|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá, lãi suất sẽ biến động ra sao sau khi Fed và NHNN cắt giảm lãi suất?

15:48 | 17/03/2020
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, sau động thái cắt giảm lãi suất điều hành của Fed và NHNN, mặt bằng lãi suất trong nước sẽ có xu hướng giảm xuống nhưng mức độ giảm sẽ không lớn. Đồng thời áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng sẽ giảm bớt sau động thái bơm thanh khoản mạnh mẽ của Fed.
Tỷ giá và lãi suất sẽ diễn biến như thế nào sau động thái của Fed và NHNN - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: VnEconomy).

Sau Fed, Việt Nam chính thức cắt giảm lãi suất điều hành

Tại cuộc họp bất thường diễn ra vào ngày 15/3, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ thông báo giảm mạnh lãi suất điều hành xuống mức 0 - 0,25%, đồng thời, sẽ triển khai chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ trị giá 700 tỉ USD trong những tuần tới.

Ngoài ra, NHTW Mỹ cũng hạ lãi suất cho vay tái chiết khấu 1,25 điểm % xuống còn 0,25% và hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc về 0% (hiệu lực từ 26/3/2020); khởi động kế hoạch hoán đổi tiền tệ (SWAP) đối với các NHTW Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu và Thụy Sỹ.

Việc Fed công bố một loạt biện pháp mạnh tay như trên trong cùng một ngày là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hơn 100 năm của ngân hàng trung ương này, theo CNBC. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các biện pháp kể trên cũng chỉ được thực hiện dần trong vòng vài tháng chứ không phải trong một ngày.

Sau động thái chính sách quyết liệt của Fed, trong thông báo phát đi vào chiều muộn ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cắt giảm các loại lãi suất điều hành từ 0,5 - 1 điểm % và giảm trần lãi suất tiền gửi các kì hạn ngắn từ ngày 17/3.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%; lãi suất OMO giảm từ 4% xuống 3,5%; trần lãi suất tiền gửi kì hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%;...

Theo NHNN, động thái cắt giảm các loại lãi suất điều hành trên là để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều Chính phủ và ngân hàng trung ương giảm trên thế giới đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế.

Mặt bằng lãi suất có thể giảm trong thời gian tới

Tỷ giá và lãi suất sẽ diễn biến như thế nào sau động thái của Fed và NHNN - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành có thể giúp kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng (thị trường 2) và hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhưng sẽ không tác động nhiều tới mặt bằng lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư (thị trường 1) do tính tương quan giữa hai thị trường này là không cao.

TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 có thể giảm nhưng chủ yếu do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế suy yếu và mức độ giảm sẽ là không lớn trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng đi lên.

Cùng chung quan điểm đó, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng cho rằng việc NHNN dùng công cụ hạ lãi suất trong thời gian tới sẽ không hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn như hiện nay, cái mà người dân và doanh nghiệp đang cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ.

Tỷ giá và lãi suất sẽ diễn biến như thế nào sau động thái của Fed và NHNN - Ảnh 3.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Vì vậy, các cơ quan quản lí của Việt Nam nên khẩn trương thực hiện các nhóm giải pháp tại Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, doanh nghiệp (như miễn giảm phí/thuế, giãn, hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công…).


Cùng với đó, ông Lực cho rằng dư địa giảm lãi suất của Việt Nam hiện nay khá eo hẹp do áp lực lạm phát vẫn rất lớn.

Chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91% so với cùng kì năm trước, mức cao nhất trong 7 năm (cách xa mục tiêu 4%) trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,1% so với cùng kì năm 2019 (cách khá xa mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%).

Ngoài ra, việc giảm lãi suất hiện nay cũng sẽ không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay mới khi mà khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,1% trong khi cùng kì năm trước tăng 0,85%, theo NHNN. 

Áp lực tỷ giá đang giảm xuống

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, sau khi Fed cắt giảm lãi suất, tỷ giá USD/VND trong năm 2020 sẽ vẫn ổn định cho dù các đồng tiền trên thế giới có thể dao động mạnh. Nguyên nhân bởi các yếu tố về cung - cầu ngoại tệ nhiều khả năng sẽ không gặp bất lợi khi cán cân thương mại hiện vẫn diễn biến tích cực.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, lũy kế trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 1,8 tỉ USD, cao hơn 1,6 tỉ USD so với cùng kì năm trước.

Mặc dù xuất khẩu tăng chậm lại do dịch COVID-19 cũng như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhưng nhu cầu nhập khẩu cũng tăng trưởng chậm lại tương ứng với xuất khẩu. Các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, FDI trong năm nay có thể không tăng như năm 2019, nhưng khả năng vẫn ổn định.

Ngoài ra, việc Fed hạ lãi suất, bơm tiền vào nền kinh tế có thể khiến các dòng vốn đầu tư gián tiếp dồi dào hơn trong thời gian tới cũng là một yếu tố hỗ trợ cho tiền đồng.

Cũng theo vị chuyên gia này, do Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước cần theo dõi về chính sách tiền tệ và ngoại hối của Bộ Tài chính Mỹ nên NHNN sẽ rất thận trọng trong việc sử dụng chính sách tỷ giá để hỗ trợ nền kinh tế.

Nhận định về diễn biến tỷ giá trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng động thái của Fed sẽ tác động không đáng kể đến tỷ giá USD/VND. Động thái chính sách mới nhất của NHTW Mỹ cho thấy nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn khó khăn cùng với lãi suất USD giảm sẽ làm giảm độ hấp dẫn của đồng USD, khiến đồng USD giảm giá.

Do đó, áp lực đối với tỷ giá USD/VND dự báo sẽ giảm hơn so với trước, nhưng yếu tố tâm lí có thể làm tăng áp lực tỷ giá. Tựu chung lại, nhóm chuyên gia cho rằng động thái này của Fed sẽ có tác động không đáng kể đến tỷ giá USD/VND.

Quốc Thụy

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.