Tự doanh bán ròng cổ phiếu bán lẻ sau chuỗi tăng mạnh, chốt lời MWG trên đỉnh lịch sử
Khởi đầu tuần 20 - 24/9 với triển vọng ngắn hạn lạc quan, VN-Index đã tăng ngay đầu phiên thứ Hai, tiến sát ngưỡng 1.370 điểm. Tuy nhiên những lo lắng về tình hình rủi ro vỡ nợ của tập đoàn Evergrande đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam ảnh hưởng trong phiên 21/9 sau đó.
Chỉ số có lúc đã xuyên thủng mốc 1.330, giảm hơn 30 điểm so với mức đóng cửa cuối tuần trước. VN-Index sau đó cũng đã nỗ lực hồi phục trong ba phiên cuối tuần và trụ vững tại ngưỡng 1.350 khi chốt tuần tại 1.351,17, chỉ còn giảm 1,46 điểm (0,1%) so với tuần trước.
Sau nhiều tuần vắng mặt, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở lại vai trò dẫn dắt xu hướng của VN-Index. Nhóm này đóng góp 6/10 vị trí trong top ảnh hưởng tích cực, giúp chỉ số sàn HOSE tăng đến 6 điểm. Bốn vị trí còn lại là các mã VNM (đóng góp 2,4 điểm), MWG (1,4 điểm), BVH (1 điểm) và DGC (0,3 điểm).
Trong tuần VN-Index diễn biến lình xình, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 3/5 phiên, qua đó ghi nhận tuần gom ròng thứ ba liên tiếp. Về giá trị cụ thể, nhóm này mua vào 1.392,5 tỷ trong khi bán ra 1.305 tỷ, qua đó ghi nhận giá trị vào ròng cả tuần đạt 87,5 tỷ. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối này mua ròng 147 tỷ đồng.
Cổ phiếu bán lẻ bị chốt lời sau chuỗi tăng nóng
Diễn biến theo từng nhóm ngành, ngành dịch vụ tài chính với đại diện là nhóm chứng khoán tiếp tục được gom ròng nhiều nhất, nhưng quy mô giảm tới 31% so với tuần trước đó. Theo thống kê, dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các ngành tài nguyên cơ bản (102,5 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (97 tỷ đồng) và bảo hiểm (21 tỷ đồng).
Mặc dù hoạt động 'gom hàng' chiếm ưu thế so với phía bán ra, nhưng dòng tiền mua ròng hiện đang co hẹp vào 4 ngành kể trên, trong khi số ngành bán ra khá phân tán và không nhóm nào bị rút ròng trên trăm tỷ đồng.
Cổ phiếu bán lẻ chịu áp lực xả mạnh nhất từ khối tự doanh. Về giá trị cụ thể, nhóm này rút ròng 91,7 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh dù tuần trước mua ròng 38,8 tỷ đồng.
Theo quan sát, VN-Index vẫn đang dao động trong vùng 1.330 - 1.370 điểm trong khoảng ba tuần trở lại đây với thanh khoản hạn chế. Trong bối cảnh thị trường dao động tích lũy, cổ phiếu nhóm bán lẻ trở thành điểm sáng giao dịch khi liên tục tăng mạnh và mang theo nhiều kỳ vọng của giới đầu tư. Do đó, động thái chuyển hướng bán ra nhiều khả năng liên quan đến hoạt động chốt lời để bảo toàn thành quả sau chuỗi tăng của cổ phiếu ngành này.
Tương tự, khối tự doanh cũng rút ròng 73,5 tỷ đồng cổ phiếu của các nhà băng trong khi vừa trở lại gom mua tuần trước đó. Dòng vốn tự doanh cũng rút khỏi ngành bất động sản, công nghệ thông tin, hàng cá nhân & gia dụng, hàng & dịch vụ công nghiệp, hóa chất... với giá trị thấp hơn.
Khối tự doanh gom ròng gần nghìn tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND từ đầu tháng 9
Thống kê giao dịch cụ thể, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động đứng đầu trong Top10 cổ phiếu bị khối tự doanh CTCK bán ròng mạnh nhất tuần với 91,6 tỷ đồng. Hoạt động chốt lời diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu MWG liên tục tăng và hiện giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử.
Kết phiên 24/9, thị giá mã này dừng tại 130.500 đồng/cp, tăng 22% sau một tháng và tăng tới 65% so với hồi đầu năm. Khối tự doanh còn rút vốn khỏi hai cổ phiếu bán lẻ khác như FPT (51,6 tỷ đồng), PNJ (28,9 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, tự doanh bán ròng cổ phiếu của các nhà băng như VPB (46,4 tỷ đồng), BID (22,1 tỷ đồng) và MBB (20,5 tỷ đồng). Cùng chiều, áp lực bán ròng của khối này còn đặt lên VHM (71,8 tỷ đồng), NHH (34,9 tỷ đồng), FUESSVFL (23,4 tỷ đồng) và PVT (22,9 tỷ đồng).
Top10 cổ phiếu thu hút dòng vốn tự doanh trong tuần qua, nổi bật có FUEVFVND với giá trị 193,7 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, khối tự doanh công ty chứng khoán chưa dừng gom chứng chỉ quỹ của quỹ hoán đổi danh mục ETF VFMVN DIAMOND. Tính từ đầu tháng 9, bộ phận tự doanh đã gom gần 1.000 tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND.
Ngoài ra, một chứng chỉ quỹ khác cũng được khối tự doanh mua ròng trên trăm tỷ là E1VFVN30 (105 tỷ đồng).
Dòng tiền khối tự doanh cũng tìm đến loạt bluechips như HPG (88,5 tỷ đồng), MSN (64,3 tỷ đồng), VNM (34,3 tỷ đồng), LPB (32,1 tỷ đồng) KDH (20,6 tỷ đồng), VRE (19,6 tỷ đồng) và STB (15,9 tỷ đồng).