|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh Chứng khoán Rồng Việt tích cực cơ cấu khi bán nhóm thép mua cổ phiếu ngân hàng, nhưng lại làm công ty lỗ đậm nhất lịch sử

12:15 | 20/07/2022
Chia sẻ
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) vừa báo lỗ quý II đậm nhất trong lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này. Thậm chí mức lỗ còn lớn hơn khi thị trường lao dốc đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng nổ.

 Kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Chứng khoán Rồng Việt. Nguồn: HL tổng hợp.

Quý lỗ lịch sử gần 270 tỷ đồng của Chứng khoán Rồng Việt

Theo báo cáo tài chính công bố, tổng doanh thu hoạt động trong quý II Chứng khoán Rồng Việt đạt 145,9 tỷ đồng, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi tiết theo từng mảng hoạt động, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) trong quý II là âm 20 tỷ đồng trong khi quý II/2021 là 143 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 37,2% lên 93,7 tỷ đồng.

Với việc sụt giảm về thanh khoản trên thị trường cổ phiếu, doanh thu mảng môi giới chứng khoán giảm 21,6% xuống 63,2 tỷ đồng. Các hoạt động khác như bảo lãnh phát hành, lưu ký chứng khoán, tư vấn tài chính mang lại nguồn thu không đáng kể trong quý vừa qua.

Trong quý II, chi phí hoạt động của Rồng Việt tăng 29,1% lên 145,9 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc công ty cắt lỗ loạt danh mục đầu tư dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL tăng vọt lên 269,8 tỷ đồng.

  Kết quả kinh doanh theo quý của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

Kết quả là, Chứng khoán Rồng Việt báo lỗ trước thuế và sau thuế 267,7 tỷ đồng và 233,8 tỷ đồng. Đây là tình trạng kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Thậm chí mức lỗ này còn lớn hơn thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc khi dịch COVID-19 bùng nổ đầu năm 2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Chứng khoán Rồng Việt báo lỗ trước thuế 136,2 tỷ đồng khi nửa đầu năm ngoái có mức lãi khủng trên 310 tỷ đồng. Trước Rồng Việt, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém nhất kể từ khi thành lập.

Thông tin thêm, tại ngày 30/6, tổng tài sản của Chứng khoán Rồng Việt là 4.160 tỷ đồng, tăng nhẹ 150 tỷ đồng so với đầu năm. Tương tự với nhiều đơn vị khác trên thị trường, giá trị cho vay margin của Chứng khoán Rồng Việt sụt giảm trong quý II.

Cụ thể, giá trị cho vay margin của Rồng Việt cuối quý II là 2.149 tỷ đồng. Thời điểm cuối tháng 3, giá trị cho vay ký quỹ của công ty lên mức đỉnh 3.006 tỷ đồng. Theo đó, quy mô cho vay margin giảm 857 tỷ đồng, xuống ngưỡng thấp nhất bốn quý gần đây.

Quy mô cho vay ký quỹ (margin) của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Danh mục tự doanh của Rồng Việt đang có những cổ phiếu nào?

Trong cơ cấu tài sản của Rồng Việt, xếp sau giá trị cho vay margin là danh mục tự doanh. Ghi nhận tại ngày 30/6, các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVPTL) của công ty có giá thị trường gần 856 tỷ đồng. Giá gốc của các khoản đầu tư là 1.070 tỷ đồng.

Cổ phiếu niêm yết được bộ phận tự doanh của Chứng khoán Rồng Việt phân bổ tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên với giá mua là 793,1 tỷ đồng, công ty đang lỗ hơn 218 tỷ đồng với danh mục này.

Trong đó, bốn cổ phiếu ngân hàng đều đang trong trạng thái lỗ như TCB (lỗ 34,9 tỷ đồng), CTG (29,7 tỷ đồng), ACB (5,9 tỷ đồng) và OCB (3,4 tỷ đồng).

Mã DBC của Dabaco dẫn đầu về mức lỗ trong danh mục đầu tư với 64,3 tỷ đồng, Rồng Việt đang phân bổ gần 193 tỷ đồng vào cổ phiếu này. Hai mã nhóm thép là HPG và HSG cũng chịu mức lỗ 29,7 tỷ đồng và 31,8 tỷ đồng. Những cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư ghi nhận lỗ 21,6 tỷ đồng.

 Danh mục tự doanh của Chứng khoán Rồng Việt. Nguồn: BCTC của công ty.

So với thời điểm cuối quý I, giá trị danh mục tự doanh của Rồng Việt gần như không thay đổi ngoài việc mua bán thay đổi tỷ trọng ở một số mã. Quan sát giao dịch cho thấy bộ phận tự doanh mua thêm DBC, TCB, CTG trong khi bán hạ tỷ trọng HSG, HPG. Các mã DBC, TCB, HPG đều được mở mua với lượng tiền lớn trong quý đầu năm.

Hoàng Linh