|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 15 - 19/6: Dòng vốn ngoại rót hơn nửa tỉ USD vào thị trường, tự doanh ghi nhận thêm một tuần bán ròng

17:08 | 22/06/2020
Chia sẻ
Thống kê giao dịch tuần 15 – 19/6, khối ngoại mua ròng 14.723 tỉ đồng, giá trị chủ yếu từ giao dịch thỏa thuận khủng cổ phiếu VHM trong tuần.

Khối ngoại gom gần 15.000 tỉ đồng trên HOSE nhờ giao dịch trao tay hơn nửa tỉ USD cổ phiếu VHM

Trên HOSE, khối ngoại mua ròng đột biến 14.949 tỉ đồng với khối lượng 204 triệu đơn vị. Phần lớn giá trị mua ròng của khối này đến từ thị trường cổ phiếu (14.769 tỉ đồng), ngoài ra tại thị trường chứng chỉ quĩ ETF nội (181 tỉ đồng).

Tuần 15 - 19/6: Dòng vốn ngoại rót hơn nửa tỉ USD vào thị trường, tự doanh ghi nhận thêm một tuần bán ròng  - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Đáng chú ý, tại giao dịch cổ phiếu, giá trị mua ròng trên sàn HOSE đột biến nhờ giao dịch thỏa thuận "khủng" cổ phiếu VHM phiên 15/6. Theo đó, hơn 201 triệu cổ phiếu VHM được trao tay với giá trung bình là 75.500 đồng/cp. Tổng giá trị giao dịch lên tới 15.100 tỉ đồng.

Cùng ngày 15/6, Viking Asia Holdings II PTE. LTD thông báo giao dịch lần đầu tiên làm tăng tỉ lệ sở hữu tại Vinhomes lên 5,65% (tương đương 185,84 triệu cổ phiếu).

Bên cạnh đó, cổ phiếu HPG và PLX lần lượt ghi nhận giá trị mua ròng 103,79 tỉ đồng và 95,58 tỉ đồng. Dòng vốn ngoại còn tìm đến cổ phiếu VRE (84,04 tỉ đồng), NVL (55,41 tỉ đồng), CTG (52,28 tỉ đồng). Khối này cũng rót vốn vào BVH và DXG.

Tại giao dịch chứng chỉ quĩ ETF nội, NĐT nước ngoài gom FUESSVFL và FUEVFVND lần lượt 118,47 tỉ đồng và 78,92 tỉ đồng.

Diễn biến trái chiều, khối ngoại tập trung áp lực xả lên cổ phiếu VNM (188,21 tỉ đồng) bất chấp thông tin tích cực mới đây từ Vinamilk.

Ngày 15/6, Cơ quan liên bang về giám sát thú y và kiểm dịch động thực vật Nga đã thông báo chính thức về việc CTCP Sữa Việt Nam được phép xuất khẩu các sản phẩm sữa vào lãnh thổ trong EAEU dưới sự giám sát của cơ quan Hải Quan trong liên minh.

Vinamilk cũng là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam được đăng kí thành công vào danh sách các cá nhân tổ chức được xuất khẩu sữa vào khu vực EAEU.

Theo sau đó, cổ phiếu MSN ghi nhận giá trị bán ròng (113,62 tỉ đông). Về những động thái mới đây của doanh nghiệp này, Masan Beverage (MSB), đơn vị thành viên của Tập đoàn Masan dự kiến nắm trọn Vinacafé Biên Hòa thông qua giao dịch mua vào 401.000 cổ phiếu VCF trong thời gian từ ngày 17/6 đến 16/7 tới đây.

Ngoài ra, Tập đoàn Masan có Tân Tổng giám đốc khi HĐQT công ty vừa thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Danny Le giữ chức danh Tổng giám đốc Masan Group nhiệm kì 5 năm từ ngày 19/6.

Hai cổ phiếu còn lại bị khối ngoại bán ròng trên trăm tỉ đồng tuần qua gồm VIC (110,09 tỉ đồng) và VCB (104,6a tỉ đồng). Đáng chú ý, cổ phiếu VIC mới đây ghi nhận phiên tăng trần ngày 19/6.

Cùng chiều, NĐT nước ngoài bán ròng dưới trăm tỉ cổ phiếu STB (58,52 tỉ đồng), VJC (54,24 tỉ đồng), HDG (52,05 tỉ đồng) và HDB (50,86 tỉ đồng), ngoài ra còn có PDR và HSG.

