|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Uganda tập trung thúc đẩy thị trường cà phê nội địa

10:46 | 22/10/2019
Chia sẻ
Giá cà phê toàn cầu sụt giảm trong năm 2018 đã gây cản trở cho hầu hết các nhà sản xuất cà phê Uganda. Vì vậy, quốc gia Đông Phi đang có kế hoạch tiếp cận đa chiều trong việc thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất nội địa.
uganda-cherries_Genuine-Origin-1

Uganda tập trung vào thị trường cà phê nội địa. Ảnh: allafrica

Niên vụ 2018 - 2019, sản lượng cà phê toàn cầu đạt khoảng 170 triệu bao, cao hơn 10 triệu bao so với lượng tiêu thụ. Trong đó, Brazil đã sản xuất hơn 60 triệu bao.

Sự sụt giảm giá cà phê dẫn đến việc giảm nguyên liệu đầu vào, thuốc trừ sâu và các chi phí trang trại liên quan khác, theo trang AllAfrica.

Với 4 triệu bao cà phê được sản xuất mỗi năm, Uganda là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai ở châu Phi sau Ethiopia. Tại đây, cà phê trở thành nguồn thu ngoại tệ thứ hai sau du lịch.

Theo ông Fred Luzinda, Chủ tịch Liên đoàn Cà phê Uganda, 4,6 triệu bao cà phê 60 kg đã được xuất khẩu trong năm 2018, tạo ra doanh thu 492 triệu USD.

Giá xuất khẩu trung bình đạt mức 1,84 USD/kg trong năm 2018, thấp hơn mức 1,95 USD/kg trong năm 2017. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà xuất khẩu.

Tương tự Ethiopia và Brazil, Uganda là quốc gia mà một nửa số cà phê sản xuất ra được tiêu thụ trong nước. Các nhà sản xuất cà phê nước này đang có kế hoạch tiếp cận đa chiều trong việc thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất nội địa.

Tăng cường tiêu thụ cà phê nội địa là một trong những chiến lược quan trọng

Tăng cường tiêu thụ trong nước được các chuyên gia trong ngành cà phê coi là một trong những chiến lược quan trọng để có thể khắc phục tình trạng giá cà phê toàn cầu sụt giảm.

Bà Elizabeth Nsimadala, Chủ tịch Liên đoàn Cà phê Đông Phi, cho biết đồ uống pha chế từ cà phê chưa phổ biến ở khu vực Đông Phi.

"Tăng mức tiêu thụ nội địa sẽ là một cách để hỗ trợ nông dân trong bối cảnh giá cà phê toàn cầu thấp", bà Nsimadala cho biết trong Lễ kỉ niệm Ngày Cà phê Quốc tế tại Hợp tác xã Ankole Coffee ở quận Sheema, Uganda.

Bà cũng cho hay Ethiopia đã tiêu thụ ít nhất 20% sản lượng cà phê của họ.

Ông Emmanuel Ilyamulemye, giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), cho biết mức tiêu thụ cà phê nội địa hiện tại của quốc gia này ở mức 5% và mục tiêu của UCDA là 15%.

Uganda được chọn là một trong những quốc gia nằm trong dự án thúc đẩy tiêu thụ cà phê trong nước thuộc Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO).

Du lịch và cà phê

Sự kết hợp giữa du lịch và cà phê là một chiến lược quan trọng khác trong việc thúc đẩy tiêu thụ nội địa mặc dù hình thức này vẫn chưa phổ biến.

Du lịch kết hợp cà phê tạo sự liên kết giữa người trồng cà phê với người tiêu dùng theo cách tiếp cận từ nông trại đến thành phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng được tham quan các đồn điền và chia sẻ kinh nghiệm với nông dân.

Phản hồi từ khách du lịch sẽ giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác tốt hơn và thúc đẩy sản xuất, từ đó cũng thu hút thêm nhiều người tiêu dùng trong nước.

Ông John Nuwagaba, chủ tịch của Hợp tác xã Ankole Coffee ở quận Sheema, cho biết cà phê chủ yếu vẫn được xem là cây trồng thu lời, dẫn đến mức tiêu thụ nội địa thấp.

Ông Eldard Muhangisa, một người trồng cà phê cho biết thức uống từ cà phê từ lâu đã không phổ biến đối với người dân Uganda.

Năm 2014, Tổng thống Museveni đã giao nhiệm vụ cho Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA) tăng sản lượng cà phê từ 3 triệu bao lên 20 triệu bao.

Vào thời điểm đó, ông Emmanuel Ilyamulemye, giám đốc điều hành của UCDA, cho biết họ chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý tới việc cần phải tạo ra nhu cầu bằng cách uống cà phê do chính họ sản xuất ra.

Hiện tại, ông Ilyamulemye cho hay UCDA đã đào tạo các luật sư và giám sát viên để quản lý về chất lượng sản phẩm. Họ sẽ làm việc trong các quán cà phê, nhà hàng và khách sạn trong nước.

Ngọc Ánh