|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 26 – 30/9: Tự doanh xuống tiền gần 3.000 tỷ đồng bắt đáy cổ phiếu tuần đỏ lửa, đâu là tâm điểm của dòng tiền?

08:00 | 01/10/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần đỏ lửa khi VN-Index có thời điểm lùi xuống dưới mốc 1.100 điểm. Tín hiệu tích cực khi bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều mua ròng nghìn tỷ, đóng vai trò hỗ trợ tâm lý thị trường.

Việc VN-Index “thủng” ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần tác động tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư. Sau đó chỉ số đã có 4 phiên giảm điểm liên tiếp. Trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số có thời điểm lao xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm, đạt mốc thấp nhất 1.099,44 điểm.

Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index ở 1.132,11 điểm, giảm 5,91% so với tuần trước, đánh dấu tuần giảm sâu nhất kể từ tháng 5. Tính từ đầu năm, chỉ số này mất 24,44%. Hai cổ phiếu “họ Vingroup” là VHM và VIC tác động lớn nhất đến chỉ số.

Tương tự, VN30-Index và HNX-Index giảm lần lượt 5,22% và 5,37%, trong khi đó UPCoM-Index mất 4,1%, còn 84,96 điểm.

Đà giảm điểm của chứng khoán Việt Nam chung xu hướng với một số thị trường chứng khoán khác trong khu vực khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 4,48%, Hàn Quốc (-5,87%), Thái Lan (-2,64%), Indonesia (-1,92%). Trong phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones của Mỹ cũng mất mốc 29.000 điểm, đánh dấu mức giảm 2,92%.

  Giao dịch theo tuần của khối tự doanh CTCK. Nguồn: Thu Hà tổng hợp 

Khối tự doanh giải ngân gần 3.000 tỷ đồng mua bắt đáy cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt gần 1.700 tỷ đồng

Trở lại diễn biến của thị trường trong nước, điểm sáng dòng tiền đến từ việc khối tự doanh công ty chứng khoán đảo trạng thái, giải ngân mua vào trong tuần trong khi NĐT cá nhân trong nước hoảng loạn bán tháo và khối ngoại gia tăng áp lực xả.

Theo thống kê, khối này mua ròng gần 1.688 tỷ đồng cổ phiếu toàn thị trường tuần này, đánh dấu tuần mua ròng mạnh nhất kể từ khi trở lại công bố dữ liệu giữa tháng 5. Tuy vậy, với việc bán ròng liên tiếp ba tuần giao dịch trước đó, ghi nhận dòng tiền từ khối tự doanh bán ra gần 680 tỷ đồng trong tháng 9.

Quan sát diễn biến giao dịch của khối tự doanh trong tuần, nhóm này mua ròng 4/5 phiên giao dịch và chỉ bán ròng phiên thứ Tư (28/9).

Trên sàn HOSE, khối tự doanh mua ròng gần 1.677 tỷ đồng cổ phiếu, cao nhất kể từ giữa tháng 5. Cụ thể, khối này mua ròng 1.771 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trong khi bán thỏa thuận 94,7 tỷ đồng. Tổng giá trị hai chiều mua bán là 2.924 tỷ đồng và 1.248 tỷ đồng. Lực mua gấp gần 3 lần tuần trước đó.

Riêng trong phiên cuối tuần (30/9), bộ phận tự doanh mua ròng 1.029 tỷ đồng cổ phiếu trên HOSE.

Trên sàn HNX, khối tự doanh có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp, nhưng áp lực đã giảm so với các tuần trước đó. Quy mô bán ròng tuần này ghi nhận đạt 4,4 tỷ đồng. Trong khi hoạt động mua vẫn diễn ra trên thị trường UPCoM với giá trị 15,2 tỷ đồng.

Với giao dịch chứng chỉ quỹ ETF nội, khối tự doanh đảo chiều bán ròng gần 365 tỷ đồng sau khi mua ròng trong 6 tuần liên tiếp trước đó.

  Top10 mã được khối tự doanh mua/bán ròng nhiều nhất tuần 26 - 30/9. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.   

Đâu là tâm điểm của dòng tiền bắt đáy từ khối tự doanh?

Thông tin giao dịch chi tiết của khối tự doanh, dòng tiền mua vào hướng đến nhóm cổ phiếu bất động sản, thực phẩm và ngân hàng. Top10 mã được mua ròng nhiều nhất đạt giá trị 1.272 tỷ đồng.

Mã NVL của Novaland dẫn đầu về quy mô mua ròng toàn thị trường, đạt 251 tỷ đồng. Theo sau đó, cổ phiếu HPG của Hòa Phát được mua ròng 166 tỷ đồng. Mặc dù trải qua một tuần giao dịch kém sắc, hai cổ phiếu “họ Vingroup” là VHM và VIC được khối tự doanh gom lần lượt 150,2 tỷ đồng và 127,9 tỷ đồng.

Hai mã khác được mua trên 100 tỷ đồng còn có VNM (138,5 tỷ đồng) và MSN (110,3 tỷ đồng). Hoạt động mua ròng còn ghi nhận ở các mã VCB (87,5 tỷ đồng), KOS (86,8 tỷ đồng), FPT (80,8 tỷ đồng) và MBB (73 tỷ đồng).

Ở chiều bán ra, ETF nội là E1VFVN30 dẫn đầu về giá trị bán ròng với 334,1 tỷ đồng. Hai ETF khác cũng bị bán ròng là FUEVFVND (23,7 tỷ đồng) và FUEKIV30 (13,4 tỷ đồng).

Cổ phiếu DXG dẫn đầu về giá trị bán ròng với gần 185 tỷ đồng, theo sau là EIB (96,1 tỷ đồng) và OGC (52,5 tỷ đồng). Trong phiên giảm sàn cuối tháng 9, cổ phiếu EIB của Eximbank được thỏa thuận khủng với khối lượng gần 70,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 2.700 tỷ đồng. Tương tự, gần 8 triệu cổ phiếu OGC cũng được thỏa thuận trong tuần này.

Ngoài ba mã trên, khối tự doanh còn tạo áp lực bán ròng với các cổ phiếu như NLG (52 tỷ đồng), MWG (20,8 tỷ đồng), GEX (18,4 tỷ đồng), BMI (4,9 tỷ đồng).

Hoàng Linh