|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ phú Roman Abramovich: Chi hàng tỷ USD xây dựng vị thế bên ngoài nước Nga vẫn không đủ để tránh khỏi tầm ngắm của các nước phương Tây

10:27 | 30/03/2022
Chia sẻ
Dù đã chi cả núi tiền để xây dựng vị thế bên ngoài lãnh thổ nước Nga trong hàng chục năm, nhưng ông Roman Abramovich giờ đây vẫn có tên trong danh sách lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây.

Khi quân đội Nga đổ bộ gần biên giới với Ukraine vào tháng trước, đại sứ Mỹ tại Israel đã nhận được lời kêu gọi thay mặt tỷ phú Roman Abramovich, người dễ thấy nhất trong số các tỷ phú có liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo The New York Times.

Vị thế của ông Abramovich bị đe dọa

 

Ông Abramovich đang bị đe dọa vị thế ở trên trường quốc tế. (Ảnh: DW).

Lãnh đạo các tổ chức văn hóa, giáo dục và y tế, cùng với một giáo sĩ, đã gửi thư kêu gọi Mỹ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì họ cho rằng điều này sẽ gây tổn hại cho Israel và người Do Thái. Vài ngày sau, ông Abramovich và khu tưởng niệm Yad Vashem đã công bố mối quan hệ hợp tác mà một phát ngôn viên của tổ chức cho biết bao gồm khoản cam kết trị giá ít nhất 10 triệu USD.

Những điều này phản ánh nỗ lực phi thường của ông Abramovich giữa cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, đặc biệt sau những gì mà các tỷ phú Nga khác đã trải qua trong suốt những tuần qua.

Tuy nhiên, phản ứng trong cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm “hoen ố” địa vị mà tỷ phú Roman Abramovich nói riêng và giới tài phiệt Nga nói chung đã mất hàng chục năm gây dựng. Gần đây, các nhà chức trách Anh đã điền tên ông vào danh sách những người bị trừng phạt.

Ông Abramovich, người có khối tài sản ước tính trị giá hơn 13 tỷ USD, đã bị cấm nhập cảnh vào Anh hoặc kinh doanh bất kỳ hoạt động nào tại đây. Điều này đã làm ảnh hưởng đáng kể tới câu lạc bộ Chelsea, đội bóng mà ông sở hữu trong gần hai thập kỷ. Thậm chí, ông đã phải từ chức chủ tịch đội bóng cũng như rao bán lại.

Thomas Graham, một học giả về Nga cho biết: “Các nhà tài phiệt như ông Abramovich đã sử dụng những khoản lợi “bất chính” của mình để xây dựng danh tiếng của họ ở phương Tây. Tuy nhiên, thông điệp của các lệnh trừng phạt rất rõ ràng: Danh tiếng cũng không thể giúp bảo vệ họ”.

Mới nhất, phía Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với ông Abramovich. Trong khi đó, Mỹ đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tỷ phú này, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại, sau khi đích thân Tổng thống Ukraine đứng ra kêu gọi.

Trong một tuyên bố giải thích hành động của mình, chính phủ Anh nói rằng doanh nhân này đã thu lợi từ các giao dịch với chính phủ Nga cũng như các khoản miễn giảm thuế đặc biệt. Tuyên bố cũng gợi ý rằng một công ty thép mà ông Abramovich kiểm soát có thể đóng góp vào cuộc chiến tại Ukraine, "có khả năng" cung cấp thép cho xe tăng Nga. Đại diện các bên liên quan cho tới nay vẫn chưa đưa ra bình luận.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói về giới tài phiệt Nga đang chịu các lệnh trừng phạt: “Máu của người dân Ukraine đang chảy trên tay họ. Họ nên cúi đầu và cảm thấy xấu hổ”.

Michael McFaul, đại sứ Mỹ tại Moscow thời Tổng thống Obama nhớ lại rằng trong khi chính phủ của ông Putin tuyên bố coi thường Mỹ và các đồng minh, thì Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn không ngừng cố gắng giúp các nhà tài phiệt nước này, bao gồm cả ông Abramovich, có được thị thực để họ có thể hòa nhập với giới thượng lưu phương Tây.

