|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) có quý lỗ đậm nhất lịch sử khi cắt lỗ gần 370 tỷ đồng trái phiếu và hàng triệu cổ phiếu SSI

06:45 | 20/07/2022
Chia sẻ
Chứng khoán Tiên Phong (TPS, Mã: ORS) vừa bất ngờ công bố kết quả kinh doanh thua lỗ đậm nhất lịch sử hoạt động. Trong quý II, công ty báo lỗ trước thuế 161,2 tỷ đồng khi cắt lỗ loạt khoản đầu tư gồm cổ phiếu và trái phiếu.

Kết quả kinh doanh của Chứng khoán Tiên Phong (TPS). Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp. 

Theo báo cáo tài chính công bố, tổng doanh thu hoạt động trong quý II của TPS là 661,7 tỷ đồng, tăng 131,6 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi tiết theo từng mảng hoạt động, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) trong quý II chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 279,5 tỷ đồng, tăng 265,1% so với cùng kỳ 2021. Thu từ hoạt động tư vấn tài chính là 204,5 tỷ đồng, tăng 67,1%.

Doanh thu từ cho vay và phải thu hạch toán 47,9 tỷ đồng, tăng 384,9% so quý II/2021. Với việc sụt giảm về thanh khoản trên thị trường cổ phiếu, doanh thu mảng môi giới chứng khoán giảm 26,8% xuống 18,4 tỷ đồng.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cắt lỗ danh mục. Nguồn: BCTC.

Trong quý II, chi phí hoạt động của TPS tăng đột biến lên 698 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ việc công ty cắt lỗ loạt danh mục gồm cổ phiếu và trái phiếu dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL là 527,9 tỷ đồng trong quý II.

Trong quý vừa qua, TPS chốt lời VHC và cắt lỗ cổ phiếu SSI cùng loạt mã khác. Tổng mức cắt lỗ cổ phiếu niêm yết trong quý II là 87 tỷ đồng. Đáng chú ý là việc bán cắt lỗ hàng chục tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết của TPS khiến công ty chịu mức lỗ hơn 280 tỷ đồng. Tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu là 367,3 tỷ đồng, cao hơn đáng kể mức chốt lời 172,8 tỷ đồng.

Kết quả là, Chứng khoán TPS báo lỗ trước thuế và sau thuế là 161,2 tỷ đồng và 128,9 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử.

  Kết quả kinh doanh theo quý của Chứng khoán Tiên Phong (TPS). Nguồn: Thu Hà tổng hợp.   

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của TPS là 6.058 tỷ đồng, tăng hơn 1.290 tỷ đồng so với đầu năm. Khác với nhiều đơn vị khác trên thị trường, giá trị cho vay margin của TPS sụt giảm không lớn trong quý II.

Cụ thể, giá trị cho vay margin của TPS là 1.487 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý I, giá trị cho vay margin tạo đỉnh 1.764 tỷ đồng. Theo đó, quy mô cho vay margin của công ty giảm 286 tỷ đồng, thấp hơn so với quy mô đầu năm.

Giá trị cho vay margin của Chứng khoán Tiên Phong (TPS). Nguồn: Thu Hà tổng hợp.     

Hoàng Linh