: Yếu tố lạm phát là khó tránh khỏi khi năng lượng là đầu vào quan trọng của nền kinh tế - xã hội với mỗi quốc gia. Khi giá năng lượng lên nhiều; trong đó tại châu Âu cao gấp khoảng 10 lần so với trước thì hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo đó, nguồn cung năng lượng bị thiếu hụt, cộng với giá tăng cao đã khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại châu Âu bị sụt giảm.
Sản lượng nhiều sản phẩm phải cắt giảm để dành năng lượng cho các hoạt động cốt lõi của nền kinh tế. Với việc giảm sản lượng như vậy, doanh thu của doanh nghiệp bị sụt giảm và việc làm cho người lao động cũng ít đi.
Vì vậy, tăng trưởng GDP của các nước châu Âu cũng được dự báo sẽ sụt giảm. Đặc biệt, giá năng lượng cao cũng tác động ngược trở lại rổ hàng hoá; trong đó các yếu tố đầu vào của giao thông vận tải, logistic, các hàng hoá đều phải tăng giá.
Với Việt Nam, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển dịch về cơ cấu năng lượng, bắt đầu chuyển dịch nhiều hơn theo hướng đẩy mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu cung ứng năng lượng. Việt Nam cũng đang chuyển dịch dần từ sử dụng than sang sử dụng các nguồn khí bao gồm cả khí sản xuất trong nước và những nguồn khí nhập khẩu như LNG.
Vì vậy, khi xảy ra khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và thế giới, Việt Nam gặp phải một cạnh tranh rất là lớn ở trên thế giới trong câu chuyện về nguồn cung, liên quan đến vấn đề giá cả và khủng hoảng sẽ ảnh hưởng lớn trong các kế hoạch triển khai về đầu tư cho năng lượng cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Phóng viên: Thưa ông, các nước EU đang duy trì một loạt các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Ông nhìn nhận như thế nào về các giải pháp này?
Ông Hà Đăng Sơn: Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra nhiều giải pháp để phản ứng nhanh với cuộc khủng hoảng năng lượng. Thứ nhất, EU đã đưa ra kế hoạch chia sẻ các kho nhiên liệu.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng khó hiện thực hoá bởi dự trữ nhiên liệu của từng nước thành viên cũng không đủ để có thể chia sẻ cho nước khác. Thực tế là các nước châu Âu hiện nay đều tự tìm cách đặt mua bổ sung cho kho dự trữ này.
Thứ hai, EU muốn áp giá trần năng lượng tại châu Âu. Tuy nhiên, đề xuất áp giá trần năng lượng đã vấp phải phản ứng mạnh của khối OPEC +.
Theo đó, OPEC + thông báo sẽ giảm ngay sản lượng khai thác dầu khí. Với việc giảm nguồn cung nhiên liệu như vậy, các nước EU buộc phải chấp nhận mua nhiên liệu với giá cao hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Điều này cũng đặt ra thách thức lớn cho năng lực đàm phán của mỗi quốc gia bởi vì với những quốc gia phát triển với tiềm lực kinh tế mạnh như Đức hay Pháp thì có thể các nước này sẽ có những vị thế hoặc mối liên kết về mặt kinh tế với các quốc gia cung cấp nhiên liệu để giải quyết được bài toán thiếu hụt năng lượng.
Tuy nhiên, với một số nước châu Âu khác mà tiềm lực tài chính không mạnh, các mối quan hệ liên quan đến chính trị cũng yếu thì trong trường hợp này sẽ là nước bị lép vế và sẽ phải chịu thiệt hại trong câu chuyện áp giá trần nhiên liệu.
Đối với giải pháp tìm nguồn cung khí LNG từ các nước khác để không phụ thuộc vào nguồn LNG từ Nga, một số nước EU đàm phán mua khí từ Na Uy, Trung Đông và Mỹ.
Tuy nhiên, trên thị trường LNG thế giới, các nước châu Á đang cạnh tranh rất mạnh với các nước châu Âu trong việc nhập khẩu khí LNG. Các nước châu Á sẵn sàng chào giá cao hơn để có thể đạt được sản lượng cần thiết cung ứng cho các nhà máy điện khí LNG mới được xây dựng.
Trong trường hợp này, châu Âu chỉ có thể đảm bảo được sản lượng LNG nhập khẩu nếu đặt giá cao hẳn lên. Tuy nhiên, giá LNG cao cũng đồng nghĩa với việc các nước châu Âu phải đánh đổi lại bằng những tác động lớn không mong muốn đến chi phí và giá cả.
Phóng viên: Ông dự báo gì về biến động giá khí đốt châu Âu cũng như việc dự trữ năng lượng cho mùa Đông tới tại lục địa này?