Bắt đầu xây dựng địa vị bên ngoài nước Nga từ bóng đá

Lớn lên tại một thị trấn bên sông Volga ở miền bắc nước Nga, ông Abramovich đã bỏ học đại học và gia nhập Hồng quân vào cuối những năm 1980 đúng lúc nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tư nhân. Ông Abramovich lao vào buôn bán bất cứ thứ gì có thể, bao gồm búp bê, sô cô la, thuốc lá, vịt cao su và lốp ô tô.

Bước ngoặt lớn diễn ra vào giữa những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông Abramovich và một đối tác đã thuyết phục chính phủ Nga bán cho họ công ty dầu khí nhà nước Sibneft với giá khoảng 200 triệu USD. Năm 2005, ông bán lại cổ phần cho chính phủ với giá 11,9 tỷ USD. Tiếp theo là các thương vụ khác, bao gồm việc thành lập một công ty nhôm khổng lồ.

Sau khi nhậm chức tổng thống vào năm 2000, ông Putin đã nhanh chóng thắt chặt quá trình thu lợi của các doanh nhân tỷ phú Nga, gửi đi một thông điệp rõ ràng bằng cách tống giam nhà tài phiệt giàu có và quyền lực nhất nước Nga thời đó. Ngược lại, ông Abramovich là một trong số ít những người ưu tú được Tổng thống Putin ưu đãi.

“Tôi bắt đầu kinh doanh sớm, vì vậy có lẽ đó là lý do tôi cảm thấy nhàm chán với nó”, tỷ phú Roman Abramovich chia sẻ trên The Wall Street Journal trong một bài báo vào năm 2001. Ông cho biết bản thân quan tâm tới “một cuộc cách mạng hướng tới cuộc sống văn minh”.

 Tỷ phú Roman Abramovich đã chi hàng tỷ USD cho Chelsea. (Ảnh: Sky News).

Dù vậy, giống như các nhà tài phiệt khác, cảnh giác với quyền lực của tân Tổng thống Nga Putin, ông Abramovich cũng bắt đầu tìm kiếm chỗ đứng bên ngoài lãnh thổ nước Nga.

Mùa xuân năm 2003, ông Abramovich đã có mặt ở Manchester, Anh, để xem tiền đạo huyền thoại người Brazil, Ronaldo lập một cú hattrick mang về chiến thắng cho Real Madrid. Người Nga chưa bao giờ thể hiện nhiều hứng thú với bóng đá trước đây, nhưng trận đấu ngày hôm đó đã khơi dậy niềm đam mê trong con người ông.

Ông bắt đầu tìm kiếm các đội bóng tiềm năng ở Tây Ban Nha và Ý, nhưng cuối cùng đã mua lại Chelsea, một đội bóng ở thủ đô nước Anh. Thương vụ được diễn ra nhanh chóng với mức giá khoảng 180 triệu USD. Ngay trong mùa hè đầu tiên, ông Abramovich đã chi ra số tiền kỷ lục cho một mùa chuyển nhượng của bóng đá Anh thời bấy giờ.

Hai năm sau khi tiếp quản, Chelsea của ông Abramovich đã trở thành nhà vô địch nước Anh. Kể từ đó đến nay, đội bóng này đã vươn mình trở thành một trong những câu lạc bộ bóng đá lớn nhất thế giới, sở hữu hàng tá danh hiệu lớn nhỏ.

Tại cuộc họp báo khi Nga giành quyền đăng cai World Cup 2018, ông Putin đã khen ngợi ông Abramovich vì sự phát triển của bóng đá Nga, đồng thời gợi ý ông có thể đóng một vai trò nào đó trong “quan hệ đối tác công tư” cho công tác chuẩn bị cho giải đấu. “Ông ấy có rất nhiều tiền trên sàn chứng khoán”, ông Putin chia sẻ.

Năm 2011, ông mua một dinh thự 15 phòng ngủ gần Cung điện Kensington với giá hơn 140 triệu USD, được mở rộng vài năm sau đó để xây thêm một bể bơi khổng lồ dưới lòng đất.

