|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tù nhân Mỹ say mê đầu tư chứng khoán nhờ được chính phủ 'cấp vốn'

07:00 | 11/08/2022
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 và những tấm séc cứu trợ hào phóng của chính phủ Mỹ đã đem lại cơ hội cho hàng chục triệu người tham gia thị trường chứng khoán, bao gồm cả những người sống sau song sắt.

(Hình minh họa: Economist). 

Mỗi tối thứ Hai, Nick Hacheney đưa cho Tomas Keen số mới nhất của tạp chí Barron’s. Cả hai chăm chú đọc từng trang trong lúc những người xung quanh xáo bài và tán gẫu.

Dần dần, những người khác tập trung quanh hai người và đưa ra ý kiến về xu hướng thị trường chứng khoán cũng như dự báo của chuyên gia. Sau khi Nick và Tomas đọc xong, tạp chí nhanh chóng được chuyền cho những người khác cho đến khi các trang giấy trở nên nhàu nhĩ.

Đến cuối buổi tối, tờ Barron’s sẽ được Nick đặt cạnh những tạp chí định kỳ khác bên giường ngủ của ông trong phòng giam 7m2 ở nhà tù Washington Corrections Centre. Nick bị buộc tội giết người vào năm 2002 và đã kháng án suốt 20 năm. Tomas bị bắt vào năm 2010 vì tội hành hung cấp độ một, sở hữu súng và một chiếc xe bị đánh cắp. 

Món tiền khó tin

Tomas cho biết kể từ cú sụp của thị trường chứng khoán Mỹ hồi tháng 3/2020, nhà tù của hai người đã chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động đầu cơ – và hiểu biết tài chính. Có hai lý do cho hiện tượng này: Thứ nhất, chứng khoán lao dốc đem lại cơ hội để họ bắt đáy. Trò chơi tưởng chừng chỉ dành cho giới nhà giàu đột nhiên lại nằm trong tầm với của mọi người khác.

Nhưng điều quan trọng nhất là chính phủ Mỹ đã trao tiền cứu trợ cho các công dân, bao gồm cả tù nhân. Khi Nick lần đầu tiên nghe rằng tù nhân có thể được nhận tiền, ông cho đó là trò đùa. Ông nói: “Sau 20 năm nghe đủ loại tin đồn trong tù, tôi học được rằng những tin đồn tốt hầu như không bao giờ thành sự thực. Lần này tôi đã sai”. 

Trợ cấp của chính phủ đồng nghĩa với việc những tù nhân quen sống trong thiếu thốn bỗng nhiên có 1.200 USD trong tay. Sau đó họ được nhận thêm 2.000 USD nữa từ hai vòng cứu trợ kế tiếp, tờ Economist cho hay.

Thay vì phung phí vào những món xa xỉ trong tù như bánh mật ong, thanh sô-cô-la cỡ lớn hay kem đánh răng loại xịn, không ít người lựa chọn đầu tư. Một số phạm nhân sẽ chỉ được ra tù khi đã 60 tuổi. Đây là cơ hội để họ tích cóp tiền cho những năm được tự do.

Trợ giúp từ người thân

Các tù nhân cần được giúp đỡ khi đầu tư. Tù nhân không có smartphone và các ứng dụng giao dịch trực tuyến. Nick gửi séc trợ cấp của mình cho anh trai để nhờ mở tài khoản và giao dịch thay mình.

Nhưng giao dịch chứng khoán cũng là điều mới mẻ với thế giới bên ngoài, với khoảng 20 triệu người Mỹ lần đầu mua bán chứng khoán trong đại dịch. Các tù nhân phải gọi điện thoại cố định (2,5 USD mỗi 20 phút) và hướng dẫn người thân lần mò các trang web chứng khoán mà chính họ không nhìn thấy.

(Hình minh họa: Economist).  

Mua bán chứng khoán là thử thách với các nhà đầu tư dài hạn, và còn khó hơn nữa với những người muốn kiếm tiền nhanh. Về bản chất, tù nhân sống theo chủ nghĩa ngắn hạn, tìm cách sống sót cho ngày kế tiếp trong suốt tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.

