|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tỷ giá “dậy sóng”, nhiều doanh nghiệp bị tác động

14:05 | 23/11/2016
Chia sẻ
Tỷ giá USD/VND khá ổn định trong nhiều tháng qua nhưng gần đây bỗng tăng vọt từ 22.300 VND/USD lên 22.520 VND/USD. Diễn biến này đang tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng USD.

Doanh nghiệp vay USD: nguy cơ lỗ chênh lệch tỷ giá

Mỗi khi tỷ giá tăng, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) lại được nhắc tới vì PVT có những những khoản vay bằng USD khá lớn trong quá khứ. Tuy nhiên, khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT cho biết, biến động tỷ giá USD/VND có ảnh hưởng đến PVT, nhưng mức độ không lớn do Tổng công ty đã có nhiều giải pháp nhằm giảm dư nợ ngoại tệ trong những năm qua.

Cụ thể, từ mức dự nợ 250 triệu USD năm 2011 - 2012 đến nay chỉ còn khoảng 80 triệu USD. Ngoài ra, PVT đã dự phòng biến động 3% tỷ giá cho năm 2016 nên từ nay đến cuối năm, tỷ giá biến động thêm 2% cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soát.

Hiện PVT đang có 7 tàu hoạt động quốc tế và có nguồn thu ngoại tệ. Bên cạnh đó, một số hợp đồng trong nước được ký trên cơ sở tham chiếu USD nên PVT có đủ nguồn ngoại tệ để trả nợ gốc và lãi vay. Dòng tiền trả nợ là cân bằng.

Nhìn nhận về xu hướng tỷ giá sắp tới, lãnh đạo PVT cho rằng, tỷ giá nói chung sẽ biến động theo chiều hướng đi lên và tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm, trong năm 2017 có thể tăng 3%, thậm chí lên đến 5%.

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển khác như CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA), CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco (VTO) đều có các khoản vay bằng USD để đầu tư đội tàu. Hiện tại, hầu hết công ty vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân đang ở mức khá cao. Do đó, việc VND mất giá so với USD khiến các doanh nghiệp đang chịu áp lực lỗ chênh lệch tỷ giá, khiến bức tranh chung của ngành vận tải biển vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trong các ngành, lĩnh vực khác, những doanh nghiệp có dư nợ USD cao như CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), dự báo kết quả kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng khi tỷ giá USD/VND tăng.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) chia sẻ, Công ty đang có nợ vay bằng USD rất lớn, việc VND giảm giá so với USD có thể khiến Công ty tiếp tục hạch toán lỗ tỷ giá trong năm 2016.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của lỗ tỷ giá tới DCM không tiêu cực như nhiều doanh nghiệp khác.

Theo báo cáo phân tích cổ phiếu DCM của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khi tiến hành bán cổ phần DCM lần đầu ra công chúng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cam kết đảm bảo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DCM đạt tỷ lệ bình quân 12% trong giai đoạn 2015 - 2018. Đến cuối năm, PVN sẽ tính toán lại giá khí đầu vào của DCM để đảm bảo mức lợi nhuận này, nên dù chi phí lỗ tỷ giá của DCM có ở mức cao cũng sẽ được bù đắp bởi giá khí đầu vào thấp vào cuối năm.

Được biết, 9 tháng đầu năm 2016, DCM đã sản xuất, tiêu thụ trên 570.000 tấn phân đạm, doanh thu đạt gần 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 400 tỷ đồng.

ty gia day song nhieu doanh nghiep bi tac dong

Xuất khẩu lợi, nhập khẩu thiệt

Tỷ giá USD/VND tăng có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vì giá hàng hóa quy ra USD rẻ hơn trước, giúp tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì phải quy đổi từ VND sang USD để thanh toán, với giá trị thấp hơn. Những doanh nghiệp mà nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ gặp bất lợi khi USD tăng giá.

Với các doanh nghiệp dệt may, vừa có hoạt động xuất khẩu thành phẩm, vừa có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, mức độ tác động từ tỷ giá biến động như thế nào?

Đại diện CTCP Đầu tư Thương mại TNG cho biết, với các doanh nghiệp dệt may, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá không nhiều. Lý do là doanh nghiệp ký hợp đồng theo USD, tức là nhập nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm đều có đơn giá tính theo ngoại tệ này. Vì thế, khi tỷ giá bị điều chỉnh, hầu như doanh nghiệp ít chịu tác động.

