|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 14 - 18/3: Khối ngoại giảm quy mô bán ròng xuống còn 852 tỷ đồng, gom cổ phiếu ngân hàng, phân bón và HUT

11:00 | 19/03/2022
Chia sẻ
Khối ngoại tiếp tục bán ròng tổng cộng 852,5 tỷ đồng trên toàn thị trường, tuy nhiên quy mô đã giảm đáng kể 83% so với tuần trước. Trong đó, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu ngân hàng, điển hình nhất là STB, ngoài ra cũng không bỏ lỡ mã HUT - "ông trùm" BOT.

Căng thẳng chính trị Nga - Ukraine leo thang hay quyết định phong tỏa thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đã khiến cho thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần đầy tiêu cực khi sụt giảm mất hơn 20 điểm. 

Tuy nhiên, đây cũng là phiên giảm duy nhất trong tuần qua và VN-Index đã lấy lại những gì đã mất trong 4 phiên tăng điểm sau đó. Đà phục hồi này đã giúp chỉ số lấy lại hết những điểm giảm trong phiên ngày thứ 2 (14/03/2022) và kết thúc cả tuần với sắc xanh nhẹ hơn 2 điểm. VN-Index tạm dừng chân ở mức 1,469.10 điểm.

VN-Index kết thúc tuần với sắc xanh nhẹ khi tăng 2,56 điể, tương đương 0,17% lên 1.469,1 điểm. Trong khi đó, HNX-Index dừng tại 451,21 điểm, tăng tổng cộng 2,04% so với tuần trước.

Khối lượng giao dịch trong tuần vừa qua giảm đáng kể, điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát đợi những tín hiệu mua rõ ràng hơn để giải ngân. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 686 triệu cp/phiên, giảm 18,8% so với tuần trước. 

Khối ngoại tiếp tục bán ròng tổng cộng 852,5 tỷ đồng trên toàn thị trường, tuy nhiên quy mô đã giảm đáng kể 83% so với tuần trước.

Dòng tiền NĐT nước ngoài tiếp tục chốt lời tại nhiều nhóm ngành, điển hình nhất là bất động sản (1.249 tỷ đồng), chứng khoán (730 tỷ đồng), kim loại (357 tỷ đồng)... Tuy nhiên, khối này đã hướng lực mua đến một số ngành như ngân hàng (626 tỷ đồng), hoá chất (364 tỷ đồng)....

Gom cổ phiếu ngân hàng nhưng chốt lời mạnh bluechip

Động thái rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại với quy mô bán ròng 1.169 tỷ đồng trên sàn HOSE tuần qua, tuy nhiên đã giảm đáng kể so với tuần trước đó.

Xét giao dịch theo từng mã, tâm điểm bán ròng vẫn thuộc về cổ phiếu bluechip. Trong đó, MSN của Tập đoàn Masan dẫn đầu với giá trị gần 496 tỷ đồng, tương đương 3,6 triệu đơn vị. Theo sau là các mã VIC (444 tỷ đồng), NVL (355 tỷ đồng), HPG 344 tỷ đồng) và VHM (247,5 tỷ đồng).

Các cổ phiếu vốn hoá lớn tiếp tục trải qua một tuần giao dịch không mấy tích cực, điển hình có MSN và HPG đã kéo VN-Index xuống gần 5 điểm. Hai cổ phiếu họ Vingroup là VIC và VHM dù không có biên độ giảm quá lớn và vẫn trong quá trình đi ngang nhưng giao dịch ảm đạm, thanh trung bình 10 phiên gần nhất tương ứng đạt 3,2 triệu đơn vị và 5 triệu đơn vị. 

Nhóm chứng khoán cũng bị chốt lời mạnh tay trong tuần này với hai đại diện là SSI (178 tỷ đồng) và VCI (112 tỷ đồng). LPB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất lọt top 10 danh mục bán ròng với quy mô 156 tỷ đồng, trong đó giao dịch tập trung chủ yếu trong phiên 16/3. 

Sau khi liên tục gom mua trong 2 tháng đầu năm, NĐT nước ngoài bắt đầu có động thái chốt lời cổ phiếu DXG khi mã này đang neo trên vùng đỉnh. Tuần qua, Dragon Capital đã bán 3,6 triệu cổ phiếu DXG thông qua giao dịch của ba quỹ thành viên trong phiên 14/3. 

Ngay sau đó, trong phiên 15/3, VEIL tiếp tục bán thêm 1 triệu cổ phiếu DXG. Theo đó, quỹ thành viên này giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 30,96 triệu đơn vị xuống 29,96 triệu đơn vị, tương đương giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,156% xuống 4,989% và không còn là cổ đông lớn của Đất Xanh.

dfdsv - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Chiều ngược lại, cổ phiếu STB tiếp tục hút tiền khi giá trị mua ròng dẫn đầu toàn thị trường, đạt 536 tỷ đồng, gấp 5 lần so với giao dịch tuần trước. Theo ghi nhận, mã này được NĐT nước ngoài mua ròng cả 5/5 phiên và luôn đứng đầu danh sách những cổ phiếu được gom nhiều nhất.

