|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá tăng nóng do đâu?

16:32 | 05/03/2024
Chia sẻ
USD Index (DXY) tăng nóng khi thị trường thay đổi kỳ vọng về lộ trình cắt lãi suất Fed cùng với việc các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu đã khiến tỷ giá có xu hướng tăng nhanh.

Theo báo cáo Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán mà Công ty Chứng khoán Mirae Asset vừa công bố, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do ghi nhận mức tăng đáng kể. Hiện VND đã mất giá 1,56% so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, tỷ giá bán USD niêm yết tại Vietcombank ghi nhận mức mất giá 0,91% so với đầu năm và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở hai tuần gần nhất.

Diễn biến của hai tháng đầu năm có phần khác với diễn biến thường thấy tại hai năm trước đó khi quý 1 thường là thời điểm thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước có thể tích cực gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối thông qua các nguồn vốn ngoại tệ chảy vào Việt Nam như kiều hối, thặng dư thương mại và FDI.

Nguyên nhân khiến áp lực tỷ giá gia tăng

Các chuyên gia từ Mirae Asset đánh giá áp lực tỷ giá tiếp tục kéo dài khi thị trường thay đổi kỳ vọng về lộ trình cắt lãi suất đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kể từ khi Fed đưa ra biên bản cuộc họp tháng 1, giới phân tích đã giảm kỳ vọng về số lần cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm nay.

 Fed được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, sớm nhất từ tháng 6. (Nguồn: Mirae Asset).

Từ việc kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất 5 - 6 đến nay giới phân tích nhận định Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất ba lần, tương ứng với 75 điểm cơ bản bắt đầu từ tháng 6.

Các chỉ số đo lường lạm phát như CPI và PCE đều cho thấy mục tiêu đưa lạm phát Mỹ về 2% không hề dễ dàng. Trong đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của tháng 1 ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2023 sau khi tăng trưởng 0,3% so với tháng trước và 2,4% so với cùng kỳ.

Điều này lý giải đà tăng của USD trong tháng 2/2024. So với tháng trước USD đã tăng 0,85% và tăng tới 2,8% so với đầu năm. USD tăng cao kết hợp với việc thay đổi kỳ vọng về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất của Fed đã giúp lợi suất trái phiếu chính phủ tại Mỹ đều bật tăng trong tháng 2 và dần tiệm cận vùng đỉnh lãi suất xác lập vào tháng 10/ 2023.

Qua đó, tiếp tục gia tăng sức ép đối với VND trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa VND và USD luôn duy trì ở mức âm trong hơn 6 tháng qua ở mọi kỳ hạn từ qua đêm đến một năm.

 DXY tăng nhanh khiến VND mất giá. (Nguồn: Mirae Asset).

Một nguyên nhân nữa khiến tỷ giá tăng nóng là việc các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu. Theo PGS TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, khi đơn hàng quốc tế bắt đầu tăng trở lại, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng đột biến ở một số thời điểm. Điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn.

PGS TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: VNB).

Cán cân thanh toán sẽ theo đường cong chữ J khi kinh tế bắt đầu hồi phục mạnh, tức ban đầu sẽ thâm hụt ngắn hạn và sau đó mới thặng dư do nhu cầu nhập khẩu đột biến để phục vụ sản xuất trong nước, trong khi xuất khẩu cần một thời gian sau mới tăng tương ứng.

Đồng thời, dòng vốn FDI và FII cũng sẽ không thể bùng nổ trong ngắn hạn do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ không lớn cũng như để triển khai đầu tư FDI mất khá nhiều thời gian làm thủ tục.

Dù Ngân hàng Nhà nước sẽ vất vả đôi chút trong việc ổn định tỷ giá song TS. Huân đánh giá nhập khẩu gia tăng, kể cả nhập siêu là một tín hiệu tích cực trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng nhanh trong một thời gian ngắn cũng gây ra áp lực lên tỷ giá, điều này được thể hiện ở đầu năm nay khi tỷ giá tăng nóng.

Hạ An