Sau đó, ông quay trở lại Manhattan vào năm 2014, trả 78 triệu USD để sở hữu ba căn nhà phố liền kề thuộc một quận nổi bật của Upper East Side. Ông đề xuất kết hợp ba ngôi nhà với các phong cách khác nhau thành một dinh thự lớn duy nhất, nhưng vấp phải sự phản đối của thành phố. Nhưng cuối cùng, ông đã giành được sự chấp thuận bằng cách mua thêm một căn nhà phố liền kề thứ tư với giá gần 29 triệu USD và sửa đổi theo ý mình.

Ông Abramovich đã thành lập Garage, một trung tâm nghệ thuật đương đại nổi tiếng ở Moscow. Dần dần, ông Abramovich bắt đầu nổi tiếng là một trong những người chi tiêu nhiều nhất trong thế giới nghệ thuật. Cựu chủ tịch Chelsea đã chi gần 120 triệu USD tại các cuộc đấu giá mua bộ ba tác phẩm của Francis Bacon.

Mặc dù hiếm khi trả lời phỏng vấn, song ông Abramovich thường được chụp ảnh bên cạnh những người giàu có và nổi tiếng tại các địa điểm thời trang trên toàn thế giới.

Cố gắng thoát khỏi sự "kỳ thị" từ phương Tây

Ông Abramovich đã phải vật lộn để thoát khỏi sự “kỳ thị” của những quốc gia khác về mối quan hệ với ông Putin. Năm 2018, sau vụ lùm xùm tại Anh, chính quyền nước này đã trì hoãn việc gia hạn visa kinh doanh của tỷ phú người Nga, đồng thời tìm kiếm thêm thông tin về các giao dịch của ông.

Ông đã quay sang Israel, nơi ông cũng có quốc tịch. Hiện tỷ phú người Nga sở hữu các dinh thự ở Tel Aviv và thành phố biển Herzliya, xếp ông vào danh sách một trong những người giàu nhất Israel.

Trái với những khu vực khác, các khoản chi tiêu tại Israel giúp ông trở nên đặc biệt. Ông đã quyên góp 30 triệu USD cho Đại học Tel Aviv vào năm 2015, và kể từ đó đã tặng hàng chục triệu USD cho Trung tâm Y tế Sheba gần thành phố.

Ông cũng quyên góp hơn 100 triệu USD cho một tổ chức tái định cư của Israel. Một cuộc điều tra vào năm ngoái của BBC News cho thấy các công ty do ông Abramovich kiểm soát đã đưa số tiền đó cho City of David Foundation, tổ chức mua tài sản của người Palestine.

Tháng 11/2021, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã bay đến London để khai mạc triển lãm Holocaust, nơi mà ông Abramovich đã tài trợ. Tổng thống Israel đã gọi tỷ phú người Nga là “một tấm gương sáng”.

Khi những bài báo gần đây đưa tin về việc nhiều bên kêu gọi Mỹ không áp lệnh trừng phạt với ông Abramovich, Dani Dayan, hủ tịch đài tưởng niệm Yad Vashem Holocaust và một cựu quan chức ngoại giao Israel cũng đồng tình với điều này.

“Tôi không thấy có lý do gì để từ chối một món quà của một người Do Thái, một công dân Israel, một người mà trong suốt thập kỷ qua đã đưa ra cam kết vì những mục đích rất chính đáng anh nói. Tôi không biết về bất kỳ hành vi sai trái nào của ông Abramovich”, ông Dayan.

Dù vậy, sau khi Anh áp đặt các lệnh trừng phạt, đài tưởng niệm Holocaust của Israel cho biết đang tạm đình chỉ mối quan hệ với ông Abramovich. Một phát ngôn viên đã từ chối trả lời liệu đài tưởng niệm này có tiếp tục nhận được bất kỳ khoản cam kết trị giá hàng triệu USD nào từ cựu chủ tịch Chelsea hay không.

 

Doanh Chính

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.