Hai mã ngân hàng cũng được khối ngoại tích cực gom mua là VPB (142 tỷ đồng) và CTG (99 tỷ đồng). Nhìn chung, nhóm cổ phiếu vua đã dần lấy lại vị thế trong tuần qua khi ra sức gồng đỡ thị trường trước những áp lực bán tại các nhóm ngành hàng hoá. 

Tuần 14 - 18/3: Khối ngoại giảm quy mô bán ròng xuống còn 852 tỷ đồng, gom cổ phiếu ngân hàng, phân bón và HUT - Ảnh 2.

Cổ phiếu STB dẫn đầu danh mục mua ròng toàn thị trường tuần 14 - 18/3. (Ảnh: Bảo Ngọc).

Lực cầu còn hướng đến cổ phiếu FPT với giá trị 328 tỷ đồng. Mã này có một tuần giao dịch khá sôi động và đà tăng gần như "ăn theo" cổ phiếu công ty con FRT. Tuần qua, FRT đã tăng mạnh và lập đỉnh lịch sử tại 145.800 đồng/cp. 

Mặc dù cổ phiếu nhóm hàng hoá nói chung và phân đạm nói riêng đã bước vào giai đoạn điều chỉnh sau khi tăng nóng, dòng tiền ngoại vẫn tiếp tục tìm đến DPM (221 tỷ đồng) và DCM (109 tỷ đồng).

NĐT nước ngoài cũng giải ngân thêm vào các mã vốn hoá lớn như VJC (212 tỷ đồng), VRE (170 tỷ đồng) và PNJ (104 tỷ đồng).

Gom mua HUT trước đà tăng nóng

Tuần qua, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX nghiêng về bên mua với quy mô gần 28 tỷ đồng. Trong đó, CEO là cổ phiếu được gom nhiều nhất với 73 tỷ đồng.

Nếu như các cổ phiếu cùng hệ sinh thái như DNP, JVC, NVT hay VC9 chỉ mới trần cứng từ đầu tuần này thì mã HUT đã có đà tăng giá từ nửa năm qua, tăng phi mã từ dưới 10.000 đồng/cp lên quanh 46.700 đồng/cp như hiện nay. Khối ngoại theo đó cũng không bỏ lỡ và mua ròng cổ phiếu HUT 53,5 tỷ đồng.

Đà tăng của mã này liên quan kỳ vọng tăng trưởng của "trùm BOT" Tasco. Hiện doanh doanh nghiệp này mạnh tay đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam. Bên cạnh mảng giao thông, Tasco còn được biết đến khi là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội.

Đáng chú ý, HUT cũng là một trong 8 cổ phiếu lọt rổ VNM ETF trong kỳ cơ cấu quý I. Cụ thể, theo ước tính quỹ này sẽ mua vào khoảng 2,55 triệu USD cổ phiếu HUT, tương đương 1,58 triệu cổ phiếu.

Một cổ phiếu chứng khoán là SHS cũng được dòng tiền ngoại tìm đến với giá trị 34 tỷ đồng. Theo sau là các mã với giá trị không quá 2 tỷ đồng như PVI, GIC...

dfdsv - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Đáng chú ý, khối này tiếp tục tập trung chốt lời cổ phiếu PVS gần 63 tỷ đồng. Đồng pha với diễn biến giá dầu thế giới, cổ phiếu dầu khí quay đầu điều chỉnh, sau đó hồi phục trong phiên cuối tuần.

Theo sau, dòng tiền ngoại chỉ rút khỏi một số mã quen thuộc, có thể kể đến THD (21 tỷ đồng), IDC (15 tỷ đồng), VCS (11 tỷ đồng) và PLC (9 tỷ đồng).

Tích cực mua ròng VTP trước đà tăng 12% chỉ trong một tuần

Khối ngoại chưa dừng mua ròng trên thị trường UPCoM, tuy nhiên giá trị đã giảm khoảng 30% so với tuần trước xuống còn 32 tỷ đồng. 

Cổ phiếu VTP của Viettel Post bất ngờ hút 17 tỷ đồng dòng vốn ngoại. Tính riêng trong tuần này, mã này đã tăng hơn 12%, đi cùng với đó là sự nổi sóng của cổ phiếu cùng hệ sinh thái CTR. 

Lực cầu theo sau cũng tìm đến một số cổ phiếu như VEA (6 tỷ đồng), MCM (4,5 tỷ đồng), GHC (3 tỷ đồng) và QTP (2,5 tỷ đồng).

Chiều bán giao dịch khá ảm đạm khi mã ACV bị bán ròng mạnh nhất chỉ với 5 tỷ đồng. Kế đến, một số mã với lực xả khiêm tốn hơn, ví dụ như QNS (4,5 tỷ đồng), VNA (2 tỷ đồng), HPP (1,6 tỷ đồng) và KLB (0,9 tỷ đồng).

dfdsv - Ảnh 3.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Bảo Ngọc

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.