Tuần 28/9 – 2/10: Khối ngoại bán ròng gần 1.900 tỉ đồng, xả loạt bluechips VNM, HPG và họ Vingroup
Thị trường chứng khoán tuần 28/9 – 2/10 tăng điểm tại 3 trên 5 phiên giao dịch trong tuần. Theo đó, VN-Index tăng 1,64 điểm, tương đương 0,18% lên 909,91 điểm. Giá trị giao dịch trung bình 5 phiên trên sàn HOSE đạt 7.384 tỉ đồng/phiên, tăng 10,97% so với tuần trước.
Trái với giao dịch tích cực của thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lên tới 1.850 tỉ đồng toàn thị trường. Trong đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại diễn ra trên hai sàn nhưng mua ròng duy nhất tại thị trường UPCoM.
Khối ngoại xả 1.775 tỉ đồng trên HOSE, thoái vốn tại loạt bluechips
Thống kê trên HOSE, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 1.775 tỉ đồng với khối lượng 55,5 triệu đơn vị. Trong đó, khối ngoại bán ròng thị trường cổ phiếu đến 1.810 tỉ đồng, phần lớn giá trị giao dịch đến từ các mã bluechips như VNM, HPG, VHM, VRE.
Top10 cổ phiếu chịu áp lực xả từ NĐT nước ngoài, mã VNM dẫn đầu với giá trị 469 tỉ đồng bất chấp thông tin tăng trưởng kết quả kinh doanh trong quí III. Cụ thể, Vinamilk mới đây thông tin quí này doanh nghiệp đạt 15.561 tỉ đồng doanh thu thuần và 3.106 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 9% và 16% so với cùng kì năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Vinamilk đạt 45.277 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế thu về 8.967 tỉ đồng, tương ứng tăng 7% cả về doanh thu và lợi nhuận sao với cùng kì. Như vậy, Vinamilk đã thực hiện được 76% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bên cạnh đó, khối ngoại bán ròng trăm tỉ đồng cổ phiếu HPG (293 tỉ đồng) cùng hai mã họ Vingroup VHM (174 tỉ đồng) và VRE (136,5 tỉ đồng).
Sau 8 tháng đầu năm, "ông lớn" Hòa Phát đứng thứ hai về sản lượng tiêu thụ phôi thép, đạt 3.554 tỉ đồng, chỉ sau Formosa. Tuy nhiên về thép xây dựng, Hòa Phát dẫn đầu thị phần toàn ngành với 32%, theo sau là nhóm VNSteel với 16,5%, Vinakyoei 7,5%, Pomina 7,2%, Formosa Hà Tĩnh với 6,3%,…
Cùng chiều bán ra, cổ phiếu VTG ghi nhận giá trị 84 tỉ đồng, VIC (63 tỉ đồng), GAS (60 tỉ đồng. Ngoài ra, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi CRE (51 tỉ đồng), VJC (50 tỉ đồng) và VPB (32 tỉ đồng).
Top10 mã thu hút dòng tiền từ NĐT nước ngoài ghi nhận ba chứng chỉ quĩ ETF nội gồm FUEVFVND (34 tỉ đồng), FUESSVFL (14 tỉ đồng) và FUESSV30 (6,3 tỉ đồng).
Tại giao dịch cổ phiếu, khối ngoại gom nhiều mã SSI và DCM lần lượt 46 tỉ đồng và 13 tỉ đồng. Đây là hai mã đi theo đà tăng của thị trường từ cuối tháng 7 đến nay, lần lượt tăng 32% và 55% giá trị cổ phiếu. Mặt khác, các mã hút vốn ngoại dưới 10 tỉ đồng có DMC, KDC, KDH, MSH và SBT.
NĐT ngoại bán ròng trên HNX, tập trung cổ phiếu DXP
Diễn biến tương tự trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 80 tỉ đồng tuần qua cùng khối lượng 6,7 triệu cổ phiếu. Hoạt động bán ròng của khối này diễn ra vào tất cả phiên trong tuần, tập trung tại ngày thứ Ba.
Tại phía bán ròng, đáng chú ý có cổ phiếu DXP chịu áp lực xả gần 51 tỉ đồng. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất tại UPCoM ghi nhận giá trị ròng trên 10 tỉ đồng trong tuần. Phiên 29/9 trong tuần, mã này tăng kịch trần kèm thanh khoản bùng nổ lên 3,2 triệu đơn vị - cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Theo sau đó, khối ngoại rút vốn khỏi NTP (6 tỉ đồng), SLS (5,2 tỉ đồng), VCS (4,1 tỉ đồng). Ngoài ra, các mã cùng chiều bán ròng còn có PVS, TIG, VCG, LAS, VMC, ART.
Ngược lại, NĐT nước ngoài rót vốn cho cổ phiếu INN, CEO, DP3, WCS, SHB, SHS. Một số mã khác cùng chiều như CDN, PVI, CPC và IDV.
Hoạt động mua ròng của khối ngoại áp đảo duy nhất tại UPCoM
Duy nhất tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng nhẹ 4,8 tỉ đồng, tuy nhiên bán ròng khối lượng 420.095 đơn vị. Trong tuần, khối này chỉ bán ròng hai phiên cuối tuần trong khi mua ròng tại các phiên còn lại.
Thống kê giá trị giao dịch cụ thể, trước những tín hiệu dần phục hồi của ngành hàng không và dịch vụ hàng không khi tình hình dịch bệnh trong nước ổn đỉnh trở lại, khối ngoại rót vốn vào ACV (19 tỉ đồng). Mã này theo đó dẫn đầu chiều mua ròng trên UPCoM.
Cùng với đó, khối ngoại mua ròng cổ phiếu MCH (3,4 tỉ đồng), LPB (1,2 tỉ đồng), WSB (1 tỉ đồng) và các mã dưới 1 tỉ đồng như ABI, FOC, VTP, MIG và MLS.
Trong khi đó, cổ phiếu chịu áp lực bán ròng chủ yếu từ khối này là VGG (14,4 tỉ đồng), kế đến là VEA (3,3 tỉ đồng), QNS (2,6 tỉ đồng), CTR (2,2 tỉ đồng). Mặt khác, dòng vốn ngoại rút khỏi HND, LTG, MSR, VOC, DC1 và ADG.