|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh CTCK cùng khối ngoại 'xả' 400 tỉ đồng tuần giao dịch cơ cấu danh mục ETF, tâm điểm nhóm bluechips

15:41 | 22/06/2019
Chia sẻ
Trong tuần qua, tâm điểm của thị trường là giao dịch cơ cấu danh mục quý II của các quỹ ETF. Khối tự doanh bán ròng gần 217 tỉ đồng tuần qua, tập trung chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30. Cùng chiều tự doanh, khối ngoại 'xả' 209 tỉ đồng trên HOSE, mua ròng trăm tỉ POW nhưng bán ròng SBT.

Khối tự doanh bán ròng gần 217 tỉ đồng tuần qua, 'xả' trăm tỉ đồng CCQ

Thống kê giao dịch tuần vừa qua (17 - 21/6), bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán bán ròng 216,5 tỉ đồng với khối lượng 14,7 triệu đơn vị. Chỉ trong hai phiên đầu tuần (17 – 18/6), khối này đã bán ròng gần 353 tỉ đồng trong khi mua ròng nhẹ các phiên còn lại trong tuần.

TD

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Dẫn đầu chiều bán ra là chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với giá trị 140,43 tỉ đồng. Theo sau đó, khối tự doanh bán mạnh các cổ phiếu VNM (61,35 tỉ đồng), HPG (57,72 tỉ đồng). Liên quan đến cổ phiếu HPG, mới đây, vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát là ông Trần Đình Long và bà Vũ Thị Hiền đã đăng ký mua hơn 6,4 triệu cổ phiếu HPG. Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ sở hữu tại Hòa Phát của ông Long và bà Hiền sẽ lần lượt tăng lên 25,53% và 7,32% vốn điều lệ công ty, tương ứng tổng số cổ phần HPG sở hữu là 902 triệu cổ phần.

Nhóm ngân hàng gồm EIB, VPB và TCB đều nằm trong top10 cổ phiếu bán ròng nhiều nhất của khối tự doanh tự doanh tuần qua với giá trị lần lượt 55,4 tỉ đồng, 52,93 tỉ đồng và 51,35 tỉ đồng. Thông tin không mấy tích cực về cổ phiếu TCB của Techcombank, mặc dù tổng danh mục cho vay khách hàng của Techcombank tính đến hết quý I tăng 3.896 tỉ đồng so với cuối năm trước (tương đương 2,4%) nhưng khả năng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ bán hàng đối với các dự án của Vingroup. Cùng với đó, nợ nhóm 2 của Techcombank đã tăng mạnh (tăng 37%) trong khi cho vay khách hàng tăng trưởng chậm. Theo Chứng khoán Bảo Việt, điều này có thể tạo áp lực tăng tỉ lệ nợ xấu của Techcombank trong quý tiếp theo, đặc biệt nếu tín dụng tiếp tục giải ngân chậm.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup được bộ phận tự doanh CTCK mua vào 121 tỉ đồng trong tuần qua. Đây cũng là cổ phiếu dẫn đầu về giá trị mua vào của khối tự doanh. Cùng chiều mua vào, cổ phiếu EIB theo sau với 72,39 tỉ đồng.

Về cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động cũng được mua vào với giá trị 40,58 tỉ đồng trước kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. Doanh thu thuần đạt 42.784 tỉ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.792 tỉ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ). Đáng chú ý, kết quả thử nghiệm việc bán đồng hồ theo mô hình shop-in-shop tại 18 cửa hàng Thế giới Di Động và Điện máy Xanh tới thời điểm hiện tại khá khả quan. Trung bình mỗi tháng, một cửa hàng bán ra trên 500 đồng hồ, tương ứng với mức doanh thu từ 600 triệu đến 1 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, khối này còn tập trung giao dịch một số mã cổ phiếu khác như VHM, MSN, FPT…

Cùng chiều tự doanh, khối ngoại 'xả' 209 tỉ đồng trên HOSE, mua ròng trăm tỉ POW nhưng bán ròng SBT

Thống kê trên sàn HOSE tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 209,3 tỉ đồng với khối lượng 12,19 triệu đơn vị.  

