|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá tăng đầu tháng 10 không đáng ngại, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản trong quý IV

13:00 | 10/10/2024
Chia sẻ
Tỷ giá đã nhích tăng trong những ngày đầu tháng 10 khi USD mạnh lên và yen Nhật suy yếu. Tuy nhiên, VDSC cho rằng xu hướng này không quá đáng ngại vì về lâu dài, Fed vẫn sẽ phải hạ lãi suất, còn BOJ phải tiếp tục thắt chặt.

Xu hướng tăng tỷ giá không đáng ngại

Trong báo cáo vĩ mô tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng xu hướng tăng của tỷ giá trong khoảng một tuần gần đây không quá quan ngại. 

Sau khi chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng vào giữa tháng 9, tỷ giá USD/VND trên thị trường quốc tế bắt đầu nhích tăng nhẹ, lên 24.852 vào ngày 10/10, tương ứng mức tăng 2,44% kể từ đầu năm. Vào ngày 16/9, tỷ giá từng giảm xuống 24.530, tương ứng mức tăng chỉ 1,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so với mốc cuối quý II/2024, tỷ giá hiện nay đã hạ nhiệt khoảng 2,3%. 

Theo dữ liệu từ WiChart, tỷ giá bán ra tại ngân hàng Vietcombank ngày 10/10 đã nhích lên 25.030 VND/USD, cao nhất kể từ đầu tháng 9. Trước đó, tỷ giá bán ra tại ngân hàng từng có lúc tụt xuống còn 24.720 VND/USD vào giữa tháng 9. Tương tự, trên thị trường chợ đen, tỷ giá bán ra cũng ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 9, vượt trên 25.300 VND/USD. 

Tỷ giá đã có xu hướng nhích tăng vào những ngày đầu tháng 10. (Ảnh: WiChart).

Theo VDSC, việc thị trường đón nhận những dữ liệu tích cực hơn so với kỳ vọng của nền kinh tế Mỹ, kết hợp với tuyên bố của tân Thủ tướng Nhật Bản về việc nền kinh tế chưa sẵn sàng cho việc tiếp tục nâng lãi suất đã tạo cú hích cho sự phục hồi của đồng USD trong những ngày đầu tháng 10. 

Cụ thể, báo cáo việc làm tháng 9 của Mỹ mạnh hơn đáng kể so với kỳ vọng, đã khiến thị trường giảm kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất mạnh tay trong ngắn hạn. 

Đồng thời, tân Thủ tướng Ishiba Shigeru cũng khiến thị trường bất ngờ khi tuyên bố Nhật Bản chưa sẵn sàng cho lãi suất cao hơn, đồng thời chỉ đạo nội các xây dựng các gói kích thích tài khóa mới. Những tuyên bố này đã khiến đồng yen yếu đi đáng kể trong giai đoạn gần đây. 

Các chuyên viên phân tích đánh giá xu hướng mạnh lên của USD và yếu đi của yen Nhật cũng kéo theo VND mất giá trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi của USD vẫn còn bấp bênh khi xét về mặt chính sách, kỳ vọng về việc Fed tiếp tục giữ nguyên lộ trình cắt giảm lãi suất và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục tăng lãi suất có thể chỉ là vấn đề thời gian.

“Vì vậy, chúng tôi cho rằng biến động tỷ giá trong thời gian tới là không đáng quan ngại”, VDSC nhận định.

NHNN có thể tiếp tục hỗ trợ thanh khoản trong quý IV/2024

VDSC đánh giá trong quý III/2024, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tương đối thuận lợi do áp lực tỷ giá giảm. Nhà điều hành đã có dư địa để giảm lãi suất trên thị trường mở và hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Trong quý III, NHNN bơm ròng qua thị trường mở liên tiếp ba tháng với tổng quy mô khoảng 165.000 tỷ đồng. Từ đầu tháng 9/2024, khi có tín hiệu rõ ràng hơn về việc cắt giảm lãi suất của Fed và tỷ giá hạ nhiệt, NHNN đã dừng phát hành tín phiếu và giảm 50 điểm cơ bản (bps) đối với lãi suất cho vay ở kênh cầm cố.

Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh cuối quý do áp lực tăng trưởng tín dụng nhưng đã ổn định trở lại về dưới 4% trong những ngày đầu tháng 10.

Tăng trưởng tín dụng vào cuối quý III cao hơn đáng kể so với cùng kỳ. 

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9/2024 ước đạt 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ, vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm (15%). VDSC đánh giá với việc áp lực tỷ giá không lớn, NHNN có thể tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống (nếu cần) trong quý IV/2024.

Minh Quang