|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tương lai rộng mở cho dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

22:15 | 18/05/2018
Chia sẻ
Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy một nền kinh tế không tiền mặt, tập trung vào việc phát triển thanh toán số để các sản phẩm tài chính có thể tiếp cận nhiều người hơn.

Kỷ nguyên thanh toán số

Khảo sát “Hành vi thanh toán của người dùng” do Công ty Visa thực hiện vào tháng 9/2017 cho thấy, 57% người Việt Nam được hỏi cho biết, họ hoàn toàn tự tin có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày liên tiếp khi ra khỏi nhà. Tỷ lệ này cao nhất so với các quốc gia khác trong khu vực, nơi chỉ có 42% người Singapore hoặc 37% người Thái Lan sẵn sàng không dùng tiền mặt trong khoảng thời gian như vậy.

Quả thật, sẽ không cần phải mang theo tiền mặt khi dịch vụ thanh toán số tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thể hiện ở sự đổ bộ của các dịch vụ thanh toán di động nước ngoài như Samsung Pay đã đến Việt Nam vào tháng 9/2017, hoặc Apple Pay và các nền tảng thanh toán số khác sẽ ra mắt tại Việt Nam trong những tháng tới.

tuong lai rong mo cho dich vu thanh toan khong dung tien mat
Dự báo đến năm 2021, sẽ có tới 40% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ

Hơn nữa, theo Báo cáo Toàn cảnh Fintech khu vực ASEAN 2018 được giới thiệu trong tháng 4/2018 của Ernst & Young, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nền tảng truyền thông xã hội, các nhà phát triển thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như Grab với dịch vụ thanh toán GrabPay, với cơ sở dữ liệu người tiêu dùng lớn, đã hoặc đang bắt đầu cung cấp các dịch vụ thanh toán như một dịch vụ chuyên biệt cho người tiêu dùng.

Những yếu tố này đang dần biến đổi toàn cảnh bức tranh thanh toán ở Việt Nam, từ một quốc gia phụ thuộc phần lớn vào tiền mặt, tiến tới một quốc gia có tới 40% dân số vào năm 2021 (theo Statista) sẽ sử dụng điện thoại thông minh để trả tiền cho các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Số liệu của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy, Việt Nam đang có những điều kiện cần thiết để thúc đẩy phương thức thanh toán số trong thời điểm hiện tại, nhờ những nền tảng vững chắc của dịch vụ viễn thông và tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, cuối năm 2016, Việt Nam có hơn 128 triệu thuê bao di động. Số lượng đăng ký 3G đạt 54,2 triệu vào giữa năm 2017.

Theo Vụ Thanh toán, với hơn 40 ngân hàng (cả nước ngoài và nội địa) cung cấp dịch vụ thanh toán số, đã có 90 triệu giao dịch thanh toán số với tổng giá trị 423.000 tỷ đồng được báo cáo vào cuối tháng 9/2017, tăng hơn 90% về số lượng giao dịch và tăng 140% tổng giá trị so với cùng thời điểm năm 2016.

Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối ngân hàng doanh nghiệp (Ngân hàng HSBC Việt Nam), chia sẻ: “Những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến xu hướng bùng nổ ở Việt Nam để phát triển thành một xã hội không dùng tiền mặt trong tương lai, nơi điện thoại thông minh đóng vai trò như một chất xúc tác: thanh toán di động cho bán lẻ giao dịch, thanh toán trực tuyến cho thuế, phí, thanh toán phải trả của doanh nghiệp, nhận dạng sinh trắc học để truy cập tài khoản ngân hàng”.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi RoubiniThoughtLab, công ty do Visa ủy quyền, công bố vào tháng 10/2017, điều mà thanh toán số có thể mang đến cho các cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam là, nó sẽ vượt quá giới hạn chuyển từ “tiền tươi, thóc thật” sang thanh toán số, để bao hàm những tác động mang tính xúc tác đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần.

Đặc biệt, nghiên cứu này ước tính, thanh toán điện tử, như thẻ và thanh toán qua di động, có thể mang lại lợi ích ròng lên tới 470 tỷ USD/năm cho 100 thành phố được khảo sát - tương đương 3% GDP bình quân của các thành phố này.

Lấy ví dụ Hà Nội. Thành phố này sẽ thu được những tiềm năng mạnh mẽ từ việc không dùng tiền mặt, với tổng lợi ích ròng (lợi ích thu được nhờ vào giảm hành vi phạm pháp liên quan đến tiền mặt và rút ngắn thời gian quản lý giao dịch ngân hàng, giao dịch bán lẻ, chuyển tiền) ước khoảng 600 triệu USD/năm, việc làm tăng thêm 3,5%, năng suất tăng 0,2% và GDP tăng 36,4 điểm cơ bản.

“Việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, từ điện thoại thông minh và thiết bị đeo tay, đến trí tuệ nhân tạo và xe hơi không người lái, đang nhanh chóng chuyển đổi cách thức người dân thành phố mua sắm, du lịch và sinh sống”, ông Lou Celi, Giám đốc nghiên cứu của RoubiniThoughtLab nói.

