|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ tháng 8, CPI sẽ không còn lực kéo xuống từ giá xăng dầu, tiêu dùng cũng tăng trưởng thấp hơn so với nửa đầu năm

13:43 | 04/08/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, nhờ mặt bằng giá xăng cao của 7 tháng đầu năm ngoái khiến CPI năm nay không tăng cao, tuy nhiên từ tháng 8 tác động kéo CPI của giá xăng sẽ không còn. Đồng thời, mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ cũng thấp đi chỉ còn khoảng 4-5% thay vì tăng trên dưới 10% như nửa đầu năm.

Một trong những yếu tố tích cực nhìn từ dữ liệu vĩ mô 7 tháng đầu năm là lạm phát khá thấp khi bình quân 7 tháng chỉ tăng 3,12%, lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022.

Lạm phát thấp cũng là nguyên nhân giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng từ cuối quý I bằng việc hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tục. Trong khi tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn phải tiếp tục tăng lãi suất.

Bàn về câu chuyện này tại talk show Bàn tròn đầu tư do kênh Tài chính & Kinh doanh thực hiện, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho biết, trên thế giới hiện đã phân rõ hai cực chính sách tiền tệ. Một bên, Mỹ và châu Âu vẫn đang tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát còn tại châu Á bao gồm: Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam lại ưu tiên hơn cho tăng trưởng.

Vì sao lạm phát nửa đầu năm khá thấp?

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital (trái). (Ảnh chụp màn hình).

Một trong những lý do khiến Việt Nam thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ là nhờ sự "an tâm" với lạm phát. Vậy tại sao lạm phát năm nay khá thấp? ông Tuấn nêu câu hỏi.

Theo ông, số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, lạm phát vẫn đang đang xu hướng hạ nhiệt, trung bình 7 tháng đầu năm 2023 CPI tăng 3,12% cách khá xa con số mục tiêu là 4,5%. Thậm chí, so sánh thời điểm tháng 7 năm nay so với tháng 7 năm ngoái chỉ tăng có 2,06%.

Phân tích về nguyên nhân khiến lạm phát khá thấp trong 7 tháng đầu năm, ông Tuấn cho hay, có ba cấu phần quan trọng trong mức tăng CPI, gồm: Hàng hoá và dịch vụ ăn uống; Nhà ở và vật liệu xây dựng và Giao thông.

Năm ngoái, giá xăng rất cao và đến năm nay giảm mạnh khiến CPI xăng dầu đang âm. Đây cũng là nguyên nhân tác động đến chỉ số CPI giao thông. Tuy nhiên, từ tháng 8 tác động kéo CPI của giá xăng sẽ không còn bởi từ tháng 8 năm ngoái đến nay giá xăng đã giảm và ổn định, ông Tuấn cho biết thêm.

Tổng mức bán lẻ và dịch vụ sẽ chỉ tăng trưởng 4-5%

Lợi nhuận sau thuế của nhóm ngành bán lẻ đa kênh giảm tới 116% trong quý II/2023. (Nguồn: WiChart).

Tổng cầu yếu cũng là nguyên nhân khiến lạm phát không phải mối lo trong năm nay. Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, dù tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 9% trong 7 tháng đầu năm nhưng rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ báo lỗ.

Hiện các doanh nghiệp bán lẻ trên sàn chứng khoán đa phần là phân phối ICT hoặc bán lẻ sản phẩm tiêu dùng đều báo lỗ, tuy không thể hiện toàn bộ ngành bán lẻ song cũng cho thấy một phần bức tranh khó khăn của lĩnh vực này.

Lý giải thêm về nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng trưởng hơn 10% trong 6 tháng đầu năm và giảm còn 9% khi tính trung bình 7 tháng, ông Báu cho biết, về giá trị tuyệt đối nhìn chung tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chỉ đi ngang nhưng do nửa đầu năm ngoái ngành bán lẻ nhìn chung là chậm nên khi so với cùng kỳ thì có tăng trưởng 9-10%.

"Khả năng cao là trong nửa cuối năm, mức tăng trưởng của tổng mức bán lẻ và dịch vụ hàng hoá sẽ tụt xuống chỉ còn 4-5%", CEO Wigroup dự báo. 

Theo ông Báu, đâu đó đã có sự phục hồi nhưng nếu so với sự kỳ vọng và mục tiêu đặt ra thì vẫn còn rất xa và tốc độ phục hồi còn chậm, đặc biệt là chưa thể hiện rõ sự thúc đẩy mạnh mẽ từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Hạ An