UEFA mất 327 triệu USD vì lùi lịch Euro, nhưng đó đã là sự lựa chọn tốt nhất
Hôm 17/3, Liên đoàn bóng đá châu Âu đã tuyên bố dời giải đấu Euro sang hè 2021. Đây là lần đầu tiên từ khi tổ chức giải bóng đá này diễn ra trong một năm lẻ. Dù vậy, quyết định không gây bất ngờ vì trước đó nhiều giải vô địch quốc gia châu Âu phải tuyên bố hoãn vì dịch COVID-19.
Việc các giải đấu hàng đầu phải hoãn dẫn đến một hệ quả là các cầu thủ sẽ phải đá bù vào tháng 5 hoặc tháng 6. Nếu tiếp tục căng sức đá Euro, chắc chắn nhiều tuyển thủ sẽ không còn đảm bảo đủ thể lực. Đó là chưa kể tới việc chưa chắc dịch COVID-19 tại châu Âu sẽ lắng lại trong vòng ít tháng tới.
UEFA lùi lại giải đấu Euro chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều giải đấu khác, như Nations League và vòng loại World Cup 2022. Nhưng đây là một sự lựa chọn tốt hơn rất nhiều so với hủy giải.
UEFA thừa nhận họ sẽ mất 327 triệu USD với việc thông báo hoãn Euro 2020. Đây là một con số rất lớn nếu như biết rằng mùa 2017/2018 doanh thu của UEFA là 3 tỉ USD (doanh thu mùa cao nhất lịch sử là 2015/2016 với 4,9 tỉ USD).
Đương nhiên UEFA không giữ lại toàn bộ số tiền họ thu về. Họ sẽ phải trích lại phần lớn trong số đó cho các đội bóng (cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia) dưới dạng tiền thưởng. Khi Liverpool đoạt chức vô địch Champions League mùa vừa rồi, họ nhận tới 114,23 triệu USD.
Theo báo cáo tài chính mùa gần nhất công bố (2017/2018), UEFA đã phải chi tới 85% doanh thu để "thưởng" cho các liên đoàn bóng đá thành viên cũng như các đội bóng tham dự các giải đấu do họ tổ chức. Chi phí tổ chức chiếm 9,4% trong khi tiền lương và phúc lợi cho nhân viên là dưới 3%.
Mặc dù phải chấp nhận việc mất 327 triệu USD, nhưng rõ ràng đây là những thiệt hại không thể tránh của UEFA. Theo những con số mà họ công bố, nếu UEFA hủy Euro, tổng thiệt hại sẽ lên đến 436 triệu USD. Ngoài ra, nếu lùi lịch, UEFA sẽ có cơ hội "gỡ" lại tới 2,1 tỉ USD vào sang năm - một con số đáng để bộ sậu Liên đoan bóng đá châu Âu phải cân nhắc.
Không những thế, lùi Euro còn là một quyết định hợp tình, hợp lí. Các giải vô địch quốc gia châu Âu không thể để sang năm sau mới đá tiếp khi giải đã bước vào giai đoạn cuối, trong khi giải đấu cấp quốc tế thì có thể, bởi chúng chưa diễn ra.
Tiền bản quyền truyền hình và quảng cáo, nguồn doanh thu lớn nhất của UEFA, có thể sẽ giảm nhiều hơn nữa nếu như các giải đấu bị hủy giữa chừng. Do đó, Liên đoàn bóng đá châu Âu sẽ cố sống cố chết để lùi lịch, chứ không hủy giải.
Với các cậu lạc bộ, hầu hết các đội bóng đều không muốn hủy giải nếu như dịch COVID-19 không vượt quá tầm kiểm soát. Đặc biệt, các đội bóng nhỏ không có nguồn thu ổn định, sẽ khó lòng cân bằng được bảng cân đối tài chính khi một năm tài chính (kết thúc ngày 31/5) sắp qua.
Mới đây, câu lạc bộ Sion (Thụy Sĩ) đã buộc phải thanh lí hợp đồng với 9 cầu thủ (bao gồm các cựu danh thủ như Song hay Djourou của Arsenal) do những người này không chịu giảm lương khi đội bóng gặp khó khăn.
Tại Italy, tờ Corriere Dello Sport cho biết Juventus - câu lạc bộ của Ronaldo - cũng có nguy cơ giảm lương và siêu sao người Bồ Đào Nha có thể sẽ mất 20%-30% tiền lương của mình. Hiện tại, Ronaldo nhận lương cao nhất Serie A với 33,3 triệu USD một năm sau thuế.