Nỗ lực chung

Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu giảm sử dụng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 10% vào năm 2020.

Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được hỗ trợ bởi yêu cầu 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng phân phối phải tích hợp thiết bị đầu cuối thanh toán để cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, 70% các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông có thể chấp nhận thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt, trong khi 50% hộ gia đình và cá nhân ở các thành phố lớn được khuyến khích không sử dụng tiền mặt trong mua sắm và chi tiêu.

Trong khi đó, các dịch vụ tài chính đang được khuyến khích mở rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thông qua việc phát triển các phương thức thanh toán mới và hiện đại, để giúp Việt Nam tiếp cận được mục tiêu tài phát triển chính toàn diện, đảm bảo cộng đồng trong các khu vực này được tiếp cận các dịch vụ thanh toán và ít nhất 70% người trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng vào năm 2020.

Trong trường hợp này, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán như Visa, đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến thanh toán điện tử cho bộ phận lớn người dân. Visa đã tập trung vào việc tăng phát hành và chấp nhận các sản phẩm của mình trên toàn quốc, đồng thời đưa các phương thức thanh toán sáng tạo mới vào thị trường.

Ông Sean Preston, Giám đốc Visa khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, công nghệ thanh toán không tiếp xúc (contactless) của Visa đã hiện diện tại các chuỗi siêu thị như Saigon Co-op và Big C, hoặc nhà bán lẻ đồ điện tử như Nguyễn Kim và các nhà phân phối khác. Dịch vụ thanh toán sử dụng mã QR của Visa cũng là một điểm nổi bật, cho phép khách hàng sử dụng điện thoại di động để quét mã QR tại cửa hàng và chuyển tiền an toàn cho hàng hóa hoặc dịch vụ được mua.

Việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, từ điện thoại thông minh , đến trí tuệ nhân tạo và xe hơi không người lái, đang nhanh chóng chuyển đổi cách thức người dân thành phố mua sắm, du lịch và sinh sống.

“Chúng tôi đã làm việc với khách hàng của mình để mang công nghệ này tới Việt Nam. Gần đây, chúng tôi đã công bố dịch vụ thanh toán mã QR đầu tiên của Visa tại Việt Nam với Sacombank QR Pay. Chúng tôi thấy một cơ hội lớn cho phương pháp thanh toán mã QR để giúp phát triển việc sử dụng và chấp nhận thanh toán điện tử trên toàn quốc, đặc biệt là với các tiểu thương và ở vùng sâu, vùng xa”, ông Preston nói.

Theo ông Preston, Việt Nam hiện còn là một xã hội phụ thuộc nhiều vào tiền mặt, song Visa đang chứng kiến những động thái tích cực từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam, với một thái độ hướng tới thanh toán điện tử “giờ đã tốt hơn trước”.

“Visa hoàn toàn hỗ trợ lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào năm 2020 và cam kết thúc đẩy việc chấp nhận thanh toán điện tử và mở rộng chấp nhận thanh toán điện tử để đảm bảo việc chuyển đổi sang nền kinh tế không dùng tiền mặt vừa hiệu quả, vừa trơn tru”, ông Preston nhấn mạnh.

Vấn đề bảo mật

Không phủ nhận việc tăng trưởng nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và không có gì sai với việc thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng càng ít tiền mặt cho chi tiêu càng tốt, nhưng an ninh mạng trong trường hợp này sẽ là một vấn đề được quan tâm đối với hầu hết người sử dụng.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu sự trỗi dậy của các công nghệ tiên tiến có giúp tăng cường các tính năng an ninh và an toàn của phương thức thanh toán số hay nó lại mang nhiều rủi ro hơn về an ninh mạng?

Câu trả lời là, theo Visa, một hệ thống thanh toán bảo mật và an toàn chắc chắn có thể đạt được thông qua sự tuân thủ của tất cả các tổ chức tài chính và ngân hàng tuân theo Tiêu chuẩn An ninh dữ liệu (PCI DSS) và yêu cầu mã hóa để bảo vệ dữ liệu. Đồng thời, các tổ chức này nên sẵn sàng để vô hiệu hóa hoặc giảm giá trị của dữ liệu bị mất thông qua việc sử dụng dụng token hoặc thẻ chip EMV.

Ngoài ra, gian lận thanh toán cũng có thể được ngăn chặn trước khi xảy ra, thông qua việc phát hiện, gián đoạn, rà soát giao dịch và xác thực các hành vi gian lận. Khách hàng của các tổ chức tài chính hay ngân hàng có thể được trao quyền tham gia việc bảo mật thanh toán thông qua các cảnh báo và kiểm soát số hóa.

Một lộ trình cho Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện trong tương lai để tăng cường an ninh trong thanh toán, như Visa đề xuất, cần bao gồm kế hoạch triển khai bảo mật trong thanh toán, ứng dụng công nghệ bảo mật 3D 2.0 và xác minh dựa trên phân tích rủi ro, cùng việc tiếp tục thúc đẩy các giải pháp bền vững và sáng tạo trong bảo mật thanh toán.

Trang Nguyễn