Nick mượn một quyển sách về đầu tư từ Tomas, dành vài ngày xem kênh tài chính CNBC, và bắt đầu nghĩ mình là một chuyên gia. Ông tìm kiếm cổ phiếu của các công ty nhỏ có vẻ sẽ tăng mạnh. “Khi tôi đến được điện thoại, gọi anh trai và đặt lệnh, đà tăng đã dừng lại”, Nick kể lại. Khi cổ phiếu đó bất ngờ lao dốc, Nick cay đắng nhận ra mình vừa cố bắt “con dao rơi”.  

Nhiều tù nhân cũng mất tiền vì tiền mã hóa. Tomas cố gắng khôn ngoan hơn và đầu tư vào các công ty tiền mã hóa được giao dịch công khai, ví dụ như các nhà khai thác bitcoin. Nhưng sau khi lãi được thời gian ngắn, ông lỗ 50%. 

Bài học Tomas rút ra được là không ai thực sự biết điều gì đang thúc đẩy thị trường. Và dù có một lời “phím hàng” đúng, thì đến nó đã trở thành vô dụng khi đến được nhà tù.

Phá vỡ vòng lặp

Hầu hết tù nhân không biết nhiều về tiền bạc và chứng khoán. Tomas kể rằng nhiều bạn tù của ông chưa bao giờ có việc làm, trả hóa đơn hay mở tài khoản tiết kiệm. Một số khi trưởng thành còn hình dung “rút tiền tiết kiệm” là lấy búa đập vỡ một con heo đất. Nhà tù khiến cho sự thiếu hiểu biết này càng trầm trọng hơn.

Juan, 32 tuổi, một trong những bạn cùng phòng giam của Tomas và Nick, đã ngồi sau song sắt 13 năm. Sau khi được đào tạo nghề xây dựng, Juan đã bắt đầu công việc mới trong tù với tiền công “thấp hơn cả tiền tiêu vặt của trẻ con”, anh mô tả.

Hầu hết các công việc trong tù, thậm chí cả những nghề đòi hỏi kiến ​​thức chuyên môn như thợ điện hoặc thợ sửa ống nước chỉ được trả chưa đến 0,5 USD/giờ. Giới hạn lương của tù nhân là 55 USD/tháng hay 660 USD/năm, tờ Economist cho biết. 

Juan cười mỉa mai, nói rằng ở bên ngoài anh có thể được trả hàng trăm nghìn USD mỗi năm. Anh nói thêm: “Nhưng cho đến lúc đó thì tôi sẽ làm việc với công sức y hệt và nhận về vài trăm USD”. Theo Tomas, số tiền công thảm hại đó khiến tù nhân khó mà học được giá trị của đồng tiền và sự nỗ lực.

Báo cáo của Viện Brookings viết rằng “gần một nửa cựu tù nhân sẽ không có thu nhập được báo cáo nào trong vài năm đầu được trả tự do”. Trong số những người tìm được việc, nhiều người chỉ được trả lương tối thiểu. Và trong vòng ba năm, hơn một nửa sẽ bị bắt giam lần nữa. 

Hiểu biết về tài chính giúp tù nhân có hy vọng rằng họ sẽ phá vỡ được vòng tròn luẩn quẩn này. Tomas và Nick tự hào rằng giờ họ đã hiểu rõ về các yếu tố cơ bản như hệ số P/E, P/S, P/B, v.v… Và họ cũng thành thạo về những chi tiết kỹ thuật như ngưỡng kháng cự và hỗ trợ, death cross và chỉ báo MACD.

Dĩ nhiên việc thành thạo thuật ngữ đầu tư không bảo vệ tù nhân khỏi thua lỗ lúc thị trường xấu đi. Khi chứng khoán Mỹ trượt dốc trong năm nay, Tomas cho biết ông và hầu hết bạn tù đều mất tiền.

Những cổ phiếu mới đầu tuần còn “hô tăng giá” thì đến giữa tuần lại “trượt dốc không phanh”. Những tháng ngày giao dịch đã dạy cho Nick và Tomas những bài học đau đớn. Nhưng hai người không nhụt chí. Bởi dẫu sao thì, theo lời Tomas nói, tù nhân đã quen với việc sửa lỗi sau khi mắc sai lầm.

Giang