Tự doanh đảo chiều sau khi mua khớp lệnh hơn 2.000 tỷ đồng cổ phiếu trên HOSE
Tổng hợp diễn biến thị trường tuần này 20 - 24/11, sau ba phiên tăng điểm đầu tuần, VN-Index bất ngờ giảm sâu sau phiên ATC ngày 23/11, xóa đi toàn bộ số điểm hồi phục. Diễn biến này giống như tuần đáo hạn phái sinh trước đó. Trong ngày cuối tuần, chỉ số có lúc rơi xuống 1.075 điểm, nhưng lực kéo về cuối phiên giúp đóng cửa trong sắc xanh.
Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.095,61 điểm, giảm 5,58 điểm so với tuần trước. VN30 có phần tiêu cực hơn với tỷ lệ giảm 1,5%, gấp ba lần VN-Index. Với trạng thái tiêu cực, dòng tiền dè dặt với rổ này, kéo khối lượng giao dịch bình quân phiên trong tuần thấp hơn gần 25% tuần kế trước.
Trong khi nhiều mã vốn hóa vừa và lớn giao dịch tích cực như HAG, NVL, VND, VCI, HVN, một số cổ phiếu vốn hóa lớn và bluechip mất giá trên 3% tạo áp lực lên chỉ số như MWG, STB, TCB, MSN, QNS và ACB.
Về diễn biến dòng tiền, khối ngoại tiếp đà rút ròng trên thị trường nhưng quy mô có phần thu hẹp hơn. Về nội khối, tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh đảo chiều bán ra trong khi cá nhân trong nước là bên mua ròng duy nhất tuần này với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Thống kê cụ thể tuần 20 – 24/11, với giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE, khối tự doanh đảo chiều bán ròng 305 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh sau ba tuần mua liên tiếp với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giao dịch thỏa thuận tương đối cân bằng khi bán ra gần 295 tỷ đồng, chênh nhẹ 3 tỷ đồng so với chiều mua vào.
Lũy kế từ đầu tháng 11, tự doanh mua khớp lệnh 1.570 tỷ đồng cổ phiếu trên HOSE trong khi bán thỏa thuận 508 tỷ đồng.
So sánh với hai tuần trước đó, giá trị mua vào và bán ra cổ phiếu qua kênh khớp lệnh của khối tự doanh trên HOSE tuần này thu hẹp đáng kể, tổng giá trị lần lượt là 2.022 tỷ đồng và 2.327 tỷ đồng. Quy mô mua và bán tuần 13 – 17/11 là 3.078 tỷ đồng và 2.875 tỷ đồng.
Chi tiết giao dịch theo từng mã, không có cổ phiếu nào trên HOSE có giá trị mua hay bán ròng vượt 100 tỷ đồng tuần này. Ở chiều bán ròng, TCB và STB dẫn đầu với 77,3 tỷ đồng và 67,8 tỷ đồng. Những mã còn lại có giá trị bán trong khoảng 20 – 30 tỷ đồng như MSN, ACB, VPB, DCM. Dòng tiền rút nhẹ với quy mô trên 10 tỷ đồng tại các cổ phiếu DGC, VIB, CII, FPT và GEX.
Chiều ngược lại, EVF thu hút dòng tiền tự doanh khi được mua gần 57 tỷ đồng, kế đến là HPG (36,7 tỷ đồng), MBB (30,9 tỷ đồng) và KBC (24,5 tỷ đồng). Lực mua nhẹ cũng xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa lớn như HDB, PNJ, HSG, POW, VHM và VNM.
Với giao dịch chứng quyền, chứng chỉ quỹ trên sàn HOSE, khối tự doanh bán ròng khớp lệnh 138,5 tỷ đồng trong khi mua thỏa thuận 175 tỷ đồng. Mã được mua ròng mạnh nhất tuần này là FUESVFL (125 tỷ đồng) trong khi FUEVFVND và E1VFVN30 bị bán ròng lần lượt 115,8 tỷ đồng và 23,3 tỷ đồng.
Động thái trở lại bán ròng chứng chỉ quỹ ETF nội của khối tự doanh với FUEVFVND đến từ việc tổ chức này huy động được tiền trở lại trong tuần. Sau nhiều tuần bị rút ròng liên tiếp, DCVFMVN Diamond ETF huy động ròng trở lại 4,6 triệu chứng chỉ quỹ trong tuần.
Trên sàn HNX, dòng tiền tự doanh đảo chiều mua nhẹ 5,5 tỷ đồng tuần 20 – 24/11 sau khi rút gần 42 tỷ đồng tuần trước đó. Giao dịch của khối này tập trung ở hai cổ phiếu PVS và GKM.
Ở trạng thái đối lập, tự doanh quay sang bán 10,4 tỷ đồng trên thị trường UPCoM sau tuần mua vào 9,6 tỷ đồng. Phiên ngày 22/11 có khối lượng bán ròng đột biến 20,6 tỷ đồng khi tự doanh xả hơn 1 triệu cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn.