|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từng chịu thất thế so với iPhone, các dòng Mac của Apple đã hồi sinh nhờ chiến lược 'liều lĩnh và gây nhiều tranh cãi'

11:07 | 18/04/2022
Chia sẻ
Doanh số bán các dòng sản phẩm Mac của Apple từng chững lại trong thời gian dài trước khi hồi sinh nhờ vào một quyết đinh liều lĩnh cùng một kỹ sư đại tài.

Khoảng 5 năm trước, iPhone được coi là dòng sản phẩm chủ đạo của Apple. Doanh số các dòng Mac, sản phẩm chủ đạo của Apple trong quá khứ bị chững lại khi nhiều khách hàng tỏ ra không thỏa mãn với hiệu năng và thiết kế, theo Wall Street Journal.

Tuy nhiên, lượng máy Mac được bán ra đã tăng vọt sau 5 năm. Đây là kết quả từ sự nỗ lực trong thời gian dài nhằm xây dựng lại quy trình thiết kế chip tại một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Người đã thay đổi mọi thứ là Johny Srouji, làm việc trong bộ phận bán dẫn của Apple với mục tiêu thay thế CPU Intel đã trang bị trên các dòng laptop và PC của Apple trong suốt 15 năm. Đáng chú ý, ông từng là cựu kỹ sư của chính Intel và lãnh đạo tại IBM.

Những thiết bị đầu tiên được trang bị một con chip mới có tên là M1, ra mắt vào tháng 11/2020.

Johny Srouji, người góp phần hồi sinh các dòng Mac. (Ảnh: The Indian Express).

Hồi sinh dòng Mac nhờ M1

Tháng 3, phiên bản cuối cùng của chip M1 mang tên M1 Ultra đã được Apple giới thiệu cho dòng máy tính nhắm đến người dùng chuyên nghiệp Mac Studio. M1 được đánh giá tiết kiệm năng lượng, giúp máy Mac chạy mượt và không tỏa nhiệt ra bên ngoài nhiều như chip Intel.

Nói một cách ngắn gọn, các dòng sản phẩm laptop và PC của Apple như “từ cõi chết trở về” nhờ chip M1.

Apple đang trở thành hình mẫu cho những công ty khác như Tesla, Amazon, Facebook học theo trong cách tự phát triển các công nghệ sản xuất chất bán dẫn, làm ra chip riêng, được áp dụng trong nhiều sản phẩm. Trong khi đó, các hãng chip như Intel tăng cường đầu tư công nghệ, dây chuyền để sản xuất chip được thiết kế bởi công ty khác.

Việc thay thế đối tác lâu năm bằng chip tự sản xuất không phải chuyện đơn giản. Đại dịch đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, và Apple cũng không nằm ngoài điều này. Gã khổng lồ công nghệ phải thay đổi cách vận hành. Với kinh nghiệm lâu năm, ông Srouji đã từng bước nâng tầm bộ phận bán dẫn của Apple, với số lượng nhân viên tăng từ 45 lên hàng nghìn người ở khắp nơi trên thế giới.

Kể từ thời điểm gia nhập Apple vào năm 2008, ông Srouji đã lao vào công việc phát triển chip cho Apple. Bằng kinh nghiệm và năng lực của mình, ông cùng đội ngũ nhân sự đã làm ra những con chip phù hợp với công ty do CEO Tim Cook dẫn dắt. Đây là điểm mấu chốt tạo nên thành công với nhiều thiết bị chạy bằng pin, được sử dụng trong nhiều giờ liên tục phục vụ mục đích giải trí.

Kết quả là dòng chip A-series được thiết kế cho iPhone từ năm 2010 đã cho những hiệu suất cao hơn. Nhà phân tích Wayne Lam của CCS Insight thời điểm đó tin rằng với chiến lược và số tiền đã bỏ ra, Apple có thể trở thành nhà sản xuất chip lớn thứ 12 thế giới.

Chiến lược khó khăn gây nhiều tranh cãi 

Khi các dòng chip mới đang đem lại kết quả tích cực cho iPhone hay Apple Watch, người dùng lại một lần nữa phàn nàn và cho rằng các dòng Mac của gã khổng lồ này đang tụt hậu. Ngay lập tức, ban lãnh đạo Apple đã gặp mặt nhiều blogger công nghệ, lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ thay đổi trong tương lai.

Ngay cả những mẫu MacBook mới ra mắt của Apple những tháng sau đó cũng bị chỉ trích thậm tệ vì các hiệu năng quá kém, khiến gã khổng lồ của Thung lũng Silicon phải tiến hành giải quyết tạm thời. Các nhà nghiên cứu lập tức nhận ra doanh số bán PC và laptop của Apple đã kém xa iPhone.

