Tương lai rộng mở của gạo Japonica tại Cambodia
Ảnh: Khmer Times.
Tuần vừa qua, ông Veng Sakhon, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Campuchia cho biết đã hoàn thành các đợt thử nghiệm trên gạo Japonica, kết quả mang lại rất khả quan. Những thử nghiệm này được thực hiện tại tỉnh Kampong Thom và năng suất của gạo Japonica thu được cao gấp đôi so với các giống khác đang trồng tại Cambodia.
Một hecta đất trồng gạo Japonica có thể mang lại sản lượng lên đến 6,5 tấn, ông Sakhon chia sẻ trong một thông cáo trên trang Facebook của Bộ. Trung bình, một hecta đất gieo trồng tại Cambodia mang lại 3,5 tấn gạo.
Trong chuyến thăm các cánh đồng lúa tại tỉnh Kampong Thom cuối tuần qua, ông Sakhon đã yêu cầu các quan chức Bộ nông nghiệp quảng bá giống lúa đến nông dân. Ông cho rằng điều này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Huang Ming An, một nhà nghiên cứu về gạo Japonica tại phòng thí nghiệm Jiangsu Long An Agriculture, nói với Khmer Times rằng phòng thí nghiệm hiện đang trồng hạt giống trên 8 hecta ở tỉnh Kampong Thong. Đây cũng là một phần của chương trình thí điểm.
Jiangsu Long An Agriculture đang đàm phán hợp đồng trồng trọt với các hợp tác xã địa phương với kế hoạch mở rộng cánh đồng Japonica lên 300 hecta, theo ông Huang.
Các cuộc thử nghiệm trên gạo Japonica về khả năng thích ứng với đất Cambodia đã được tiến hành tại một vài tỉnh ở Cambodia từ năm 2017, ngay sau khi Bộ kí thỏa thuận với hai phòng thí nghiệm Trung Quốc là Trung tâm nghiên cứu gạo lai giống Hồ Nam (Hunan Hybrid Rice Research Centre) và Jiangsu Long An Agriculture vào tháng 1 để cùng nghiên cứu về hạt giống.
Gạo Japonica sẽ được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, đang là thị trường gạo lớn nhất của Cambodia.
Song Saran, CEO của Amru Rive, cho biết gạo Japonica có tiềm năng lớn nhưng Cambodia vẫn chưa sẵn sàng trồng nó cho mục đích thương mại.
"Sau nhiều lần thử nghiệm, chúng tôi đi đến kết luận rằng gạo Japonica có thể phát triển tốt tại Cambodia với năng suất rất cao", ông nói.
"Tuy nhiên, giống này cần rất nhiều nước nên chúng tôi đang nghiên cứu cách làm giảm lượng nước cần thiết", ông Saran cho biết.
Gạo Japonica có thể bán tốt ở Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kì và một số nước ở Liên minh Châu Âu (EU).
"Hiện tại, trồng gạo Japonica vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Chúng tôi cần ít nhất 3 - 4 năm để hiểu rõ hơn về cây trồng và bước vào giai đoạn thương mại", ông Saran cho biết.
Năm ngoái, Cambodia xuất khẩu 626.225 tấn gạo, giảm 1,5% so với năm 2017.
Các doanh nghiệp địa phương xuất khẩu chủ yếu ba loại gạo gồm gạo thơm (493.597 tấn hay 78,8 % tổng lượng gạo xuất khẩu), gạo trắng hạt dài (105.990 tấn hay 16,9%) và gạo đồ hạt dài (26.638 tấn hay 4,2%).
Thị trường lớn nhất kế tiếp của gạo Cambodia là EU. Khối liên minh đã nhập khẩu gần 270.00 tấn, tương đương 42,9% tổng lượng xuất khẩu.
Xét theo từng quốc gia, quốc gia nhập khẩu nhiều nhất là Trung Quốc (170.000 tấn), kế đến là Pháp (90.000 tấn), Malaysia (40.000 tấn), Gabon (30.000 tấn) và Hà Lan (26.000 tấn).