Ông Hà Đăng Sơn: Có thể thấy giá dầu khí hiện nay tương đồng với năm 2011 khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Libya.
Từ bài học về lịch sử này có thể thấy khi mức giá dầu khí lên cao như vậy, xu hướng chung của nhiều nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ sẽ là cắt giảm dần sản lượng khai thác để có thể duy trì mức giá cao từ 2-4 năm trước khi có những động thái có thể giúp giảm giá. Đây là thực tế bởi khi giá giảm, lợi ích của các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ bị giảm đi.
Thêm vào đó, để ứng phó với một mùa đông được dự báo khá lạnh giá, hiện các nước Châu Âu đang phải nâng sản lượng nhiên liệu dự trữ với khối lượng rất lớn và trong thời gian rất ngắn để đến khoảng tháng 10 và đầu tháng 11 có thể phục vụ cho nhu cầu năng lượng tăng lên.
Vì vậy, giá nhiên liệu nhập khẩu sẽ vẫn cao trong một vài tháng tới trước khi có những cái động thái đàm phán để giảm bớt mức giá hiện nay.
Phóng viên: Từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, Việt Nam cần rút ra những bài học gì để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia?
Ông Hà Đăng Sơn: Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn nhập khẩu. Việt Nam đang nhập khẩu dầu thô nguyên liệu cho hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn.
Cùng đó, Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 30% lượng xăng dầu thành phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Việt Nam cũng đã trở thành một quốc gia nhập khẩu than từ năm 2015. Trong khi đó, giá than nhập khẩu thời gian vừa qua cũng đã tăng nhiều do tác động của khủng hoảng năng lượng.
Trong trường hợp này, Việt Nam đang đối mặt với những tác động kép khi giá dầu khí, giá than đều tăng.
Đối với thủy điện, khả năng xây dựng các nhà máy phát điện mới rất hạn chế do Việt Nam nằm ở hạ nguồn nên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước của các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Lào hoặc Campuchia. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng trữ nước hoặc điều tiết nước cho thủy điện và các nhu cầu về tưới tiêu của Việt Nam.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để thay đổi cơ cấu năng lượng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn nhập khẩu. Ví dụ rõ nhất là Việt Nam đã khuyến khích phát triển khá mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, điện gió và điện mặt trời đã phát triển quá nhanh và quá mạnh nên hệ thống truyền tải điện không phát triển kịp. Hệ lụy này đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và khả năng cung ứng đầy đủ của hệ thống cũng như gây khó khăn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam- đơn vị chịu trách nhiệm lớn nhất về đảm bảo an ninh năng lượng trong lĩnh vực điện.
Từ các tồn tại này, Việt Nam cần nhìn nhận ở các góc cạnh khác nhau. Thứ nhất, mọi nguồn năng lượng đều có những yếu tố tích cực và tiêu cực. Ví dụ, điện gió hay điện mặt trời đang được khuyến khích phát triển do không phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.
Tuy nhiên, điện gió hay điện mặt trời lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết mang tính bất định cao. Đặc biệt trong thời gian tới, biến đổi khí hậu có thể sẽ tác động mạnh đến vận hành của các nhà máy điện gió và điện mặt trời, từ đó ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho sản xuất kinh doanh cũng như đời sống.
Theo đó, việc tìm ra phương án vừa giúp giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu, vừa tăng dần các nguồn năng lượng chủ động trong nước là thách thức không nhỏ. Vì vậy, Việt Nam phải tiến tới làm chủ khoa học công nghệ thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các công nghệ nhập khẩu và bí quyết vận hành của nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhận thức và hành động trong sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng như trong quản lý nhu cầu phụ tải cần phải được tất cả các cấp, các bộ ngành và người dân nâng cao hơn nữa để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tránh tình trạng phải trả giá điện hoặc giá năng lượng rất cao như các nước châu Âu hiện nay.
Thực tế là thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước tăng cao đã tác động lớn đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân nhưng Chính phủ đã có những động thái kịp thời để xử lý ngay tại chỗ. Tuy nhiên, việc xử lý này có thể thực hiện trong điều kiện Việt Nam vẫn còn có nguồn để điều chỉnh. Còn trong trường hợp có nhiều tác động cùng xảy ra, Việt Nam có thể phải đối mặt với tình huống không có bất kỳ một phương án nào để xử lý khi khủng hoảng năng lượng.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có sự thay đổi về thói quen tiêu dùng cũng như có sự thay đổi về cách làm chính sách và thực hiện chính sách với tầm nhìn dài hạn hơn, thực tế hơn so với hiện nay.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!