|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tỷ giá USD/VND trên vùng đỉnh lịch sử, doanh nghiệp nào được hưởng lợi?

17:25 | 05/10/2023
Chia sẻ
Tỷ giá USD/VND gia tăng thời gian qua sẽ tác động tiêu cực tới nhóm có nợ vay bằng USD và nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD. Trong khi những ngành xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá như nhóm hàng dệt may, thủy sản, giày dép, nông sản, cao su và gỗ.

Chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo phân tích tác động tỷ giá tăng đối với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn.

Tính từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 4 lần tăng lãi suất và 2 lần giữ nguyên, mỗi lần tăng 25 điểm cơ bản. 

Chênh lệch giữa chính sách giảm lãi suất của Việt Nam, và duy trì lãi suất cao của FED đã tạo ra một khoảng cách nhất định, khiến tỷ giá gia tăng. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc tiếp tục giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Ngày 5/10, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD là 1 USD = 24.084 đồng, đang quanh mức đỉnh cao nhất lịch sử.

 

Mirae Asset lấy mốc tỷ giá bán USD tại Ngân hàng Vietcombank đạt 24.540 đồng tại ngày 26/9, tăng 3,3% so với 30/6. Với mức tăng này, nhóm phân tích đã ước tính mức độ tác động lên lợi nhuận trước thuế của các nhóm ngành.

Đối với các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Điều này kéo theo sự thay đổi làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp vay USD. Tuy nhiên, tùy vào doanh nghiệp cụ thể nếu phát sinh doanh thu từ USD, hoặc hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác từ đó đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.

Những doanh nghiệp lợi nhuận trước thuế năm 2022 âm, các nhà phân tích sẽ không ước tính tác động làm giảm lợi nhuận. (Nguồn: Mirae Asset).

Đối với những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, nhóm này sẽ hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá khi USD/VND tăng. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm: hàng dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ. 

Cụ thể với ngành dệt may (như các công ty như Gilimex, Dệt may Thành Thành Công, TNG, …) nhìn chung dưới áp lực của tỷ giá sẽ nhận tác động 2 chiều, bởi phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau đó gia công xuất khẩu. Vì vậy, biến động tỷ giá sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh doanh.

Ngành công nghệ (như FPT, CMG, …) hưởng lợi từ hoạt động gia công và xuất khẩu phần mềm. Đối với FPT doanh nghiệp hưởng lợi chênh lệch tỷ giá từ xuất khẩu nhưng FPT có khoảng 381 triệu USD nợ vay, điều này sẽ làm giảm phần lãi chênh lệch tỷ giá từ hoạt động xuất khẩu.

Ngành thủy sản (Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Minh Phú, IDI, Sao Ta,…) hưởng lợi khi nhóm này phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn.

Ngành cao su (Cao su Đồng Phú, Cao su Phước Hòa,…) thường nợ vay bằng USD không đáng kể và là những doanh nghiệp cao su xuất khẩu ròng, do đó hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng.

Ngành thực phẩm (Lộc Trời, Trung An, PAN Group, …) là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, có thể hưởng lợi chênh lệch tỷ giá khi USD/VND tăng.

Nguồn: Mirae Asset.

Theo phân tích, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD sẽ gặp khó khăn khi USD tăng giá, đồng thời giá cả của các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tăng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhập khẩu.

 Nguồn: Mirae Asset.

Minh Hằng