Từ việc DoorDash báo lãi 23 triệu USD: Tín hiệu tích cực cho thị trường giao món Việt Nam?
Sau 7 năm làm startup, ứng dụng giao món DoorDash đã báo lãi
Theo CNN đưa tin, công ty dịch vụ giao đồ ăn DoorDash (Mỹ) đang chuẩn bị lên sàn chứng khoán, động thái này của công ty được thực hiện trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dịch vụ giao đồ ăn của DoorDash ở mức cao khi đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.
Hôm 13/11, DoorDash, công ty có tuổi đời 7 năm, đã nộp đơn xin phát hành cổ phiếu công khai lần đầu, đồng thời họ cũng tiết lộ rằng trong 9 tháng năm 2020, công ty đã đạt doanh thu 1,9 tỉ USD. Trong thời gian đó, họ vẫn chịu thua lỗ 149 triệu USD, con số này thấp hơn rất nhiều so với mức thua lỗ cùng kì năm 2019 là 533 triệu USD.
Tuy nhiên, trong suốt quí II/2020 (thời điểm đại dịch bùng phát mạnh mẽ nhất), DoorDash đã thu về lợi nhuận 23 triệu USD.
Việc một nền tảng giao đồ ăn có lãi là câu chuyện tương đối đáng chú ý trong ngành ứng dụng giao món. Trên thực tế, hầu hết các ứng dụng trên thị trường quốc tế nói chung và Đông Nam Á nói riêng đều chưa dám báo lãi.
Thậm chí, một ứng dụng từng có sức ảnh hưởng lớn như Uber cũng phải từ bỏ mảng giao đồ ăn Uber Eats ở nhiều thị trường châu Á, như Ấn Độ hay Hàn Quốc. Cổ phiếu Uber cũng liên tục lao dốc sau khi IPO hồi tháng 5/2019.
DoorDash viết trong lá đơn xin IPO: "Bất chấp đại dịch, nền tảng của chúng tôi đã trở thành "dây cứu sinh" cho các nhà buôn. Đối với hàng triệu người lao động mới bị thất nghiệp, nhu cầu về cơ hội kiếm tiền được giải quyết".
DoorDash tiết lộ công ty sẽ niêm yết công ty trên sàn giao dịch chứng khoán New York.
Công ty cũng phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều tên tuổi lớn như Uber Eats (vừa gia tăng sức mạnh sau khi mua lại PostMates), Grubhub (công ty mới được mua lại bởi một công ty Phần Lan), Just Eat Takeaway.com. Việc cạnh tranh khiến giá giảm xuống và khách hàng là người được hưởng lợi.
Trong khi nổi tiếng nhất với dịch vụ giao đồ ăn từ các nhà hàng, DoorDash nói rằng họ sẽ xây dựng thêm các dịch vụ mới, bao gồm cả nền tảng giao vận theo nhu cầu, có thể giao rau củ trong vòng một tiếng, hay giao kem mà không bị chảy. Họ đang thực hiện việc bằng cách hợp tác với các cửa hàng tiện lợi và rau củ.
Tuy nhiên những lĩnh vực mới cũng gặp phải sự cạnh tranh không hề nhỏ. Ví dụ trong lĩnh vực giao rau củ theo nhu cầu, một cái tên nổi bật phải kể đến là Instacart, gần đây họ đã hợp tác với Walmart để cạnh tranh với Amazon.
Tín hiệu tích cực cho thị trường giao món tại Việt Nam
Grab hay Gojek có xuất phát điểm là các ứng dụng gọi xe công nghệ. Tuy nhiên sau khi xây dựng được hệ sinh thái tài xế, cả hai đều nhảy vào mảng giao đồ ăn. Và trên thực tế, cả hai đều có những bước tiến sâu trong lĩnh vực này.
Mới đây, Grab đã công bố tỉ trọng doanh thu của mảng giao đồ ăn. Theo đó, "GrabFood" đã đóng góp tới 50% vào doanh thu của công ty trong năm 2020. Trước đó trong bài phỏng vấn CNBC, một lãnh đạo cấp cao của Grab đã tiết lộ mảng giao đồ ăn sẽ là động lực chính để kì lân gọi xe hướng tới việc có lãi.
Tương tự với Gojek, mảng giao đồ ăn của ứng dụng này cũng siêu tăng trưởng trong mùa dịch. Cụ thể, số nhà hàng trên nền tảng đã tăng từ 500.000 (cuối năm ngoái) lên 900.000 (ở thời điểm hiện tại). Gojek cũng khẳng định đang trên đường tạo ra lợi nhuận sau nhiều năm thua lỗ.
Với việc triển khai dịch vụ giao món, các nền tảng như Grab hay Gojek có thể thu phí chiết khấu từ hai đầu (từ nhà hàng cung cấp dịch vụ, và từ chiết khấu cuốc xe cho tài xế).
Trong khi đó, một nền tảng chia sẻ trong làng gọi xe khác của Việt Nam là be lại nói không với thị trường gọi món. Một bài viết trên TechInAsia phân tích về câu chuyện này: "Với việc hợp tác với các đối tác, be có thể tạo ra nhiều dịch vụ mà không cần tốn quá nhiều chi phí. Đáng chú ý, be vẫn tránh việc tham gia vào thị trường gọi món vốn hết sức cạnh tranh tại Việt Nam".
Thậm chí, be còn đặt ra mục tiêu có lãi vào năm 2021, trong khi nhiều ứng dụng khác vẫn chưa dám đưa ra một cột mốc cụ thể. Do đó có thể thấy, quan điểm của các công ty hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ vẫn rất khác nhau về sự thành công của thị trường giao đồ ăn.
Trên thực tế, việc một ứng dụng giao món lớn có lãi như DoorDash có thể là một dấu hiệu đáng mừng cho các nền tảng giao món tại Việt Nam, hoặc các nền tảng gọi xe muốn tham gia vào thị trường giao món.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc vận hành Baemin Việt Nam, thị trường giao món Việt mới ở giai đoạn đầu và cơ hội vẫn còn lớn cho tất cả các ứng dụng.