Có một tỷ trọng nhỏ khoản vay tạm ứng lương, doanh nghiệp vay hoán đổi USD và tiền đồng với lãi suất thấp, đều đã được doanh nghiệp đưa vào dự toán từ đầu năm. Do đó, theo vị đại diện này, hầu như doanh nghiệp ít chịu tác động từ tỷ giá.

ty gia day song nhieu doanh nghiep bi tac dong

Những doanh nghiệp xuất khẩu lớn thu về ngoại tệ, trong khi nguồn nguyên liệu thu mua bằng VND, ngỡ rằng sẽ được hưởng lợi khi USD tăng giá. Tuy nhiên, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản lớn cho biết, mỗi đợt biến động về tỷ giá, doanh nghiệp chịu không ít vất vả.

Lý do là VND thường mất giá thấp hơn các đồng tiền khác trong khu vực, do đó hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Để duy trì hợp đồng, doanh nghiệp Việt thường phải giảm biên lợi nhuận, hoặc do hàng hóa đắt đỏ hơn, nhu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu giảm, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp thường giảm theo.

Bên cạnh áp lực tỷ giá, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với động thái giảm dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại. Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ, các ngân hàng thường quy định, nếu muốn vay vốn bằng ngoại tệ, doanh nghiệp phải thông báo kế hoạch vay và khoản vay trước ít nhất 1 tháng, thậm chí lâu hơn.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không chủ động được thời điểm nhập khẩu hàng nên yêu cầu của trên của các ngân hàng trở thành một điều khoản khó khăn. Nếu chấp nhận yêu cầu của ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro trong việc thanh toán trong bối cảnh tỷ giá diễn biến khó lường. Chưa kể, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với khách hàng theo năm, nên giá đầu ra không thay đổi được, trong khi giá nguyên liệu đầu vào (nhập khẩu) tăng.

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động khó lường hiện nay, việc dự đoán biến động tỷ giá để lựa chọn đồng tiền thanh toán, giao dịch là rất khó với các doanh nghiệp. Biện pháp nào giúp các doanh nghiệp phòng ngừa khi tỷ giá biến động?

Theo ông Việt Anh, các doanh nghiệp, trong đó có PVT, cần có nhiều giải pháp để phòng ngừa và giảm thiểu tác động bất lợi từ sự biến động của tỷ giá. Chẳng hạn, chuyển các hợp đồng vay ngoại tệ sang hợp đồng vay VND (khi lãi suất vay đang thấp), mua các sản phẩm phái sinh để cố định tỷ giá, cân đối các nguồn thu ngoại tệ để đảm bảo dòng tiền trả nợ trong kỳ…

Thị trường ngoại hối có biến động?

Sau một thời gian dài duy trì khá ổn định và ít biến động, kể từ giữa tháng 8, tỷ giá trung tâm thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng, tính đến nay, tỷ giá VND/USD tăng xấp xỉ 1% so với đầu năm. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do cũng tăng.

Cuối tháng 10, trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra, tỷ giá USD/VND kỳ hạn 1 tháng ở mức 22.700; 3 tháng ở mức 23.050; 6 tháng ở mức 23.500; 12 tháng ở mức 24.250. Mức tỷ giá tương lai này cho thấy, thị trường đã dự báo trước xu hướng tỷ giá còn tăng.

Trước đó, giới doanh nghiệp ghi nhận một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá so với USD, đặc biệt là Nhân dân tệ (CNY) và Bảng Anh (GBP). GBP có thời điểm lập đáy thấp nhất trong vòng 31 năm so với USD, ở mức 1,21 USD/GBP. Nhân dân tệ liên tục giảm giảm giá và lập đáy trong vòng 6 năm vào ngày 25/10, ở mức 6,78 CNY/USD, giảm 4,47% so với đầu năm.

Bên cạnh đó là động thái đón trước nhu cầu ngoại tệ có thể tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán cuối năm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 12. Cụ thể, cầu ngoại tệ có dấu hiệu nóng hơn, thể hiện qua kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước và bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 9; tín dụng ngoại tệ đang tăng lên rõ rệt, tính đến cuối quý III tăng 5,44% so với cuối năm 2015.

Mặc dù thị trường chịu những tác động như vậy, nhưng với nguồn ngoại tệ hiện đang khá dồi dào (cán cân thương mại thặng dư, FDI tăng khá), trong khi nhiều nước tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ, cũng như định hướng thận trọng trong các chính sách của Fed, thị trường ngoại hối được nhận định không có biến động lớn từ nay cho đến cuối năm.

Hải Vân - Thủy Nguyễn