Tuần 27/6 – 1/7: Khối tự doanh tiếp tục gom gần 570 tỷ đồng cổ phiếu khi VN-Index kiểm định lại vùng đáy 1.170 – 1.180 điểm
Quan sát giao dịch trong tuần qua thấy rằng dường như chỉ số kiểm định thành công vùng đáy quanh 1.160 – 1.170 điểm. Mở cửa tuần giao dịch với phiên tăng điểm mạnh, VN-Index nỗ lực vươn lên trên vùng 1.200 điểm với hai phiên (28 – 29/6) đóng cửa trên ngưỡng này. Song, phiên giảm sâu ngày 30/6 lấy đi toàn bộ thành quả của tuần giao dịch.
Phiên giao dịch mở màn đầu tháng 7, thị trường giao dịch đầy cảm xúc khi VN-Index hồi phục ngoạn mục. Có thời điểm trong phiên chỉ số mất hơn 20 điểm, rơi xuống dưới ngưỡng 1.175 điểm. Lực cầu gia nhập giúp chỉ số bật tăng trở lại và chuyển sang sắc xanh. Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.198,9 điểm, tăng hơn 13 điểm trong tuần qua.
Mặc dù một tín hiệu tích cực của thị trường đó là VN-Index tạo nến rút chân và cho tín hiệu tạo nền vững chắc ở ngưỡng 1.170 điểm, nhưng kỳ vọng thị trường sớm bật tăng mạnh ở vùng giá này là không lớn. Theo góc nhìn của nhiều đơn vị phân tích trên thị trường, chỉ số kỳ vọng giao dịch lình xình ở ngưỡng điểm này.
Khối tự doanh tiếp tục gom gần 570 tỷ đồng cổ phiếu
Về xu hướng dòng tiền, lực cầu từ khối ngoại và bộ phận tự doanh đóng vai trò nâng đỡ thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên 100 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu CTG, VND và MSN.
Điểm đáng lưu ý là giao dịch từ khối tự doanh khi nhóm này có hai tuần mua ròng cổ phiếu liên tiếp. Hoạt động mua ròng cổ phiếu tuần này diễn ra trên cả hai sàn và thị trường UPCoM với tổng giá trị 566,8 tỷ đồng, cao hơn ngưỡng 440,7 tỷ đồng của tuần trước đó (20 – 24/6). Tổng giá trị mua ròng cổ phiếu của khối tự doanh trong hai tuần qua vượt 1.000 tỷ đồng.
Giao dịch trên HOSE, khối tự doanh CTCK mua ròng tổng cộng 421,2 tỷ đồng cổ phiếu tuần này, giảm so với mức 537,5 tỷ đồng của tuần trước đó. Tại giao dịch chứng chỉ quỹ ETF nội, chứng quyền, khối này tiếp tục bán ròng 259,8 tỷ đồng. Hai mã ETF nội là FUEVFVND và FUESVFL bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 224,07 tỷ đồng và 22,3 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, bộ phận tự doanh đảo chiều mua ròng 15,1 tỷ đồng trong tuần (27/6 – 1/7), trong khi bán ròng 87,3 tỷ đồng tuần trước. Tương tự bộ phận tự doanh đảo chiều mua ròng 130,5 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.
Những mã nào được mua ròng mạnh nhất?
Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu EIB của Eximbank dẫn đầu về giá trị mua ròng (207,6 tỷ đồng), tiếp đến là mã HTM của Hapro với 124,9 tỷ đồng. Ghi nhận trong phiên 28/6, cổ phiếu HTM được giao dịch thỏa thuận 9,68 triệu đơn vị với giá trị như trên. Phía mua vào là Chứng khoán Asean, trước đó đơn vị này chưa từng sở hữu cổ phần.
Cổ phiếu niêm yết trên HNX được mua mạnh là EID của CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội với giá trị 15,1 tỷ đồng. Trong ngày 28/6, mã này cũng giao dịch đột biến với giao dịch thỏa thuận khối lượng 720.000 đơn vị, tương ứng giá trị 15,12 tỷ đồng.
Trên HOSE, ngoài EIB, các mã khác lọt nhóm mua ròng mạnh nhất có GEX (115,8 tỷ đồng), FPT (55 tỷ đồng), KDH (50,9 tỷ đồng), MWG (45,4 tỷ đồng). Những mã chứng khoán khác được mua ròng với quy mô 15 – 50 tỷ đồng như FPT, DCM, KDH, SZC.
Ở chiều bán ra, cổ phiếu VIC của Vingroup dẫn đầu với 54 tỷ đồng, theo sau là loạt mã ngân hàng như VCB, GAS, NAB, STB, DXG, GMD với giá trị 10 - 25 tỷ đồng.
Khối tự doanh ưu tiên Mua (Long) phái sinh khi VN-Index dò đáy
Giao dịch trên thị trường phái sinh, trong tuần VN-Index kiểm định lại vùng đáy quanh 1.170 – 1.180 điểm, bộ phận tự doanh CTCK ưu tiên vị thế Mua (Long), đối lập với xu hướng giao dịch của tuần trước đó.
Thống kê cụ thể, khối tự doanh Mua (Long) tổng cộng 13.997 hợp đồng trong tuần này và Bán (Short) 12.558 hợp đồng. Lượng Bán (Short) tuần này tiếp tục giảm so với mức 16.913 hợp đồng của tuần trước, cùng xu hướng giảm của vị thế Mua (Long).
Với sự thu hẹp về quy mô giao dịch, tổng giá trị giá trị Long/Short trên thị trường phái sinh của khối tự doanh trong tuần này giảm xuống còn 1.606 tỷ đồng và 1.786 tỷ đồng.