|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từng 7 năm làm Tổng Giám đốc Masan Consumer, điều gì đang chờ đợi ông Trương Công Thắng?

06:30 | 28/06/2017
Chia sẻ
Giai đoạn 2007 - 2014, Masan Consumer có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu đạt 45,6%, của LNST là 59,4%. Tuy nhiên, khi ông Trương Công Thắng rời vị trí Tổng Giám đốc, câu chuyện kinh doanh của Masan Consumer đã đi theo chiều hướng ảm đạm.
tung 7 nam lam tong giam doc masan consumer dieu gi dang cho doi ong truong cong thang
Ông Trương Công Thắng (Ảnh: Masan Consumer)

Người gắn liền thời kỳ hoàng kim của Masan Consumer

Theo Nghị quyết ĐHCĐ bất thường năm 2017 của CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (Mã: MCH), ông Trương Công Thắng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT thay ông Nguyễn Đăng Quang. Ông Nguyễn Đăng Quang không còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhưng vẫn đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT.

Ông Trương Công Thắng không phải là cái tên xa lạ ở Masan Consumer. Ông Thắng sinh năm 1973, trình độ Thạc sĩ, đã từng làm Tổng Giám đốc Masan Consumer từ năm 2007 đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Trước đó, ông Nguyễn Đăng Quang kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Tại thời điểm này, ông Thắng giữ 4,43% vốn Masan Consumer.

Ông Thắng giữ vị trí Tổng Giám đốc Masan Consumer tới năm 2014 thì từ nhiệm, nhường lại vị trí cho ông Seokhee Won (Phó Chủ Tịch cấp cao, phụ trách quản lý thương hiệu các sản phẩm chăm sóc da của Unilever ở khu vực Châu Á). Khi đó, ông Thắng còn nắm giữ 0,058% vốn Masan Consumer.

Ông Thắng hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan, Chủ tịch HĐQT của CTCP Masan Agri, thành viên HĐQT của CTCP Nước Khoáng Vĩnh Hảo.

Trong thời gian tại vị, tên tuổi ông Thắng gắn liền với 6 sản phẩm lẫy lừng làm nên thương hiệu Masan Consumer như nước tương Tam Thái Tử (năm 2006), nước mắm Chin-su hương cá hồi (năm 2007), nước mắm Nam Ngư (năm 2008), mì Omachi khoai tây (năm 2009) và nước tăng lực vị cà phê Wake-up 247 (năm 2014). Đây cũng là các sản phẩm đóng góp chủ chốt vào doanh thu lợi nhuận của Masan Consumer trong các năm qua.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2007 - 2014 của Masan Consumer cũng tăng trưởng liên tục. Giai đoạn này, doanh thu gấp 20 lần còn LNST gấp 41,7 lần. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu đạt 45,6% trong khi của LNST là 59,4%.

tung 7 nam lam tong giam doc masan consumer dieu gi dang cho doi ong truong cong thang
Đơn vị: tỷ đồng

Cùng với tăng trưởng doanh thu lợi nhuận, thị phần các mảng kinh doanh của Masan Consumer cũng tăng đáng kể. Giai đoạn 2013 - 2014, thị phần nước mắm tăng từ 61,4% lên 70%, cafe tăng từ 32,9% lên 41%, trong khi nước tương giảm nhẹ 0,2% còn 71%. Thị phần mì ăn liền không có con số trong Báo cáo thường niên, chúng tôi tạm đưa ra giả định giữ nguyên 2 năm ở con số 25,7%.

tung 7 nam lam tong giam doc masan consumer dieu gi dang cho doi ong truong cong thang

Tuy nhiên, sau thời gian ông Thắng từ nhiệm vào năm 2014, kết quả kinh doanh của Masan Consumer có phần giảm sút. Giai đoạn 2015 - 2016, doanh thu dường như đi ngang nhưng LNST lại giảm so với năm 2014, lần lượt đạt 2.900 tỷ đồng (năm 2015) và 2.791 tỷ đồng (năm 2016).

Đi liền với sự giảm sút về lợi nhuận, thị phần nước mắm, nước tương, mì ăn liền, cafe đều giảm, duy chỉ có thị phần tương ớt là tăng thêm 20%, đạt 63%.

Điều gì đang chờ đợi ông Trương Công Thắng?

Theo định hướng chiến lược từ Ban lãnh đạo Masan Consumer, năm 2017, công ty tập trung tăng trưởng ngành hàng chủ chốt là nước mắm, giành lại thị phần trong ngành thực phẩm tiện lợi bằng việc củng cố hai nhãn hàng Omachi và Kokomi, chiếm lĩnh 51% thị trường cà phê hòa tan, thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng đồ uống đóng chai và xây dựng ngành thực phẩm chế biến.

Mục tiêu của Masan Consumer là 5 tỷ USD doanh thu năm 2020, trong đó một nửa doanh thu đến từ đồ uống và 30% từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, con đường này còn nhiều khó khăn.

Về nước mắm, cuộc chiến giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp có thể đang làm người tiêu dùng lo ngại. Thị phần của Masan Consumer về nước mắm đã giảm từ đỉnh 70% vào năm 2014 xuống chỉ còn 63% năm 2016.

Về việc giành lại thị phần mì gói, sức tiêu thụ mì gói tại Việt Nam đang có dấu hiệu giảm. Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), năm 2013, nhu cầu mì gói Việt Nam chạm đỉnh với 5,2 tỉ gói. Tuy nhiên, sức tiêu thụ liên tục giảm mạnh trong 4 năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu ngừng, giảm xuống còn 4,8 tỉ gói năm 2015. Đến năm 2016, Việt Nam đã rơi xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới.

Trong một phát biểu mới đây, ông Nguyễn Đăng Quang, nguyên Chủ tịch HĐQT Masan Consumer thừa nhận thị trường mì ăn liền đang bước vào cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Masan nhắm đến hướng đi mới là không cạnh tranh về giá, tập trung đầu tư cho sản phẩm tiện lợi, cao cấp hơn. Một trong những sản phẩm đó là mì gói bổ sung thịt thật nhưng đi kèm mức giá cao.

Trở lại làm Chủ tịch HĐQT Masan Consumer thời gian này sau 2 năm vắng bóng, liệu ông Thắng có vực dậy được công ty như những gì đã làm được? Chiến lược phát triển mới của Masan Consumer sẽ đi theo điều hướng nào? Tất cả còn đang chờ đợi ở phía trước.

Khánh Linh