HOSE

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Trong đó, tâm điểm là cổ phiếu SBT với 149,44 tỉ đồng giá trị bán ròng. Chỉ tính trong phiên cuối cùng giao dịch cơ cấu danh mục ETF (21/6), mã này bị khối ngoại mạnh tay 'xả' 11,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 130,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hai cổ phiếu STB và VHM cũng lbị bán ròng trăm tỉ, giá trị bán ròng lần lượt 132,29 tỉ đồng và 126,61 tỉ đồng. 

Trong top10 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên HOSE tuần qua còn có DPM (93,31 tỉ đồng), HDB (55,06 tỉ đồng), NVL (50,95 tỉ đồng)…

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhiều đến cổ phiếu POW khi cả hai quỹ ETF đều mua vào. Theo đó, cổ phiếu POW được mua ròng 145,92 tỉ đồng trong tuần qua.

Trong khi bộ phận tự doanh bán ròng trên trăm tỉ chứng chỉ quỹ E1VFVN30, khối ngoại lại mua ròng 84,84 tỉ đồng chứng chỉ quỹ trên, kế đến là BVH (84,78 tỉ đồng).

Thông tin về việc Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây ban hành quyết định áp dụng thuế CBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc giúp một số mã trong ngành thép hưởng lợi. Trong đó, Hòa Phát không được hưởng lợi nhiều từ quyết định này do tỉ trọng sản phẩm tôn trong cơ cấu sản xuất không lớn. Tuy nhiên, cổ phiếu HPG vẫn ghi nhận giá trị mua ròng 73,34 tỉ đồng trong tuần qua.

Một số cổ phiếu khác cũng nằm trong top10 cổ phiếu mua ròng nhiều nhất tuần qua trên HOSE như SCS, VJC, KBC, VCB và GAS.

Hoạt động giao dịch của khối ngoại không mấy sôi nổi trên HNX, chủ yếu mua ròng PVS bất chấp kế hoạch kinh doanh đi lùi

Trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ 4,31 tỉ đồng với khối lượng 753.865 đơn vị.

HNX

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Đáng chủ ý, cổ phiếu PVS được mua ròng nhiều nhất (9 tỉ đồng) bất chấp việc PTSC đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019. Cụ thể, công ty dự kiến mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 13.000 tỉ đồng, giảm 14,66% so với thực hiện năm 2018; LNST hợp nhất đạt 560 tỉ đồng, giảm nhẹ 2,3%.

Cùng với đó, NĐT nước ngoài mua ròng cổ phiếu SHB (1,37 tỉ đồng), các mã khác ghi nhận giá trị mua ròng dưới 1 tỉ đồng có TIG (682 triệu đồng), TTT (668 triệu đồng), SRA, BCC, NET, ONE, SHE, CSC.

Trái với xu hướng của các cổ phiếu trên, DBC bị bán ròng 4,22 tỉ đồng, ngoài ra có TNN, CEO và HUT cũng lần lượt bị khối ngoại bán ròng 3,83 tỉ đồng, 2,65 tỉ đồng và 1,37 tỉ đồng. Dòng tiền ngoại còn rút khỏi DEA (935 triệu đồng), IVS (926 triệu đồng), VCS (919 triệu đồng), ART (826 triệu đồng).

NĐT nước ngoài mua ròng hơn 31 tỉ đồng trên UPCoM, tập trung VGG và QNS

Trong tuần vừa qua, khối ngoại mua ròng 31,1 tỉ đồng nhưng bán ròng khối lượng 336.194 đơn vị.

UPCOM

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên tỉ đồng các cổ phiếu VGG (6,2 tỉ đồng), QNS (5,7 tỉ đồng), VTP (3,3 tỉ đồng), CTR (2,1 tỉ đồng) và VEA (1,83 tỉ đồng). Ngoài ra, một số cổ phiếu khác cũng được mua ròng là ACV, C4G, MKP, ICC và BLI.

Trong khi đó, cổ phiếu BSR bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần qua với giá trị 16,3 tỉ đồng . Cùng ghi nhận giá trị bán ròng hàng tỉ đồng có HND (6,3 tỉ đồng) và MCH (4,9 tỉ đồng). Cùng với đó, các mã GEG, GVR, NTC, NNG, PGV và MIG cũng nằm trong top10 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên UPCoM trong tuần qua.

Thu Thủy