Tự doanh CTCK tiếp tục xả 155 tỉ đồng phiên điều chỉnh, chốt lời khi MWG lên đỉnh lịch sử
VN-Index 'bay' gần 7 điểm, dòng tiền chuyển hướng tập trung vào ngành bất động sản
Trong phiên giao dịch hôm qua, nhóm bluechips giao dịch tiêu cực gây áp lực lên thị trường. Nổi bật có cổ phiếu MSN khiến VN-Index mất 1,32 điểm. Tác động không tốt lên thị trường còn có GAS, và BVH. Cổ phiếu bất động sản gồm VIC và NVL đóng cửa trong sắc đỏ cũng gia tăng đà giảm của thị trường.
Kết phiên, VN-Index giảm 6,52 điểm (0,66%) xuống 976,05 điểm; HNX-Index tăng 0,15% lên 106,74 điểm; UPCoM tăng 0,35% lên 57,25 điểm.
Trong khi đó, bên cạnh cổ phiếu MWG và PHR đóng cửa tăng giá, nhóm ngân hàng giao dịch khởi sắc cũng ảnh hưởng tích cực lên VN-Index. Cụ thể, VCB, BID và MBB kéo chỉ số tăng 0,42 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 185 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 4.405 tỉ đồng. Dòng tiền tìm đến ngành bất động sản và tài chính, thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với phiên giao dịch trước.
Khối tự doanh duy trì bán ròng 154,6 tỉ đồng phiên điều chỉnh sâu
Trong phiên giao dịch hôm qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 154,6 tỉ đồng với khối lượng 5,7 tỉ đồng.
Thống kê giao dịch của khối tự doanh CTCK phiên ngày 18/7. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp
Top10 cổ phiếu bị bán ra đều ghi nhận giá trị trên 10 tỉ đồng. Cụ thể, khối tự doanh bán ra nhiều nhất cổ phiếu MWG (30,79 tỉ đồng), tiếp đến là VNM (22,39 tỉ dồng), TCB (18,6 tỉ đồng), VIC (18,23 tỉ đồng) và MBB (17,21 tỉ đồng).
Cùng với đó, khối này còn tạo áp lực bán mạnh lên các mã VIC (14,92 tỉ đồng), HPG (14,41 tỉ đồng), MSN (13,86 tỉ đồng), VPB (13,38 tỉ đồng), cuối cùng là VHM (11,48 tỉ đồng).
Ngược xu hướng với nhóm cổ phiếu trên, dẫn đầu top10 mua vào của khối tự doanh là MSN (67,49 tỉ đồng). Các mã còn lại trong nhóm đều ghi nhận giá trị mua dưới chục tỉ đồng. Cổ phiếu VNM và MBB lần lượt được mua vào 9,52 tỉ đồng và 9,06 tỉ đồng.
Những cổ phiếu được mua ròng còn có VIC, MWG, NVL, VNM, HPG và TCM. Riêng chứng chỉ quỹ E1TFVN30 được khối tự doanh mua nhẹ 1,67 tỉ đồng.
Ghi nhận phiên mua ròng thứ 11 liên tiếp, khối ngoại tiếp tục 'gom' trăm tỉ PLX
Thống kê giao dịch phiên hôm qua, khối ngoại mua ròng 86,3 tỉ đồng, tuy nhiên bán ròng khối lượng 1,14 triệu đơn vị trên HOSE. Trong đó, cổ phiếu PLX được khối này mua ròng nhiều nhất thị trường (102,55 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, các mã ghi nhận giá trị mua ròng cao như VCB (28,21 tỉ đồng), CTD (27,19 tỉ đồng) và VIC (23,04 tỉ đồng). Mặt khác, STB (15,19 tỉ đồng), KBC (12,1 tỉ đồng), VHM (11,47 tỉ đồng) cũng lọt top mua ròng.
Ở phía bán ròng, MSN dẫn đầu với giá trị 83,22 tỉ đồng, tiếp đến là HPG (52,98 tỉ đồng), NVL (6,67 tỉ đồng), KDH (6,04 tỉ đồng) và HBC (5,66 tỉ đồng).
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 34,4 tỉ đồng trên HNX với khối lượng 1,6 triệu đơn vị. Cổ phiếu PVS có giá trị bán ròng 30,1 tỉ đồng, đứng đầu nhóm bị bán ròng tại sàn này, ngoài ra còn CEO (3,8 tỉ đồng) và TNG (2,6 tỉ đồng). Trái lại, dòng tiền ngoại chủ yếu tìm đến PSD (1,5 tỉ đồng), SHB, DGC và PVI.
Tại UPCoM, giá trị mua ròng đạt 6,6 tỉ đồng với khối lượng 236.390 đơn vị. Cổ phiếu QNS được khối ngoại 'gom' 6,2 tỉ đồng, kế đến là BSP và ICC. Ngược lại, một số mã bị bán ròng như VEA (615 triệu đồng) và ACV (529 triệu đồng).
TGĐ Đức Long Gia Lai muốn thoái gần hết cổ phần sở hữu tại công ty
Thống kê đăng ký giao dịch trên hai sàn, lãnh đạo và cá nhân (tổ chức) liên quan đăng ký mua cổ phiếu NTP và S55, trong khi mã DLG và CVT bị đăng ký bán ra.
Thống kê đăng kí giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan phiên 18/7. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp
Về thông báo giao dịch nổi bật, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) vừa công bố thông tin muốn thoái 2,44 triệu cổ phần trên tổng số hơn 2,45 triệu cổ phiếu DLG hiện sở hữu.
Theo đó, ông Kiên dự kiến giảm tỉ lệ sở hữu tại Đức Long Giai Lai từ 0,82% xuống 0,004% vốn điều lệ, tương đương 11.058 cổ phiếu DLG. Thời gian giao dịch đăng ký từ ngày 23/7 đến 21/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.