|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá không còn áp lực lớn trong năm 2019

07:44 | 19/04/2019
Chia sẻ
Trước động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất, thị trường tài chính - tiền tệ trong nước sẽ không chịu tác động nào quá đột biến trong năm 2019.

Tỷ giá không còn áp lực lớn trong năm 2019 - Ảnh 1.

Diễn biến tỷ giá USD/VND tại một số thời điểm.

Không còn áp lực từ Fed

Trong cuộc họp tháng 3/2019, Fed đã quyết định hạn chế việc tăng lãi suất USD. Điều này làm cho Chỉ số USD thời gian qua giảm 1,5% và có thể sẽ còn giảm tiếp.

Thực tế, tỷ giá USD/VND tăng thời gian qua là do lãi suất cơ bản USD có 4 lần tăng trong năm 2018 (hiện ở mức 2,25 - 2,5%) và nhiều đồng tiền chủ chốt nằm trong rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm mất giá 3 - 10% so với USD. Chính điều này làm cho tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và tự do đều tăng.

Kiều hối năm 2018 đạt mức kỷ lục 16 tỷ USD, cán cân thương mại cũng thặng dư kỷ lục 6,8% tỷ USD, vốn FDI giải ngân đạt tới 19,1 tỷ USD, làm cho thanh khoản USD trên thị trường ổn định và tỷ giá USD/VND khó tăng cao.

Theo nhiều dự báo, tỷ giá ngoại tệ năm nay sẽ ổn định, bởi kiều hối chuyển về Việt Nam, thặng dư thương mại của Việt Nam và giải ngân vốn FDI đều tăng…, hỗ trợ tích cực cho tỷ giá.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tỷ giá năm 2019 sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành động của Fed và quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Có thể sau thời hạn trì hoãn áp thuế 90 ngày kể từ cuối năm 2018, xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể lại gia tăng. Nếu điều đó xảy ra sẽ tác động tiêu cực đến tỷ giá USD/VND. Bởi khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng lên, Trung Quốc không thể dùng đòn thương mại với Mỹ, mà sẽ phải sử dụng chính sách tiền tệ.

Trong 3 tháng qua, nhân dân tệ mất giá gần 10%, đi kèm với đó là một loạt đồng ngoại tệ khác trong rổ tiền tệ, như AUD, EUR, CAD, đã mất giá 3 - 7%. Tỷ giá USD/VND được dự báo chỉ tăng 1,5 - 2% năm nay.

Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm

Cùng với việc kiểm soát tỷ giá, giữ tỷ giá linh hoạt và ổn định trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chủ trương duy trì lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức 0%/năm.

Theo lãnh đạo NHNN, từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi bằng USD về 0%/năm, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. Hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước. Trong quý I năm nay, tỷ giá USD/VND được giữ ổn định.

Trước đó, thông tin từ Chính phủ cho biết, trước kỳ nghỉ Tết 2019, nhà điều hành chính sách tiền tệ đã mua vào khoảng 4 tỷ USD, nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lên khoảng 63 tỷ USD. Từ sau nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, ước tính, NHNN tiếp tục mua ròng thêm khoảng 2,5 tỷ USD, nâng kỷ lục dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức mới. Ước tính, quy mô dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng khoảng gấp đôi trong 3 năm qua.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, để thu hút được nguồn lực vào sản xuất - kinh doanh, thì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VND đóng vai trò then chốt. Khi VND có giá trị ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, thì các nhu cầu tích trữ dự phòng tài sản bằng ngoại tệ, vàng sẽ giảm và nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên. Chính vì vậy, NHNN đã và đang điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao vị thế VND, củng cố niềm tin của người dân vào VND.

Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai các giải pháp để thu hút các nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, thể hiện qua chính sách quản lý hoạt động đại lý đổi ngoại tệ và chính sách mua - bán ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng được phép với cá nhân để vừa đảm bảo mục tiêu thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, vừa đảm bảo mục tiêu quản lý thống nhất, chính sách quản lý ngoại hối đối với hoạt động đổi ngoại tệ quy định các tổ chức kinh tế để được làm đại lý đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép phải đáp ứng các điều kiện rất chặt chẽ theo quy định, nhằm đảm bảo hoạt động đổi ngoại tệ được thực hiện hiệu quả, đúng pháp luật; tạo thuận lợi cho cá nhân là công dân Việt Nam mua ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài đối với các mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.

Thùy Vinh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.