|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tỷ phú Trần Bá Dương liệu có 'buông' HAGL Agrico?

20:10 | 04/05/2024
Chia sẻ
Người đứng đầu HAGL Agrico khẳng định vẫn quyết tâm thực hiện dự án nông nghiệp quy mô lớn bởi đã đổ quá nhiều tiền, nếu có rủi ro gì xảy ra thì bản thân mới là người mất nhiều nhất.

Trong phiên họp cổ đông mới đây, cổ đông HAGL Agrico (Mã: HNG) đã đặt câu hỏi khó cho Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương về việc liệu ông có ý định "bỏ cuộc" trong công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp hay không. 

Đây là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi kết quả kinh doanh của HAGL kể từ khi có sự tham gia của nhóm Thaco năm 2018 đến nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc, bức tranh tài chính vẫn xám màu với các khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. 

Một tuần có 3 ngày thăm nông trường

Theo báo cáo tài chính quý I/2024, công ty nông nghiệp tiếp tục lỗ sau thuế 47 tỷ đồng, nối dài chuỗi 13 quý liên tiếp thua lỗ nhưng con số đã giảm đi đáng kể so với các kỳ trước. 

Trong năm 2024, HAGL Agrico đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 15% lên 694 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là lỗ 120 tỷ đồng, dự kiến kéo dài chuỗi 4 năm lỗ liên tiếp.

Nguồn: HL tổng hợp. 

Trên bảng cân đối kế toán mới nhất, HAGL có vốn điều lệ hơn 11.000 tỷ đồng nhưng con số lỗ lũy kế đã vượt mốc 8.100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu theo đó chỉ còn gần 2.500 tỷ đồng. 

"Công ty lỗ lớn nhưng đầu tư thì Thaco vẫn phải ủng hộ để đầu tư, tôi đánh cược vào nông nghiệp nói chung và HAGL Agrico là rất lớn", người đứng đầu doanh nghiệp nhấn mạnh.  

Ông kể lại thời điểm khi nhận cơ cấu HAGL thì đất đai bên Lào và Campuchia rất xấu, nhân sự đi khảo sát "chỉ dám nhìn lên trời vì thấy ngán". HAGL khi đó chìm đắm trong khó khăn và áp lực phải duy trì niêm yết bằng nhiều cách, Thaco đã phải bỏ ra 40.000 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục bỏ rất nhiều tiền và công sức.

"Bình quân 1 tuần tôi vẫn đi 3 ngày đến các nông trường, để thấy rằng đam mê cho đến giờ này cả về nhân lực và vật lực đổ vào đây rất lớn. Lượng nhân sự từ Chu Lai điều qua làm nông nghiệp là khoảng 1.000 người và đầu tư xây dựng rất lớn để quyết tâm làm. 

Vấn đề sức khỏe thì không thể nói trước được, nhưng cho dù có chuyện gì đi nữa thì tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành dự án nông nghiệp, để đến 2028 phải có giá trị, mà không có giá trị chắc đứt bởi vì đổ quá nhiều tiền rồi", ông nói. 

Hiện pháp lý dự án rất khó bởi vì không phải xin dự án rồi mới đầu tư mà phải đầu tư ra mô hình, thuyết phục chính quyền thì mới cho phát triển tiếp. Đến giờ này các Chính phủ nước ngoài rất tin tưởng về dự án đầu tư nông nghiệp, các cấp chính quyền cũng quan tâm và theo dõi kỹ dự án.

Về vấn đề đầu tư của Thaco, ông Dương nhấn mạnh dự án nông nghiệp quy mô lớn phải thành công bởi không thành công thì sẽ chết, uy tín cá nhân cũng mất. 

Tuy nhiên, HAGL Agrico đã tìm ra được mô hình đầu tư và việc quan trọng sắp tới chỉ là vận hành có hiệu quả. Đến 2025, nếu kiểm soát kỹ và tạo được lợi nhuận trên mỗi ha thì công ty sẽ cơ bản ổn định, cùng với sự hỗ trợ từ Thaco thì việc quản trị sẽ đảm bảo chuẩn mực. 

Ông Dương nói thêm, với mảng kinh doanh công nghiệp cơ khí cốt lõi tại Khu công nghiệp Chu Lai có khoảng 15.000 người, bản thân không còn đến giám sát nhiều mà chỉ điều hành từ xa, một tháng chỉ đến trực tiếp 1-2 lần. 

"Giai đoạn này rất quan trọng, giống như ngày xưa tôi tập trung toàn tâm toàn ý cho Chu Lai vậy. Nếu có rủi ro với HAGL Agrico thì bán thân tôi mất rất nhiều nên quyết tâm làm, các anh chị mất thì tôi cũng ngại nữa", ông khẳng định. 

Đồng thời, ông trấn an cổ đông rằng chắc chắn đến nay về mặt cơ bản đã tìm ra được mô hình đầu tư, định hình được sản xuất, chặng đường tiếp theo là tổ chức quản trị và hình thành đội ngũ quản lý, công nhân để mở rộng. 

Làm nông nghiệp quy mô lớn rất khó 

Khi tham gia tái cấu trúc HAGL Agrico, lãnh đạo Thaco đã định hình doanh nghiệp sẽ thực hiện theo chiến lược làm nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn và tích hợp tuần tuần hòa hữu cơ. 

"Thực sự khi làm nông nghiệp quy mô lớn là rất khó, khó hơn rất nhiều các ngành khác. Tôi rất thận trọng, ai nhìn cũng thấy tiềm năng nhưng liệu có làm được không và các yếu tố rủi ro rất lớn, đặc biệt là sự ổn định về chất lượng, sản lượng và lợi nhuận bền vững là không dễ dàng", ông Dương nói.

HAGL đã phải đầu tư trên diện tích đến hàng chục nghìn ha, chưa kể đến việc đầu tư mặt bằng, cấp thoát nước, đảm bảo cơ giới hóa để hạn chế con người, đảm bảo đủ nước tưới, đảm bảo đủ công nhân tay nghề trong việc xuất khẩu trái cây tươi...

Lãnh đạo công ty nói khi làm rất sợ sai nên đã phải thử nghiệm trước trên các diện tích ở Campuchia, phải sửa sai nhiều lần mới áp dụng mô hình vào diện tích lớn bên Lào, thậm chí công ty phải quyết tâm phá bỏ để làm lại. 

"Khi Lào cấp diện tích dự án đến 27.000 ha mà làm dự án không hiệu quả thì cũng cũng rất áp lực với chính quyền, không dễ để được chấp thuận dự án bởi không làm được thì chính quyền sẽ để dân vô làm.

Cái lớn nhất trong thời gian qua là phải học, nhìn thấy cái gì bất cập thì cố gắng xử lý vấn đề. Chúng tôi cũng đã trả giá vì không có căn bản nên phải bỏ đi, nhưng đến giờ đã xây dựng mô hình bán", ông Dương nói và khẳng định trách nhiệm rất lớn bởi HAGL là công ty đại chúng có nhiều cổ đông khác.  

Huy Lê