|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh CTCK mua ròng đột biến hơn 2.800 tỷ đồng tháng 10, tâm điểm cổ phiếu ngân hàng và BĐS

08:00 | 02/11/2021
Chia sẻ
Trước diễn biến khởi sắc của TTCK tháng 10, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán nâng quy mô mua ròng lên 2.800 tỷ đồng, gấp đôi giá trị tháng 9 và đánh dấu tháng mua ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay. Tâm điểm giao dịch của khối này xoay quanh cổ phiếu ngân hàng với giá trị vào ròng đạt gần 1.380 tỷ đồng.

Tự doanh có tháng mua ròng mạnh nhất từ đầu năm 2018 đến nay

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử mới với 1.444,27 điểm, cao nhất trong 21 năm qua, tăng 7,62% so với tháng trước và tăng 30,84% so với đầu năm. Đây là mức tăng % theo tháng lớn thứ hai của chỉ số sàn HOSE trong năm nay, chỉ đứng sau mức tăng 10,59% của tháng 2.

Đồng thuận với đà tăng điểm, thanh khoản thị trường cũng trở lại mạnh mẽ hơn với giá trị giao dịch tăng 10,95% so với tháng trước đó, và tăng 14,12% so với trung bình cả năm tính đến tháng 10.

Trước diễn biến khởi sắc của thị trường chung, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán duy trì xu hướng mua ròng như tháng trước đó. Thống kê giao dịch cụ thể, khối tự doanh nâng quy mô gom ròng lên 2.800 tỷ đồng, gấp đôi giá trị tháng 9 và đánh dấu tháng mua ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2018 đến nay.

Tự doanh - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch của khối tự doanh trong tháng 10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tập trung mua ròng gần 1.400 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng

Theo thống kê từ Fiinpro, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng khoảng 2.700 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cải thiện khi số ngành được mua ròng tăng từ 6 lên 13 nhóm trong tháng 10.

Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu dịch vụ tài chính với đại diện là các chứng chỉ quỹ bất ngờ bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất trong tháng 10 với giá trị 217 tỷ đồng. Trong tháng 8 và tháng 9, khối tự doanh mua ròng lần lượt 706 tỷ và 1.263 tỷ đông ngành này.

Tương tự, bộ phận tự doanh cũng chuyển hướng bán ròng gần 81 tỷ đồng cổ phiếu nhóm tài nguyên cơ bản. Cùng chiều, dòng vốn tự doanh cũng rút khỏi các nhóm ô tô & phụ tùng, truyền thông, y tế với giá trị không đáng kể.

Đáng chú ý, tháng qua chứng kiến sự thay đổi vị thế của khối tự doanh ở nhóm ngân hàng, họ tập trung mua ròng đột biến hơn 1.377 tỷ đồng tỷ thay vì rút ròng 368 tỷ đồng tháng  trước đó. Việc giải ngân trở lại diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng có nhịp tăng 2,64% so với tháng 9, để ngỏ khả năng 'chuyển mình' trong giai đoạn tới đây.

Mặt khác, tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng nhóm bất động sản (554 tỷ đồng). Dễ thấy, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục nằm trong danh mục ưu tiên xuống tiền của tự doanh khi giá trị vào ròng tăng mạnh so với hai tháng trước đó.

Cùng chiều, tự doanh chuyển hướng mua ròng các ngành bán lẻ (208 tỷ đồng), điện, nước, xăng dầu & khí đốt (199 tỷ đồng) và công nghệ thông tin (180 tỷ đồng).

Tự doanh - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của khối tự doanh theo nhóm ngành trong tháng 8, 9, 10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh gom mạnh bluechips, tâm điểm VPB, TCB, ACB

Như đã đề cập bên trên, cổ phiếu của các nhà băng được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất trong tháng 10. Theo đó, 3 cái tên đứng đầu Top10 giải ngân đều thuộc nhóm ngân hàng.

Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu VPB của VPBank giữ vị trí quán quân về giá trị mua ròng trong tháng qua với hơn 435,8 tỷ đồng. Mới đây, VPBank vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 11.736 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt 33.231 tỷ đồng, tăng 17,3% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Đóng góp chính vẫn đến từ thu nhập lãi thuần với 25.826 tỷ đồng, tăng 9,4%.

Kế đến, tự doanh lần lượt gom hai cổ phiếu ngân hàng khác là TCB và ACB với giá trị lần lượt 360,8 tỷ và 298,9 tỷ đồng. Ngoài 'cổ phiếu vua', bộ phận tự doanh cũng tập trung giải ngân cho các bluechips như VHM (265,3 tỷ đồng), HPG (220,4 tỷ đồng), KDH (174,8 tỷ đồng). Dòng vốn tự doanh cũng tìm đến các mã FPT, MWG, GAS, PNJ với giá trị từ 143 - 173 tỷ đồng.

Tự doanh CTCK mua ròng đột biến hơn 2.800 tỷ đồng tháng 10, tâm điểm cổ phiếu ngân hàng và BĐS - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tháng 10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều bán ra, giao dịch rút vốn tập trung ở thị trường chứng chỉ quỹ. Trong đó FUESSVFL bị bán ròng mạnh nhất trong Top10 với giá trị lên đến 279,4 tỷ đồng. Kế đó, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 cũng bị xả ròng 144,2 tỷ đồng. Một chứng chỉ quỹ khác cũng nằm trong Top bán ròng tháng 10 là FUEVFVND với giá trị thấp hơn.

Tại thị trường cổ phiếu, với lực cầu chiếm ưu thế, không có mã nào bị rút ròng trên trăm tỷ đồng. Cụ thể, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng DXG, KOS với giá trị lần lượt là 85,4 tỷ và 75,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi HSG (73,7 tỷ đồng), PLX (73,1 tỷ đồng), NKG (70,6 tỷ đồng), HDG (33,4 tỷ đồng) và DXS (22,8 tỷ đồng).

Thu Thảo