|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 27/6 – 1/7: Khối ngoại gom trăm tỷ đồng cổ phiếu HOSE trong khi xả trên HNX và UPCoM, tâm điểm mua nhóm ngân hàng

18:59 | 02/07/2022
Chia sẻ
Tuần giao dịch cuối tháng 6 (27/6 – 1/7), VN-Index tăng điểm nhẹ song vẫn chưa thể chinh phục thành công ngưỡng 1.200 điểm dù đã có 3 phiên đóng cửa trên ngưỡng này. Điểm tích cực là hoạt động mua ròng của khối ngoại và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán.

 Cổ phiếu CTG của VietinBank được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong tuần 27/6 - 1/7. Ảnh: Thu Hà.

Khối ngoại đảo chiều mua ròng 120 tỷ đồng cổ phiếu trên HOSE

Thống kê giao dịch cụ thể trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 182 tỷ đồng với khối lượng hơn 10,8 triệu đơn vị. Khối này đảo chiều mua ròng cổ phiếu niêm yết trên sàn này với gần 120 tỷ đồng. Tuần trước đó (20 – 24/6) ghi nhận giá trị bán ròng hơn 54 tỷ đồng.

Quy mô mua ròng chứng chỉ quỹ hóa đổi danh mục (ETF) nội giảm từ 134,2 tỷ đồng tuần trước xuống còn 65,4 tỷ đồng tuần này. Tâm điểm của dòng tiền vẫn là DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) với giá trị 91,35 tỷ đồng trong khi E1VFVN30 bị bán 35 tỷ đồng.

 Giao dịch cổ phiếu của khối ngoại trên sàn HOSE tuần 27/6 - 1/7. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

Chi tiết theo từng mã, cổ phiếu CTG của VietinBank dẫn đầu về quy mô mua ròng trong tuần với 234,5 tỷ đồng. Lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài đẩy giá CTG tăng 8,89% lên 26.950 đồng/cp. Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã ngân hàng khác như STB (108 tỷ đồng), HDB (91 tỷ đồng). Nằm ngoài top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có EIB, TPb, SHB, BID, LPB.

Trong nhóm tài chính, cổ phiếu VND của VNDirect cũng có giá trị mua ròng gần 165 tỷ đồng trong tuần khởi sắc tăng giá hơn 8%. Trong khi đó cổ phiếu SSI bị bán ròng nhẹ 35,3 tỷ đồng.

Hai mã được mua ròng trên 100 tỷ đồng còn có GEX (118 tỷ đồng) và MSN (146,5 tỷ đồng). Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn nhóm bất động sản như NLG, HDG, KBC với cùng quy mô 56 tỷ đồng.

Ở chiều bán ra, mã NVL và DGC dẫn đầu với quy mô 191,4 tỷ đồng và 191,2 tỷ đồng. Không còn được gom mạnh giai đoạn trước đó, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang liên tục bị xả trong giai đoạn gần đây.

Theo dõi giao dịch cho thấy rằng dòng tiền ngoại còn rút ra ở loạt bluechip với quy mô trên 100 tỷ đồng như VPB (168 tỷ đồng), HPG (162 tỷ đồng), VNM (153 tỷ đồng), VIC (119 tỷ đồng) và VCB (118 tỷ đồng). Hai cổ phiếu bị bán ra dưới 100 tỷ đồng có DCM (87,2 tỷ đồng) và MWG (28,2 tỷ đồng).

Sàn HNX và thị trường UPCoM bị rút ròng

Đối lập xu hướng giao dịch trên HOSE, khối ngoại bán ròng 37,6 tỷ đồng trên HNX. Giá trị mua vào và bán ra lần lượt là 49,35 tỷ đồng và 86,98 tỷ đồng.

 Giao dịch cổ phiếu của khối ngoại trên sàn HNX tuần 27/6 - 1/7. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội là tâm điểm bán ròng với gần 48 tỷ đồng. Mã này bị bán ròng mạnh nhất trong phiên 1/7, đạt 49,1 tỷ đồng. Những mã khác trên HNX bị bán 1 – 5 tỷ đồng có KLF, NVB, BVS, EID.

Ở chiều mua vào, các cổ phiếu đều ghi nhận lực mua thấp hơn 10 tỷ đồng. Mã PVS được mua mạnh nhất (8,5 tỷ đồng), theo sau là TNG (5,5 tỷ đồng), IDC (3,9 tỷ đồng), SD5 (1,7 tỷ đồng), VHL (1,2 tỷ đồng).

Tương tự sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 72,66 tỷ đồng trên UPCoM với chiều mua (84,58 tỷ đồng) và bán (157,24 tỷ đồng). Lũy kế kể từ đầu năm đến phiên 1/7, dòng tiền ngoại đổ vào thị trường này đạt 1.580 tỷ đồng.

 Giao dịch cổ phiếu của khối ngoại trên thị trường UPCoM tuần 27/6 - 1/7. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

Cũng giống như trên HOSE, cổ phiếu nhóm dầu khí, hóa chất, phân bón bị bán ròng mạnh. Mã BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn có giá trị bán ròng gần 83 tỷ đồng, đứng sau là VEA (10,4 tỷ đồng). Những mã còn lại bị bán dưới 1 tỷ đồng như OIL, SWC, SBS. Ở chiều mua vào, QNS mạnh nhất với 11,5 tỷ đồng. Một số mã khác cũng được mua như VTP, CSI, MPC và ABI.

Từ xu hướng giao dịch trong tuần thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên HOSE khá cân bằng quy mô bán ròng trên HNX và UPCoM. Đồng nghĩa rằng dòng tiền ngoại tỏ ra vẫn khá dè dặt trong giai đoạn thị trường tìm điểm cân bằng quanh ngưỡng 1.200 điểm.

Nếu như giai đoạn trước đó, thị trường được hỗ trợ bởi dòng tiền ngoại tìm để các cổ phiếu hết room trong rổ VNDiamond. Những phiên gần đây lực cầu ngoại yếu dần đi. Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang được cho rằng định giá rẻ, song xu hướng dòng tiền từ các nhóm nhà đầu tư lại dường như chưa thể tạo ra lực đẩy cho thị trường.

Hoàng Linh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.