|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tương lai màu xám của kinh tế Hàn Quốc khi dân số già hóa

23:00 | 18/07/2019
Chia sẻ
Tỷ lệ sinh xuống mức quá thấp báo hiệu dân số Hàn Quốc đang bước vào thời kỳ già hóa chóng, dẫn đến năng suất lao động tăng chậm, gây trì trệ cho nền kinh tế.
Tương lai màu xám của kinh tế Hàn Quốc khi dân số già hóa - Ảnh 1.

Dân số Hàn Quốc đang già hóa nhanh. Ảnh: AFP

Năm 1960, Hàn Quốc có tổng tỷ lệ sinh hơn 6 em bé trên mỗi phụ nữ, mức đủ cao để tạo ra cơn bùng nổ dân số. Nhưng khi nền kinh tế Hàn Quốc phát triển đi lên, tỷ lệ sinh này giảm dần qua mỗi thập kỷ.

Một đất nước cần có tổng tỷ lệ sinh khoảng 2,1 em bé trên mỗi phụ nữ để duy trì sự ổn định dân số trong dài hạn. Tổng tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giờ đây chỉ khoảng phân nửa con số này và đang tiếp tục giảm.

Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc cho biết trong năm 2018, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm về mức thấp kỷ lục, 0,98, thấp hơn nhiều so với cả những nước đang đối mặt vấn đề dân số già hóa nghiệm trọng như Nhật Bản (có tỷ lệ sinh cao hơn 1,4).

Điều này có nghĩa là Hàn Quốc đang hướng đến một cú sụp đổ về cơ cấu dân số. Trong 50 năm tiếp theo, trừ phi có những cải thiện rõ rệt về tỷ lệ sinh, dân số Hàn Quốc với 51 triệu người hiện này có thể giảm đến 1/3. Hàn Quốc được dự báo trở thành nước phát triển có dân số già nhất thế giới vào năm 2065.

Câu hỏi đặt ra là liệu tốc độ sụt giảm dân số nhanh chóng có gây tổn thương nền kinh tế Hàn Quốc hay không? Xét về mặt toán học, những nước chứng kiến dân số suy giảm vẫn có thể cải thiện về mức thu nhập tính trên đầu người, chẳng hạn Nhật Bản.

Điều này dẫn đến câu hỏi tiếp theo: Nếu người dân có thể sung túc hơn, vì sao tổng dân số lại là vấn đề quan trọng?

Câu trả lời ngắn gọn là vì dân số già thường khiến các nước kém năng suất hơn. Khi những người già về hưu, có nghĩa là họ không còn đóng góp nhiều cho năng suất kinh tế, làm chậm mức tăng trưởng thu nhập trung bình trên mỗi đầu người. Khi tỷ lệ công nhân về hưu ngày càng tăng, mỗi công nhân sẽ phải tiêu nhiều tiền, thời gian và công sức hơn để chăm sóc lực lượng người già.

Dân số giảm có thể tác động đến mức đầu tư của các công ty tại một nước. Các công ty muốn sản xuất hàng hóa và dịch vụ gần nơi người tiêu dùng cư trú nên khi quy mô của một thị trường quốc gia bắt đầu suy giảm, điều này sẽ làm giảm động lực xây dựng các văn phòng và nhà máy mới ở đây. Gần đây, vào cuối thập niên 1990, Nhật Bản đầu tư khoảng 30% tổng giá trị GDP mỗi năm nhưng con số này giờ đây rơi về mức 24%.

Dù một số khoản đầu tư có thể kém hiệu quả hoặc lãng phí, mức đầu tư thấp thường dẫn đến tổng giá trị tài sản cố định của một nền kinh tế suy giảm và mức sống thấp hơn của người dân trong dài hạn.

Dân số già cũng có thể khiến tăng trưởng năng suất lao động suy giảm. Một khi công nhân bước vào độ tuổi 45, năng suất của họ bắt đầu giảm, chủ yếu vì họ chậm thích nghi với các điều kiện kinh doanh đang thay đổi. Một nghiên cứu của các nhà kinh tế ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2016 kết luận dân số già hóa có thể là lý do khiến năng suất suy giảm ở châu Âu. Một nghiên cứu khác của ba nhà kinh tế Nicole Maestas, Kathleen Mullen và David Powell phát hiện ra rằng các bang ở Mỹ có lực lượng dân số già lớn có mức tăng trưởng thu nhập trên đầu người chậm hơn.

Vậy nên một thế giới già hóa sẽ khiến mức sống của người cải thiện chậm chạp. Thật không may, cho đến nay, vẫn chưa có chính sách nào có thể giúp tăng tỷ lệ sinh bền vững.

Theo phân tích của nhà kinh tế Lyman Stone, các sáng kiến cung cấp các ưu đãi tài chính và dịch vụ trông trẻ miễn phí để khuyến khích sinh đẻ chỉ tạo ra hiệu ứng khiêm tốn.

Điều này khiến dân nhập cư trở thành một phương án quan trọng để duy trì sự ổn định dân số ở các nước có dân số đang già hóa. Trên giả thiết, Hàn Quốc có thể bù đắp cho tốc độ suy giảm dân số bằng cách tiếp nhận lực lượng lao động nhập cư từ nước láng giềng Trung Quốc và các nước khác.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cần lượng dân nhập cư lớn để duy trì ổn định dân số. Trong vòng năm thập kỷ tới, nước này cần có đến 1/3 dân số là người nhập cư hoặc con cháu của họ nếu muốn duy trì mức dân số ổn định như hiện nay. Đây chắc chắn là một nhiệm vụ khó khăn vì vẫn không rõ những người dân bản địa có chấp nhận một mức tăng dân nhập cư nhanh chóng như vậy không, đặc biệt là ở một đất nước ít có lịch sử về vấn đề nhập cư như Hàn Quốc.

Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng ở tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit, dự báo do lực lượng lao động suy giảm, mức tăng trưởng GDP của Hàn Quốc sẽ giảm về mức 2% vào năm 2030 và về mức 1% vào năm 2050.

Điều đáng lo ngại hơn là tỷ lệ sinh giảm hầu hết ở hầu hết các nước trên thế giới. Trung Quốc có thể là nguồn cung cấp dân nhập cư lớn cho Hàn Quốc nhưng nước này đang chứng kiến dân số ở độ tuổi lao động suy giảm hàng triệu người mỗi năm. Ấn Độ rồi cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Ngay cả ở châu Phi, nơi sẽ cung cấp động lực tăng trưởng dân số trong thế kỷ tiếp theo, sự chuyển tiếp sang tỷ lệ sinh thấp đang diễn ra.

Về dài hạn, điều này có nghĩa là nguồn cung dân nhập cư tiềm năng trên toàn cầu sẽ cạn kiệt. Trừ khi có các chính sách mới và hiệu quả để giúp nâng cao tỷ lệ sinh, dân số ở nhiều nước sẽ giảm dần và các nước như Hàn Quốc sẽ dẫn đầu cơn suy giảm này, từ đó, gánh nặng người phụ thuộc sẽ gia tăng trên toàn cầu.

Noah Smith, phó giáo sư tài chính ở Đại học Stony Brook (Mỹ), cho rằng các chính phủ, nhà kinh tế, giới kinh doanh cần bắt tay hoạch định phát triển cho một thế giới già hóa. Họ cần thiết kế các sáng kiến tận dụng tài năng của người già hiệu quả hơn, tăng cường tự động hóa, giảm chi phí y tế và tái thiết kế hệ thống lương hưu để giúp chúng bền vững hơn về mặt tài chính.

Lê Linh