|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

UBCKNN phạt Điện cơ Thống Nhất 410 triệu đồng, Chủ tịch Mía đường Cao Bằng bị 'tuýt còi' vì mua chui cổ phiếu

14:49 | 07/05/2019
Chia sẻ
Điện cơ Thống nhất bị xử phạt 410 triệu đồng vì không đăng kí giao dịch chứng khoán và chậm công bố thông tin. Bên cạnh đó, UBCKNN xử phạt Chủ tịch Mía đường Cao Bằng vì mua chui 160.000 cổ phiếu CBS

Điện cơ Thống Nhất bị xử phạt 350 triệu đồng vì không đăng kí giao dịch chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ba cá nhân và doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt lên đến 527,5 triệu đồng.

Doanh nghiệp chịu mức phạt cao nhất 410 triệu đồng là CTCP Điện cơ Thống Nhất với hai sai phạm. Trong đó, Điện cơ Thống Nhất phải nộp phạt 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của công ty đối với Nghị quyết Hội đồng quản trị số 133/NQ-ĐCTN-HĐQT ngày 23/7/2018 về việc tuyển dụng và bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Quyết làm Kế toán trưởng và việc miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc theo Nghị quyết Hội đồng quản trị số 156/NQ-ĐCTC-HĐQT ngày 29/8/2018. Do vậy, Điện cơ Thống Nhất bị phạt thêm 60 triệu đồng cho sai phạm trên.

Quyết định xử phạt đối với CTCP Điện cơ Thống Nhất có hiệu lực kể từ ngày 6/5/2019.

Cổ phiếu của Điện cơ Thống Nhất từng làm tâm điểm của thị trường khi doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa. Trong đợt IPO vào tháng 3/2015, hơn 5,75 triệu cổ phần Điện cơ Thống Nhất đã được đấu giá thành công với khối lượng đặt mua cao gấp 10 lần chào bán với giá trúng bình quân là 42.383 đồng/cp.

UBCKNN phạt Điện cơ Thống Nhất 410 triệu đồng, Chủ tịch Mía đường Cao Bằng bị tuýt còi vì mua chui cổ phiếu - Ảnh 1.

Cơ cấu cổ đông của Điện cơ Thống Nhất. Nguồn: BCTC

Hiện, cơ cấu cổ đông của Điện cơ Thống Nhất tương đối cô đặc khi 8 cổ đông lớn sở hữu 93,64% vốn điều lệ. Trong đó, hai tổ chức sở hữu 40,22% vốn điều lệ. Cụ thể, Tổng CTCP Bảo hiểm hàng không sở hữu 19.24% vốn điều lệ, Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội sở hữu 20,98%. Tháng 3/2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thoái toàn bộ hơn 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương 46,9% vốn điều lệ của Điện cơ Thống Nhất.

Ngày 11/4 vừa qua, ông Bùi Quốc Doanh, cổ đông lớn của Điện cơ Thống Nhất công bố thông tin bán toàn bộ hơn 1,3 triệu cổ phiếu, không còn nắm giữ cổ phiếu của công ty.

Kết quả kinh doanh 2018, Điện cơ Thống Nhất báo lãi 83,2 tỉ đồng, tăng gần 28,3% so với năm trước đó, doanh thu đạt 908 tỉ đồng, giảm nhẹ 3,6%. Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của công ty đạt 576,9 tỉ đồng, tăng 10,25% so với thời điểm đầu năm.

Bên cạnh kết quả kinh doanh khởi sắc, doanh nghiệp này đang sở hữu nhiều bất động sản. Cụ thể, Điện cơ Thống Nhất sở hữu quỹ đất khá lớn, gồm 29.529 m2 ở 164 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội và lô đất 49.971 m2 ở KCN Đồng Văn II, Hà Nam. Cả hai khu đất đều được thuê với thời hạn 40-50 năm.

Chủ tịch Mía đường Cao Bằng bị xử phạt vì mua chui cổ phiếu

Ngoài ra, ngày 4/5, ông Nông Văn Lạc Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Mía đường Cao Bằng (Mã: CBS) bị phạt 55 triệu đồng vì đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, từ ngày 22/12/2017 đến ngày 11/5/2018, ông Lạc đã mua 160.000 cổ phiếu CBS nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội trước khi thực hiện giao dịch.

Về cơ cấu cổ đông hiện nay của Mía đường Cao Bằng, tính đến ngày 24/1/2019, ông Nông Văn Lạc là cổ đông lớn nhất sở hữu 43,72% vốn điều lệ của công ty. Cổ đông tổ chức khác là CTCP Thương mại và Dịch vụ Song Phương sở hữu 5,55% vốn điều lệ của công ty.

Cùng ngày 4/5, cá nhân còn lại nhận quyết định xử phạt từ UBCKNN là ông Lâm Tích Đường với số tiền phạt 62,5 triệu đồng. Được biết, ngày 6/11/2017, ông Đường đã bán 35.000 cổ phiếu của CTCP Điện cơ (Mã: EME). Sau giao dịch, ông Đường giảm tỉ lệ sở hữu tại Điện cơ từ 5,025% xuống  4,1% vốn điều lệ, tương đương 155.100 cổ phần. Tuy nhiên, cá nhân này đã không báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội khi không còn là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Điện cơ.

Thu Thủy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.