|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 5 - 9/10: Vốn ngoại rút ròng hơn 800 tỉ đồng, đẩy mạnh thoái VIB trước thời gian chuyển sàn

06:23 | 10/10/2020
Chia sẻ
Trái với diễn biến tích cực của VN-Index khi vượt ngưỡng 920 điểm, khối ngoại tiếp tục xả gần 830 tỉ đồng tuần qua dù đà bán ròng đã giảm mạnh so với tuần trước đó. Trên HOSE, cổ phiếu VNM liên tục dẫn dầu top bán ròng các phiên trong tuần. Cùng với đó, mã VIB trên UPCoM bị đẩy mạnh bán ròng sau quyết định hủy giao dịch để niêm yết trên HOSE.

Thị trường chứng khoán tuần qua (5 – 9/10) liên tục khởi sắc và vượt ngưỡng kháng cự 920 điểm. Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index dừng tại mốc 924 điểm, tương ứng tỉ lệ tăng 1,5% so với phiên cuối tuần trước.

Thống kê giao dịch tuần 5 – 9/10, hoạt động bán ròng của NĐT nước ngoài diễn ra áp đảo trên cả ba sàn với giá trị 827 tỉ đồng. Khối lượng bán ròng trong tuần đạt 27,5 triệu đơn vị. Theo đó, đà bán ròng của khối ngoại giảm mạnh chỉ bằng một nửa giá trị bán ròng của tuần trước đó.

Khối ngoại xả 705 tỉ đồng trên HOSE, mã VNM liên tục dẫn đầu top bán ròng

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 705 tỉ đồng với khối lượng 23,3 triệu đơn vị. Trong đó, khối này xả 619 tỉ đồng cổ phiếu, hơn 100 tỉ đồng trái phiếu nhưng mua ròng 23 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội.

Tuần 5 - 9/10: Vốn ngoại rút ròng hơn 800 tỉ đồng, đẩy mạnh thoái VIB trước thời gian chuyển sàn - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

 Top10 mã chịu áp lực thoái ròng từ khối ngoại, cổ phiếu VNM ghi nhận giá trị cao nhất gần 357 tỉ đồng. Trong tuần, cổ phiếu VNM liên tục dẫn đầu top bán ròng trên HOSE bất chấp thông tin tích cực trước đó về kết quả kinh doanh quí III của doanh nghiệp.

Cụ thể, Vinamilk thông tin ghi nhận 15.561 tỉ đồng doanh thu thuần và 3.106 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 9% và 16% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu Vinamilk đạt 45.277 tỉ đồng và LNST thu về 8.967 tỉ đồng, tương ứng tăng 7% cả về doanh thu và lợi nhuận sao với cùng kì.

Thông tin mới đây, doanh nghiệp này đã hoàn tất phát hành hơn 348 triệu cp thưởng, qua đó tăng vốn điều lệ lên gần 20.900 tỉ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, dự kiến vào ngày 15/10 tới đây Vinamilk sẽ thanh toán cổ tức đợt 1 năm 2020 với tỉ lệ 20% bằng tiền mặt.

Mặt khác, cổ phiếu duy nhất còn lại bị khối ngoại xả trên trăm tỉ đồng là CTG (134,3 tỉ đồng). Khối này còn bán ròng BID (86,4 tỉ đồng), DIG (66,2 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (56,2 tỉ đồng).

Cùng chiều, các mã ghi nhận giá trị bán ròng dưới 50 tỉ đồng có PVD (49,1 tỉ đồng), NBB (41 tỉ đồng), BMP (40,7 tỉ đồng), SBT (40,3 tỉ đồng) và GAS (38,36 tỉ đồng).

Top10 mã được khối ngoại mua ròng trong tuần, cổ phiếu HPG dẫn đầu với giá trị gần 210 tỉ đồng. Động thái tích cực gom mã này từ khối ngoại cùng với thông tin Hòa Phát lần đầu vượt Formosa Hà Tĩnh về sản xuất thép thô.

Theo đó, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 9 vừa qua cho thấy Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất ra 575.208 tấn thép thô, cao hơn mức sản lượng 509.330 tấn của Formosa Hà Tĩnh.

