Tương lai nào cho dự án mỏ sắt Thạch Khê?
Bộ Công Thương: Chưa có cơ sở dừng dự án sắt Thạch Khê | |
Đề nghị dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê vì 'đầu ra không chắc chắn' |
2 Bộ quan điểm trái chiều
Ngày 13/7 Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) đã có văn bản số 5739/BKHĐT-KTCN gửi Thủ tướng Chính phủ về Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh. Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị dừng triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đề xuất khôi phục việc đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã bị dừng triển khai từ năm 2011. Bộ Công Thương đã đồng ý với đề nghị này của TKV, tuy nhiên đại diện tỉnh Hà Tĩnh lại không mặn mà với việc khôi phục đầu tư mỏ sắt này. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KHĐT rà soát, đánh giá lại các điều kiện của mỏ sắt này.
Theo kết quả rà soát của Bộ KH&ĐT, sau 2 lần điều chỉnh từ cuối năm 2014, giảm tổng mức đầu tư từ hơn 14.500 tỷ đồng xuống còn gần 12.200 tỷ đồng, năng lực tài chính của chủ đầu tư là Công ty CP sắt Thạch Khê vẫn không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư theo tiến độ. Dự án cũng chưa tính đủ chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư.
Cũng theo văn bản của Bộ KH&ĐT, dự án chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn. Trong đó, việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ KH-ĐT đánh giá mới có Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể. Cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”.
Bộ KH&ĐT nhìn nhận, nếu dự án tiếp tục tạm dừng, khoản đầu tư gần 1.600 tỷ đồng mà chủ đầu tư TIC đã bỏ ra sẽ chậm cơ hội hoàn vốn, đồng thời lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị đã đầu tư.
Ngay sau khi có thông tin Bộ KH&ĐT đề xuất dừng dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), chiều 31/7, Bộ Công Thương đã lập tức lên tiếng.
Bộ Công Thương cho rằng việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện, phải tính đến những hậu quả, hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỉ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay. Ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam.
Bên cạnh đó Bộ Công Thương cho rằng phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác.
Về năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê và tính khả thi trong việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương cho rằng khi dự án được khởi động lại hoàn toàn có thể đáp ứng.
Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Dantri. |
Hiện trạng của mỏ sắt Thạch Khê
Mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Mỏ nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 8 km về phía Đông Bắc, cách bờ biển Đông 1,6 km và cách cảng Vũng Áng 66 km. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh đã tạm dừng đầu tư, khai thác từ tháng 8/2011 đến nay do dự án triển khai còn nhiều bất cập, về bộ máy tổ chức, triển khai dự án, trình tự về đầu tư, để xảy ra tình trạng chậm, kéo dài, huy động vốn cho dự án thấp.
Dự án có chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 14.517 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 6.777 tỷ đồng, giai đoạn II là 7.740 tỷ đồng. Tuổi thọ mỏ là 52 năm. Công suất khai thác mỏ giai đoạn I là 5 triệu tấn/năm, giai đoạn II là 10 triệu tấn/năm.Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án là 4.821 ha, gồm 3.898 ha trong đất liền và 923 ha lấn biển, nằm trên 6 xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Sản phẩm quặng sắt mỏ Thạch Khê được đánh giá có ưu điểm hàm lượng sắt cao, hệ số bóc thấp, có lợi thế gần cảng biển, đường sắt nên giá bán có thể cạnh tranh tốt trên thị trường.
Hiện nay đã có một số doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong nước đăng ký với TIC để tiêu thụ quặng sắt từ mỏ Thạch Khê là Công ty CP thép Hòa Phát, Công ty CP TM Thái Hưng với tổng nhu cầu khoảng 5.700 ngàn tấn, đủ khả năng tiêu thụ sản phẩm giai đoạn I của dự án.
Tháng 1/2017, Công ty CP thép Hòa Phát đã có công văn gửi Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị: "Tạo điều kiện tối đa cho mỏ sắt Thạch Khê được nhanh chóng triển khai và đưa vào khai thác để có thêm nguồn nguyên liệu quặng sắt cấp cho các doanh nghiệp đầu tư Lò cao trong nước. Công ty CP thép Hòa Phát sẵn sàng đặt hàng quặng sắt Thạch Khê trong thời gian dài để phục vụ cho Lò cao số lượng ít nhất 3 triệu tấn mỗi năm."
Đến sau 2020, khi các dự án thép tại Dung Quất công suất 4 triệu tấn/năm, Dự án thép Nghi Sơn công suất 4 triệu tấn/năm đi vào sản xuất có thể sử dụng quặng sắt mỏ Thạch Khê thì với công suất mỏ tăng lên 10 triệu tấn/năm sẽ tiêu thụ hết trong thị trường nội địa, chưa tính đến Liên hợp thép ở Hà Tĩnh do TIC tự đầu tư.
Tại Hội thảo góp ý với dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, PGS-TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đã nêu quan điểm về dự án. Theo ông Hải, dự án Thạch Khê chưa xuất phát từ quan điểm khai thác tổng hợp các giá trị tài nguyên đi kèm với quặng sắt.
"Quan điểm hiện đại trong khai thác khoáng sản trên thế giới là khai thác và sử dụng tổng hợp các tài nguyên khoảng sản đi kèm khoáng sản chính", ông Hải nhấn mạnh.
Theo TS Lưu Đức Hải, báo cáo về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê mà TIC đưa ra chưa nêu đầy đủ các kim loại quý hiếm có thể đi kèm khi khai thác. Vì thế, các nhà đầu tư cần bổ sung các phương án kinh tế có khai thác và tận dụng các tài nguyên đi kèm.