Tự doanh quay đầu mua ròng tuần VN-Index vượt đỉnh, tâm điểm gom cổ phiếu BĐS
Sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ cần 1 phiên để ổn định và tích lũy, sau đó bất ngờ tăng tốc trong 3 phiên liên tiếp từ 23 - 25/11. Với mức tăng trung bình hơn 17 điểm mỗi phiên, VN-Index đã nhanh chóng chạm ngưỡng 1.500.
Diễn biến điều chỉnh đã xuất hiện trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 7,78 điểm và chốt tuần tại 1.493,03, tính chung cả tuần chỉ số đã tăng 40,68 điểm (2,8%). Diễn biến tăng tốc của VN-Index đến từ sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng với những thông tin lạc quan về khả năng nâng room tín dụng, bơm thêm tiền cho nền kinh tế.
Thống kê cho thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lại danh sách 10 mã ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index, nhóm này đã chiếm 6/10 vị trí ảnh hưởng tích cực đến chỉ số.
Cụ thể, VCB (đóng góp 7,6 điểm), VPB (3,5 điểm), VIB (2,4 điểm), MBB (2 điểm), CTG (1,9 điểm) và SSB (1,6 điểm). Chiều giảm điểm, GAS dẫn đầu danh sách các cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số, cùng với diễn biến giảm của giá dầu, GAS đã giảm 3,8% trong tuần, qua đó lấy đi 2 điểm của VN-Index.
Liên quan đến giao dịch của NĐT nước ngoài, khối ngoại này mạnh bán ra trong 3 phiên cuối tuần khi VN-Index hướng về 1.500, với tổng giá trị bán ròng hơn 3.200 tỷ đồng. Trong khi đó, khối tự doanh công ty chứng khoán quay đầu mua ròng gần 130 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giao dịch giải ngân 202 tỷ đồng phiên VN-Index vượt ngưỡng cản tâm lý tại vùng 1.500 điểm. Nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì họ bán ròng 430 tỷ đồng.
Tự doanh chủ yếu rót tiền gom cổ phiếu BĐS, trong khi chốt lời nhóm chứng khoán
Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản nổi lên là lĩnh vực được gom ròng nhiều nhất với giá trị hơn 329 tỷ đồng. Như vậy đã có sự thay đổi vị thế giao dịch của khối tự doanh, tuần trước đó họ xuống tiền gom mạnh nhất "cổ phiếu vua" trong khi bán ròng nhẹ nhóm địa ốc.
Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng gom ròng 176 tỷ đồng cổ phiếu của các quỹ đầu tư. Theo thống kê, dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các ngành ngân hàng (27,4 tỷ đồng), hàng công nghiệp (23,4 tỷ đồng), xây dựng và vật liệu (20,4 tỷ đồng), thép (18,7 tỷ đồng),...
Chiều ngược lại, áp lực rút vốn của khối tự doanh chủ yếu đặt tại nhóm dịch vụ tài chính (203 tỷ đồng) với tâm điểm là cổ phiếu chứng khoán. Tuần qua, cổ phiếu của các công ty chứng khoán tiếp tục là một trong những nhóm ngành thu hút dòng tiền mạnh mẽ nhất từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với thanh khoản sôi động như hiện nay và lượng tài khoản mở mới có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới thì doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.
Tâm điểm giao dịch cổ phiếu bluechips
Theo quan sát, danh mục cổ phiếu được tự doanh mua ròng nhiều nhất tuần 25 - 29/10 phần lớn là cổ phiếu trụ trong rổ VN30. Thống kê giao dịch cụ thể, cổ phiếu KDH của Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền đứng đầu trong Top10 cổ phiếu được khối tự doanh CTCK gom ròng mạnh nhất tuần với 173,8 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 3,7 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một cổ phiếu bất động sản khác cũng được khối tự doanh rót ròng trên trăm tỷ đồng là ông lớn VIC. Giá cổ phiếu của Tập đoang Vingroup vừa có có pha 'breakout' mạnh mẽ trong phiên cuối tuần với khối lượng giao dịch đột biến. Chốt phiên thứ Sáu, thị giá VIC dừng tại 98.500 đồng/cp, tăng 3,9% so với tuần trước và trở thành á quân đóng góp vào đà tăng của VN-Index tuần này.
Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, E1VFVN30 và FUEVFVND được tự doanh gom ròng với giá trị lần lượt là 157,9 tỷ và 37,9 tỷ đồng.
Theo thống kê, khối này còn mua ròng loạt bluechips như VPB (95,7 tỷ đồng), MBB (95,6) tỷ đồng), VHM (49,2 tỷ đồng), PNJ (24,5tỷ đồng). Ngoài ra, dòng vốn tự doanh còn hướng về cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như VGC (31,4 tỷ đồng) và HII (23,5 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, giao dịch bán ròng tập trung ở cổ phiếu VND của VNDirect với giá trị 175,3 tỷ đồng. Tuần trước đó cổ phiếu của VNDirect cũng đứng vị trí thứ 2 trong danh mục rút vốn của tự doanh với hơn 200 tỷ đồng.
Hoạt động chốt lời diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng mạnh sau tin tăng vốn. Hiện cổ phiếu VND đang có thị giá cao nhất ngành, lập đỉnh tại 81.400 đồng/cp trước khi điều chỉnh về mốc 78.000 đồng phiên cuối tuần. Như vậy chỉ sau 2 tuần, công ty chứng khoán đã có thêm hơn 3.500 tỷ đồng vốn hóa, hiện đạt trên 34.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tự doanh tập trung rút vốn khỏi loạt bluechips như MWG (76,6 tỷ đồng), STB (70,5 tỷ đồng), FPT (69,8 tỷ đồng) và GAS (67,8 tỷ đồng). Cùng chiều, áp lực bán ròng của khối này còn đặt lên LPB, VNM, SSI, OCB, ACB với giá trị 20 - 60 tỷ đồng.