Cùng với đó, các nhà nghiên cứu công nghệ tin rằng chất lượng kém của CPU Intel là một trong những tác nhân chính khiến Mac bị chỉ trích. “Nó tệ một cách bất thường, có quá nhiều lỗi bị phát hiện và khiến mọi thứ đi chệch hướng”, một cựu kỹ sư Intel chia sẻ.

Apple sau đó đã đưa ra chiến lược gây tranh cãi, tự phát triển chip cho Mac. Rõ ràng, điều này là cực kỳ khó khăn. Họ phải tự làm mọi thứ từ đầu tới cuối. Tuy nhiên, Apple cũng đã có đôi chút kinh nghiệm khi họ từng chuyển từ PowerPC sang Intel vào năm 2006, khiến các bản thiết kế cho bảng mạch laptop bị thay đổi vào phút chót.

Ông Srouji tiết lộ rằng chiến lược này đã gây ra tranh cãi ngay từ nội bộ Apple bởi công ty chưa từng có kinh nghiệm tự thiết kế chip. Chỉ cần sai một li, sẽ đi một dặm. Giá thành cũng là một vấn đề khác khiến mọi người trong công ty mâu thuẫn.

Ngoài ra, một khó khăn khác mà đội ngũ ông Srouji phải đối mặt đó là vấn đề nguồn cung cũng như những dự đoán công nghệ trong tương lai. Apple nhắm tới việc trở thành người dẫn đầu, vì vậy họ phải làm cách nào đó để đảm bảo nguồn cung cho hàng trăm triệu thiết bị mới mỗi năm.

Đến cuối cùng, gã khổng lồ công nghệ đã chọn cách mà họ cho là phù hợp nhất, chuyển chiến lược chip từ iPhone sang Mac, tối ưu hóa ngay từ ban đầu. Apple cũng có được sự trợ giúp từ các bên thứ ba để thực hiện chiến lược.

Srouji, kiến trúc sư cho sự thay đổi tại Apple 

Trong chiến lược đặc biệt này, trọng tâm là đội ngũ của ông Srouji. Năm 2015, ông đã báo cáo lại trự tiếp quá trình thực hiện cho CEO Tim Cook. Sau này, có những tin đồn cho rằng ông Srouji sẽ quay trở lại giúp đỡ gã khổng lồ Intel khi công ty này đối mặt khủng hoảng. Ông là người đặc biệt thích giải quyết từng vấn đề được đưa ra trong mỗi cuộc họp.

Khi chiến dịch đang đi dần vào quỹ đạo ổn định, dịch bệnh COVID-19 bùng phát bất ngờ khiến mọi thứ bị thay đổi. Khi các doanh nghiệp chuyển hướng sang làm việc online, cũng là lúc Apple phải đẩy nhanh tốc độ để đưa chip vào sản xuất hàng loạt. Đây là một trong những khoảng thời gian áp lực nhất đối với đội ngũ nhân viên Apple.

Ông Srouji cùng đội ngũ nhân viên của mình đã “cày ngày, cày đêm” để kịp hoàn thành sản phẩm trước khi ra mắt vào mùa thu năm 2020. Thậm chí ông còn lắp thêm cả camera để giám sát quá trình khi ở nhà làm online.

Khi đã phần nào tạo được sự ảnh hưởng, tầm quan trọng của ông lại càng trở nên lớn hơn. Về sau, gã khổng lồ trong ngành công nghệ đã chi hàng tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như nắm quyền kiểm soát tại công ty bán dẫn Palo Alto Semiconductor để củng cố mảng sản xuất chip.

Trong buổi lễ ra mắt vào tháng 11/2020, ông Srouji đã miêu tả M1 như sau: “M1 là một con chip tạo nên đột phát cho máy Mac”. Những thiết bị đầu tiên được trang bị chip M1 là MacBook Air và Mac mini.

 

Tới năm 2021, gã khổng lồ trong ngành công nghệ tiếp tục ra mắt dòng MacBook Pro với M1 Pro và M1 Max, được trang bị tới 16 tỷ bóng bán dẫn. Dòng sản phẩm mới nhất, M1 Ultra của Mac Studio thậm chí còn được trang bị tới 114 tỷ bóng bán dẫn. Đây là phiên bản cuối cùng được trang bị chip M1 trước khi Apple tung ra chip M2, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2023.

Doanh Chính