|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 18 - 22/1: Khối tự doanh xả hơn 710 tỷ đồng, tập trung chứng chỉ quỹ và bluechip

14:48 | 23/01/2021
Chia sẻ
Thống kê giao dịch tuần qua (18 - 22/1), bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 711 tỷ đồng. Tâm điểm giao dịch là chứng chỉ quỹ FUEVFVND khi bị bán ra tới 404 tỷ đồng.
Tuần 18 - 22/1: Khối tự doanh xả hơn 710 tỷ đồng, tập trung chứng chỉ quỹ và bluechip  - Ảnh 1.

Techcombank (Mã: TCB) nằm trong nhóm cổ phiếu được khối tự doanh giao dịch tích cực nhất tuần qua. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Trong cả tuần vừa qua, VN-Index giảm 2,3%, tương đương 27,42 điểm xuống còn 1.166,78 điểm, đánh dấu tuần sụt giảm đầu tiên sau chuỗi 11 tuần tăng liên tiếp. Trong khi đó, HNX-Index dừng tại 240,12 điểm, tăng 6,5% so với cuối tuần trước.

Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến phiên 19/1 giảm sâu chưa từng có trong lịch sử khi mất gần 61 điểm, tương ứng 5,11% cùng thanh khoản khớp lệnh vượt 1 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, bộ phận tự doanh CTCK tranh thủ mua ròng 335 tỷ đồng và đây cũng là phiên mua ròng duy nhất tuần qua.

Tính chung cả tuần, khối tự doanh bán ròng 711 tỷ đồng với khối lượng 30,8 triệu đơn vị cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trong đó phiên 20/1 ghi nhận đà rút ròng mạnh nhất với giá trị 628 tỷ đồng. 

 - Ảnh 1.

(Nguồn: Linh Giang tổng hợp từ FiinPro).

Top 10 mã dẫn đầu về giá trị mua/bán tuần 18 - 22/1

Thống kê giao dịch cụ thể trong tuần qua, khối tự doanh CTCK chủ yếu bán ra chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 404 tỷ đồng. Một chứng chỉ quỹ khác cũng lọt top bán ra trong tuần là E1VFVN30 (261 tỷ đồng).

Theo sau là hai cổ phiếu TCB và HPG với giá trị bán lần lượt là 272,5 tỷ đồng và 261 tỷ đồng. Cùng chiều, khối tự doanh CTCK còn tạo áp lực bán lên các cổ phiếu như DIG (186 tỷ đồng), VNM (159,5 tỷ đồng), VPB (142 tỷ đồng) và FPT (140 tỷ đồng).

Liên quan đến mã DIG, HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) vừa có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo tỷ lệ đối ứng vốn đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, công ty cũng đặt mục tiêu vốn hóa thị trường đạt 40.000 - 50.000 tỷ đồng, quy mô doanh nghiệp lọt top cao của khối doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán với tổng tài sản xấp xỉ 45.000 - 50.000 tỷ đồng.

Đối với cổ phiếu VPB, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2020 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 13.000 tỷ đồng, vượt 27,5% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019. 

Bên cạnh đó, bộ phận tự doanh còn thoái vốn khỏi hai mã VIC (129 tỷ đồng) và MWG (112 tỷ đồng). Về mã VIC, theo tờ Korea Times, Vingroup chuẩn bị mua lại tất cả các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Tập đoàn điện tử LG (LG Electronics) tại Việt Nam, Trung Quốc và Brazil.

 - Ảnh 2.

(Nguồn: Linh Giang tổng hợp từ FiinPro).

Tại chiều mua, khối tự doanh tập trung giao dịch cổ phiếu HPG với giá trị 349 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng vốn tự doanh còn rót vào các mã TCB (301 tỷ đồng), STB (205 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (191 tỷ đồng) và FPT (181 tỷ đồng).

Lọt top 10 cổ phiếu được mua vào nhiều nhất còn có VPB (158 tỷ đồng), MBB (149 tỷ đồng), MWG (147,5 tỷ đồng), MSN (102 tỷ đồng) và VNM (102 tỷ đồng).

Nhận định về giao dịch tuần tới, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo thị trường sẽ chịu áp lực rung lắc điều chỉnh trong một vài phiên đầu tuần và có thể hồi phục về cuối tuần tới. 

VN-Index nhiều khả năng sẽ thử thách vùng đỉnh cũ quanh 1.200 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng điểm của thị trường sẽ có thể sẽ chậm lại và đan xen các nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên. 

Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hoá rõ nét hơn theo kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đến diễn biến thị trường trong tuần cuối tháng 1. Hoạt động này cũng sẽ khiến các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số có biến động mạnh.

Linh Giang