Liên quan đến cổ phiếu HPG, trái với hoạt động mua ròng tích cực cổ phiếu HPG của NĐT ngoại, ông Tạ Tuấn Quang - Thành viên HĐQT Tập đoàn Hòa Phát mới đây đăng kí bán 900.000 cổ phiếu HPG, dự kiến giảm tỉ lệ sở hữu còn 0,13%.

Bên cạnh đó, khối ngoại gom chứng chỉ quĩ FUEVFVND (72,2 tỉ đồng). Hai mã ngân hàng VCB và STB lần lượt ghi nhận giá trị mua ròng 39 tỉ đồng và 26 tỉ đồng. Dòng vốn ngoại đổ vào các mã khác như SSI (24,7 tỉ đồng), DXG (24,3 tỉ đồng), ngoài ra còn có MSN, DCM, VPB và GIL.

Sàn HNX ghi nhận giá trị bán ròng nhẹ trong tuần

Diễn biến tương tự trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ gần 4 tỉ đồng cùng khối lượng cổ phiếu 867.008 đơn vị trong tuần. Hoạt động bán ròng của khối này diễn ra tại phần lớn phiên giao dịch tuần qua, ngoại trừ phiên đầu và cuối tuần.

Tuần 5 - 9/10: Vốn ngoại rút ròng hơn 800 tỉ đồng, đẩy mạnh thoái VIB trước thời gian chuyển sàn - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Tại phía bán ròng, khối ngoại chủ yếu thoái vốn tại các mã VCS (4,1 tỉ đồng), LAS (3,3 tỉ đồng), HCC (2,2 tỉ đồng). Ngoài ra, ghi nhận giá trị bán ròng lọt top tuần còn có TA9, SHB, PSD, VGS, SLS, PVS và VIX.

Ở phía ngược lại, NĐT nước ngoài gom cổ phiếu NTP (5,5 tỉ đồng), WCS (2 tỉ đồng), IDV (1,7 tỉ đồng) và SZB (1 tỉ đồng). Lọt top mua ròng trong tuần còn có cổ phiếu TIG, DXP, NVB, TDH, DP3 và VCG.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu VIB trước thời điểm hủy giao dịch

Giao dịch trên UPCoM, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng lên 118,5 tỉ đồng cùng khối lượng tương ứng 3,35 triệu cổ phiếu. Thống kê chi tiết giao dịch, khối này bán ròng tất cả các phiên tuần qua, tập trung nhiều nhất trong ngày thứ Tư.

Tuần 5 - 9/10: Vốn ngoại rút ròng hơn 800 tỉ đồng, đẩy mạnh thoái VIB trước thời gian chuyển sàn - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Đáng chú ý, cổ đông ngoại bất ngờ đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu VIB sau khi thống nhất hủy giao dịch trên UPCoM để niêm yết trên HOSE. Trước đó, vào ngày 31/8, HOSE thông báo đã nhận hồ sơ đăng kí niêm yết của VIB.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép VIB tăng vốn điều lệ từ gần 9.245 tỉ đồng lên gần 11.094 tỉ đồng theo phương án chia cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 20% cho cổ đông hiện hữu. Việc hoàn tất thủ tục tăng vốn là một trong những bước đầu tiên để VIB triển khai niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Cùng chiều bán ròng, cổ phiếu VGG theo sau với giá trị 26,4 tỉ đồng, MCH (21,7 tỉ đồng) và ACV (20 tỉ đồng). Ghi nhận giá trị bán ròng dưới 10 tỉ đồng trên UPCoM có các mã QNS, IBD, VEA, VTP, MSR và SWC.

Diễn biến trái chiều, NĐT nước ngoài rót vốn cho cổ phiếu NTC (4,2 tỉ đồng), SIP (3,06 tỉ đồng), ABI (2,6 tỉ đồng) và BVB (1,8 tỉ đồng). Một số mã khác cùng chiều mua ròng như ABC, LPB, WSB, SNZ, SKH, VGI.

Ánh Hường