Ngược lại, dòng vốn ngoại rút khỏi sàn HNX

Trong khi đó, trên HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 7,1 tỉ đồng với khối lượng 1,65 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng của NĐT nước ngoài diễn ra hầu hết phiên trong tuần, ngoại trừ ngày thứ Năm.

Tuần 15 - 19/6: Dòng vốn ngoại rót hơn nửa tỉ USD vào thị trường, tự doanh ghi nhận thêm một tuần bán ròng  - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Trong đó, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu SHB (10,42 tỉ đồng), SHS (6,85 tỉ đồng), ngoài ra còn KLF, THT, HLD, MCC… Ngược lại, các mã ghi nhận giá trị mua ròng như VCS (5,67 tỉ đồng), TKU, TIG, NTP…

Giá trị bán ròng trên UPCoM đột biến từ giao dịch thỏa thuận gần 300 tỉ đồng mã TID

Giao dịch tại thị trường UPCoM, hoạt động bán ròng của khối ngoại áp đảo với giá trị 219 tỉ đồng và khối lượng tương ứng 14 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, phiên thứ Năm ghi nhận giá trị bán ròng tăng mạnh 288 tỉ đồng.

Tuần 15 - 19/6: Dòng vốn ngoại rót hơn nửa tỉ USD vào thị trường, tự doanh ghi nhận thêm một tuần bán ròng  - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Đáng chú ý, cổ phiếu TID dẫn đầu phía bán ròng với giá trị 284 tỉ đồng. Phiên 18/6, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận 15,4 triệu cổ phiếu TID, tương ứng giá trị 286 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài bán ròng KDF (9,87 tỉ đồng), QNS (5,05 tỉ đồng), ACV, BSR, VGG, VLC…

Trong khi đó, khối ngoại gom chủ yếu mã VCP (50 tỉ đồng), theo sau là LPB (18,6 tỉ đồng) và VEA (15,05 tỉ đồng). Mặt khác, một số mã khác cùng chiều mua ròng ghi nhận giá trị dưới 10 tỉ đồng như VTP, MCH, VGI, FOX…

Trở lại xả trăm tỉ mã PDN, tự doanh CTCK bán ròng 570 tỉ đồng tuần qua

Về phía khối tự doanh công ty chứng khoán, giá trị bán ròng trong tuần đạt 572 tỉ đồng với khối lượng 24,3 tỉ đồng. Trong tuần, khối này tập trung xả trăm tỉ các phiên thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm.

Tuần 15 - 19/6: Dòng vốn ngoại rót hơn nửa tỉ USD vào thị trường, tự doanh ghi nhận thêm một tuần bán ròng  - Ảnh 4.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Top10 mã bị bán ròng trong tuần, khối tự doanh rút mạnh khỏi cổ phiếu PDN (203,46 tỉ đồng).

Được biết, vào tháng 5 vừa qua, CTCP Chứng khoán VNDirect đã rót khoảng 200 tỉ đồng gom 2,985 triệu cổ phiếu PDN và trở thành cổ đông lớn của CTCP Cảng Đồng Nai (sở hữu 16,12% vốn điều lệ).

Cùng thời điểm, Gelex cho biết đã bán ra 2,985 triệu cổ phiếu PDN, giảm tỉ lệ sở hữu về 4,13%.

Mặt khác, khối ngoại bán mã FUESSVFL (89,12 tỉ đồng) và FUEVFVND (79,13 tỉ đồng). Cùng ghi nhận áp lực bán ra từ khối tự doanh còn có cổ phiếu CTF (47,36 tỉ đồng), VNM (40,6 tỉ đồng), HPG (38,96 tỉ đồng).

Một số mã khác trong top bán ròng như FPT (37,97 tỉ đồng), STB (36,69 tỉ đồng), VPB (36,5 tỉ đồng) và VHM (30,77 tỉ đồng).

Top10 mã mua vào, khối tự doanh chủ yếu mua vào HDG (49,4 tỉ đồng), HPG (40,11 tỉ đồng) và MBB (33,61 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, mã FPT ghi nhận giá trị mua 27,66 tỉ đồng, E1VFVND (24,08 tỉ đồng), MWG (23,63 tỉ đồng). Khối này còn mua vào dưới 20 tỉ đồng một số mã ngân hàng như VCB, CTG, TCB và VPB.

Ánh Hường