Tự doanh và khối ngoại 'xả' trăm tỉ đồng phiên giảm điểm cuối tuần
TTCK Việt Nam giảm điểm theo xu hướng toàn cầu, dòng tiền tập trung tại nhóm ngành hưởng lợi từ chiến tranh thương mại
Kết thúc tuần (5- 9/8), VN-Index giảm 1,7% chủ yếu đến từ những cổ phiếu lớn đóng góp cho đà tăng giá trong suốt tháng 7. Thị trường đang ở vùng biến động mạnh trước thông tin bất lợi từ thế giới và khối ngoại bán ròng ồ ạt 1.039 tỉ đồng tuần qua.
Trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tái bùng phát, đồng nhân dân tệ giảm giá dưới ngưỡng tâm lý 7 NDT/USD, mức thấp nhất trong 11 năm, khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo, trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng.
Tại thị trường chứng khoán phái sinh, biên độ giao động lớn khiến các HĐTL không bám kịp chỉ số VN30, mở rộng mức chênh lệch giá âm.
Toàn thị trường ghi nhận 8/18 ngành tăng điểm, cụ thể ba nhóm tăng mạnh nhất gồm bán lẻ (6,4%), công nghệ thông tin (3,32%), y tế (3,32%). Ngược lại, ngành giảm điểm nhiều nhất là truyền thông (7,85%), dầu khí (4,06%) và bảo hiểm (4,02%).
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ, đạt mức trung bình 3.207 tỉ đồng, tăng 7% so với tuần trước. Dòng tiền thị trường đổ vào nhóm ngành hưởng lợi từ chiến tranh thương mại (Dệt may, cảng biển và bất động sản khu công nghiệp).
Khối tự doanh tiếp tục bán ròng 24 tỉ đồng phiên cuối tuần,chủ yếu VNM và VIC
Thống kê giao dịch phiên cuối tuần, bộ phận tự doanh CTCK bán ròng 24,2 tỉ đồng nhưng khối lượng mua ròng 1,6 triệu đơn vị.
Nguồn: Bảo Trâm tổng hợp
Ở chiều mua vào, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 dẫn đầu với giá trị 43,8 tỉ đồng. Tại giao dịch cổ phiếu, khối tự doanh chủ yếu mua HPG của Hòa Phát (9,05 tỉ đồng), tiếp đến là MBB (4,34 tỉ đồng) và MWG (4,01 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, khối tự doanh mua vào EIB và VPB lần lượt 3,1 tỉ đồng và 3,03 tỉ đồng. Trong Top10 mã có giá trị mua cao nhất còn có REE, PHR, DPM và FPT.
Ở chiều bán ra, khối tự doanh tập trung bán VNM (8,9 tỉ đồng). Cổ phiếu ghi nhận giá trị bán cao còn VIC (7,63 tỉ đồng), MWG (6,94 tỉ đồng, TCB (6,62 tỉ đồng) và PNJ (6,52 tỉ đồng).
Cùng với đó, MSN ghi nhận giá trị bán 5,93 tỉ đồng, FPT (5,34 tỉ đồng), HPG (5,28 tỉ đồng), VJC (5,09 tỉ đồng), cuối cùng là VPB (4,63 tỉ đồng).
Khối ngoại bán ròng 136 tỉ đồng trên toàn thị trường, ghi nhận phiên thứ 8 liên tiếp
Trong phiên cuối tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 101,8 tỉ đồng và khối lượng 5,9 triệu đơn vị trên HOSE. Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 ghi nhận giá trị bán ròng cao nhất thị trường với 43,5 tỉ đồng. Theo sau là cổ phiếu VJC (43,35 tỉ đồng), VPI (21 tỉ đồng) và STB (14,14 tỉ đồng). Một số mã khác bị bán ròng như HNV, HCM, SSI.
Trong khi đó, dòng tiền ngoại tập trung tìm đến HDB (30 tỉ đồng), VRE (14,32 tỉ đồng) và PTB (10,82 tỉ đồng). Ngoài ra, khối này mua ròng nhiều VIC, PVD và VCB.
Sàn HNX ghi nhận giá trị bán ròng 28,1 tỉ đồng với khối lượng 1,16 triệu đơn vị. Khối ngoại bán ròng chủ yếu ACB (14,1 tỉ đồng), PVS (7,2 tỉ đồng), TNG và VCG (4 tỉ đồng). Diễn biến trái chiều, khối ngoại mua ròng SHB (1,3 tỉ đồng), kế đến là PVI (1,2 tỉ đồng) và DGC (1 tỉ đồng).
Trên UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6,4 tỉ đồng với khối lượng 351.092 đơn vị. Cổ phiếu BCM chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với 4,5 tỉ đồng, ngoài ra có VGI (3 tỉ đồng), SAS (1,4 tỉ đồng). Ngược lại, QNS ghi nhận giá trị mua ròng (3,4 tỉ đồng) và VEA (1,6 tỉ đồng).
Thành viên HĐQT Sợi Thế Kỷ muốn mua 500.000 cổ phiếu STK
Thống kê trên HOSE và HNX phiên cuối tuần, lãnh đạo và cá nhân (tổ chức) có liên quan đăng ký mua cổ phiếu STK, HTN trong khi đăng ký bán ra VJC và NTL.
Nguồn: Bảo Trâm tổng hợp
Về thông báo giao dịch nổi bật, bà Đặng Mỹ Linh, thành viên HĐQT CTCP Sợi Thế Kỷ (mã: STK) muốn gia tăng tỉ lệ sở hữu thông qua mua vào 500.000 cỏi phiếu STK. Thời gian giao dịch dự kiến từ 14/8 đến 13/9 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Hiện, bà Linh sở hữu 5,98 triệu cổ phần Sợi Thế Kỷ, tương đương 8,46% vốn điều lệ và là cổ đông lớn của công ty. Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ nắm giữ của bà Linh sẽ tăng lên 9,16% vốn cổ phần, tương đương 6,48 triệu cổ phiếu STK.