Biến động tỷ giá tác động tới doanh nghiệp nào?
Ông Lê Tiến Trường, đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho hay, sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như sự ảm đạm của thị trưởng chung toàn cầu, xu hướng chuyển dịch đơn hàng (đặc biệt là những đơn hàng nhỏ) sang các nước có lợi thế về mặt địa lý. Nhưng trước hết phải nói đến yếu tố tỷ giá ngoại tệ tăng cao đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng.
Xét trên lợi thế cạnh tranh tương đối, Việt Nam đang có nhiều hạn chế hơn so với các quốc gia xuất khẩu khác; đồng tiền Việt Nam ổn định, gần như không giảm giá so với đồng USD. Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu. Đơn cử trong những tháng đầu năm nay, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 4,9%, xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua, đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá 31%, đồng Rupee Pakistan mất giá 21,2%, đồng Bảng Ai Cập mất giá 19,9%, đồng Taka Bangladesh mất giá 5,9%...
Trong ngành hàng hoa quả nhập khẩu, bà Trần Thị Huyền Trang, Giám đốc điều hành, Công ty TNHH MTV Green (Hồng Hà, Hà Nội) cho biết, mặc dù giá ngoại tệ tăng cao nhưng vì sản phẩm đặc thù là trái cây mùa vụ nên doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu đều mới có hàng để bán. Dịp này là giai đoạn cận Tết diễn ra nhiều sự kiện nên nhu cầu lớn, thị trường hoạt động vẫn rất sôi nổi. Đang sắp tới vụ táo Mỹ, doanh nghiệp chắc chắn cần phải nhập hàng số lượng rất lớn vì mong muốn bán phủ khắp thị trường.
Cũng may mắn là nhập hàng chính ngạch nên mọi giao dịch đều phải qua hệ thống ngân hàng nên biến động tỷ giá không giao động quá nhiều như thị trường chợ đen, bà Trang chia sẻ. Độ vênh của tỷ giá đồng ngoại tệ chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận bị giảm sút. Hiện tại giá cước tải đã ổn định hơn nên doanh nghiệp cũng vợi bớt nỗi lo lắng.
Ở góc độ chuyên gia, Ts. Trương Văn Phước, Thành viên Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, phân tích, tỷ giá hối đoái và các yếu tố tác động tới tỷ giá đều đang theo hướng có lợi cho đồng tiền Việt Nam. So sánh tương quan giữa lạm phát tại Việt Nam và nhiều nền kinh tế lớn thì lạm phát của Việt Nam không hề cao, mặt bằng lãi suất của nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn đang ở mức cao hơn.
Cả hai yếu tố này là cơ sở cơ bản cho mục tiêu ổn định tỷ giá trong năm 2023. Điểm quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước cần phải định hướng được thị trường về mục tiêu và khả năng thực hiện mục tiêu này, được thể hiện thông qua các cam kết và thực tiễn điều hành chính sách. Ngoài hai yếu tố kể trên, tỷ giá USD/VND còn được hỗ trợ vững chắc của cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh thặng dư xuất khẩu hàng hóa, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang phục hồi và lượng lớn kiều hối chuyển về hàng năm là các yếu tố tích cực giúp tỷ giá chỉ biến động trong phạm vi không quá lớn. Hơn nữa, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn đã hạ nhiệt đáng kể so với giai đoạn cao điểm hồi năm 2022 nên nhiều khả năng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước này sẽ không thắt chặt mạnh như trước mà thậm chí phải tính tới khả năng điều chỉnh để phòng ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế.
Cùng với đó, năng lực dự báo các yếu tố bên trong và bên ngoài, cách thức chuẩn bị và thực thi các phương án ứng phó với các biến động từ bên ngoài đóng vai trò quyết định đối với khả năng quản lý tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Phước, duy trì sự ổn định hệ thống tài chính và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nhờ vào điều hành linh hoạt và hiệu quả các chính sách tiền tệ tài khóa cũng sẽ tạo điều kiện để đồng nội tệ không bị giảm giá quá nhiều và điều đó về lâu dài sẽ có lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế.